Tự truyện trong bóng đá: Viết để làm gì?

18:19 Thứ năm 16/10/2014

(TinTheThao.com.vn) - Trong văn học, có không ít nhà văn sau khi đã trải qua những sóng gió cuộc đời, lúc đã có nhiều trải nghiệm và muốn ghi lại quãng đường đã qua, và từ đó những quyển hồi ký hay tự truyện ra đời. Có không ít những hồi ký, tự truyện đã trở thành những tác phẩm để đời vì nó không chỉ đơn thuần là cuốn sách ghi chép lại cuộc đời của một cá nhân mà mang đầy tính nghệ thuật, nhân văn sâu sắc.

Như một trào lưu, những người nổi tiếng cũng viết hồi ký hay là tự truyện từ cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đến HLV bóng đá huyền thoại người Scotland Sir Alex Ferguson đến đội trưởng vĩ đại của CLB Manchester United là Roy Keane hay chàng tiền đạo nhiều cá tính là Ibrahimovich của đội bóng PSG (Pháp). Mặc dù những quyển tự truyện đó đều tạo cơn sốt nhưng chắc chắn người ta mua nó chỉ mang tính tò mò chứ không phải vì nó hay về nghệ thuật.

Một câu hỏi đặt ra là những con người ấy viết tự truyện để làm gì khi mà bản thân họ không phải là người có khả năng cầm bút ? Vì tiền ư, không phải, bởi những Sir Alex hay Roy Keane làm gì thiếu tiền. Muốn nổi tiếng? Càng không phải vì có ai xem bóng đá mà không biết tới họ đâu. Và những trang sách đó cũng chẳng tô điểm thêm sự nghiệp của họ vì lịch sử đã vinh danh những Ibra, Roy Keane hay Sir Alex rồi. Có nhiều lý do nhưng không ngoài việc theo trào lưu và thông qua tự truyện để nói những điều trước đây chưa có cơ hội nói hoặc không dám nói đến.

Cái chính là ở điểm đó vì một quyển tự truyện muốn bán chạy như tôm tươi phải có nội dung kích thích sự tò mò của dư luận, phải tiết lộ những điều người ta chưa biết. Nếu giả sử tự truyện của Sir Alex cứ nói mãi về những chức vô địch Premier League và Champions League thì có ai muốn mua ? Ấy cho nên vị HLV vĩ đại đó đã đem những chuyện “thâm cung bí sử” của Man United, những buồn vui giữa ông và Beckham…phơi bày ra trước thiên hạ. Bao năm huấn luyện tại Man United, Sir Alex rất nghiêm khắc việc cầu thủ trả lời báo giới những chuyện nội bộ của CLB nhưng với việc nói tràn lan trong tự truyện, chẳng khác gì Sir Alex đã vạch áo cho người xem lưng, việc xấu trong nhà đi kể cho người ta biết, không chỉ đi ngược với tính cách có xưa nay mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh CLB.

Không riêng gì ông thầy của mình, Roy Keane cũng gây sốc trong tự truyện với đủ thứ chuyện từ gây gỗ đồng đội, chống đối thầy….Cứ cho đó là những dồn nén, những bức bối của Roy Keane khi chơi cho Man United nhưng nên nhớ rằng đây là đội bóng đã đưa anh trở thành một huyền thoại với mọi vinh quang và tiền bạc. Với tư cách là một cựu thủ quân, anh có trách nhiệm bảo vệ hình ảnh của đội bóng. Nhưng Roy Keane đã không làm thế.

Về mặt tích cực, tự truyện ghi lại con đường mà ta đã đi qua, giúp con người rút ra được nhiều bài học, trải nghiệm và cũng là món quà gửi đến người hâm mộ để tri ơn. Nhưng không nên vì đó là tự truyện của cá nhân mà tuỳ tiện trong những câu chữ. Bởi nó có thể phá đi hình ảnh tốt đẹp của người là nhân vật chính trong quyển sách ấy. Ví như những cuốn tự truyện trong bóng đá, không viết thì có lẽ còn tốt hơn.

Hoàng Thông | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục