Thể thao Việt Nam tại Olympic 2012: Gieo gì gặt nấy

13:27 Chủ nhật 05/08/2012

Thể thao Việt Nam (TTVN) vẫn còn điền kinh, vật và taekwondo sẽ thi đấu trong những ngày cuối tại Olympic 2012, nhưng rất khó trông mong những môn này sẽ đem về huy chương.

VĐV Đỗ Thị Ngân Thương.

8 kỳ Olympic, 2 huy chương

TTVN bắt đầu tham dự Olympic tại Moscow năm 1984. Ngoại trừ việc không tham dự Olympic 1984 tại Los Angeles vì lý do chính trị thì tại những kỳ Olympic sau đó, TTVN đều đặn góp mặt. Tính luôn cả Olympic 2012 thì TTVN đã có 8 lần góp mặt tại sân chơi thể thao lớn nhất thế giới. Thế nhưng, thành tích mà TTVN đạt được là rất hạn chế, khi chỉ có được 2 tấm HCB của Trần Hiếu Ngân (taekwondo) năm 2000 và Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) năm 2008.

Việc TTVN gần như sẽ "trắng tay" tại Olympic 2012 không có gì là lạ nếu như nhìn vào quá trình chuẩn bị cho các VĐV. Công bằng mà nói trong 18 VĐV ở 11 môn của TTVN tại Olympic, hy vọng có huy chương đếm chưa hết 1 bàn tay. Việc họ thi đấu dưới sức mình hay thất bại cũng không có gì là khó hiểu.

Đơn cử như trường hợp của Trần Lê Quốc Toàn. Lực sĩ này được chọn đến Olympic chỉ vài tháng trước khi giải đấu khởi tranh sau cuộc cạnh tranh với đàn em Thạch Kim Tuấn. Vài tháng chuẩn bị để mong có huy chương tại Olympic là điều khá viển vông. Vì thế, việc Quốc Toàn đạt được tổng cử 284kg - thành tích tốt nhất của anh từ trước đến nay đã được coi là một thành công lớn.

Các quan chức của Ủy ban Olympic Việt Nam luôn nói rằng đã làm tất cả những gì tốt nhất cho các VĐV dự Olympic, nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Nếu làm tốt, họ đã không để cho Phan Thị Hà Thanh 4 tháng tập chay không có thầy, tham dự đúng 1 giải có chất lượng chuẩn bị Olympic; đã không để Ngân Thương hay Nguyễn Thị Lụa không được chữa trị chấn thương kịp thời; đã không đánh đồng về chế độ dinh dưỡng, ăn ở của các VĐV dự Olympic cũng như các VĐV bình thường khác và chỉ tăng khi Olympic đã sắp cận kề…

Tiền không thiếu, chỉ thiếu cách chi

Số tiền mà ngành thể thao duyệt chi để đầu tư cho chiến dịch Olympic của Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương lên đến 120.000 USD, nhưng việc đầu tư đó gần như vô ích khi Hương, Hằng cùng thất bại và nếu có dự Olympic cũng không có cơ hội giành huy chương.

Rõ ràng, tiền của ngành thể thao đâu có thiếu, thậm chí còn dư là khác khi nhìn vào số lượng quan chức đi theo đoàn vận động viên sang Anh kỳ này. Nhưng, cách chi lại là một vấn đề. Số tiền tiêu vặt mà các VĐV Việt Nam nhận được chỉ là 15 USD/người/ngày, số tiền mà ai cũng thấy là bất hợp lý nhưng được "đỡ đầu" bởi cái gọi là quy định Nhà nước mà các cán bộ ngành thể thao lý giải. Đầu tư cho VĐV như thế không thể gọi là tốt

Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao Việt Nam - đã cho rằng: "Thể thao Việt Nam không xác định đúng mục tiêu là giành huy chương Olympic mà chỉ tập trung giành càng nhiều suất tham dự Olympic càng tốt".

Vì xác định như thế, nên những VĐV có hy vọng giành huy chương thật sự như Quốc Toàn hay Hà Thanh không được đầu tư chu đáo, theo dạng đặc biệt. Thay vào đó, TTVN đã tốn quá nhiều tiền cho những mục tiêu như Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương hay Dương Thị Việt Anh ở môn điền kinh - những VĐV mà nếu vượt qua vòng loại cũng chắc chắn không thể cạnh tranh huy chương ở Olympic.

Thế nên về cơ bản, Olympic 2012 đã phản ánh đúng thực lực và sự chuẩn bị của TTVN. Nhìn sang cách làm của đoàn thể thao Trung Quốc mới thấy khác xa so với Việt Nam. Để 1 VĐV dự Olympic và có thể cạnh tranh huy chương, họ đầu tư cho VĐV ngay từ rất nhỏ với khoảng thời gian 10-15 năm. Khoảng thời gian đó so với vài tháng chuẩn bị của TTVN, chả trách thành tích của Trung Quốc so với Việt Nam khác xa một trời một vực.

Chuẩn bị cho Olympic 2016

Trong thất bại chung của TTVN tại Olympic vẫn có một số điểm sáng. Như thành tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, VĐV bơi Ánh Viên hay lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn. Thành tích mà họ đạt được là rất đáng khen ngợi. Họ là những VĐV đáng để đầu tư cho tương lai, mà gần nhất chính là Olympic 2016 Rio de Janeiro.

Ông Nguyễn Hồng Minh đã nói thẳng: "Sau Olympic 2012, TTVN cần phải chọn ra những điểm sáng để đầu tư trọng điểm suốt thời gian 4 năm mới mong có huy chương tại Olympic 2016". Ý kiến của ông Minh rất đáng để ngành thể thao tham khảo khi mà kiểu tập trung đầu tư trọng điểm chỉ nửa năm trước Olympic 2012 đã cho thấy thất bại rõ ràng.

Việt Nam vẫn còn 2 VĐV là Chu Hoàng Diệu Linh và Lê Huỳnh Châu sẽ thi đấu ở môn taekwondo trong những ngày thi đấu cuối cùng. Diệu Linh thi đấu ở hạng cân 67kg có rất ít cơ hội. Trong khi đó, Huỳnh Châu từng đoạt HCĐ thế giới 2011 ở hạng cân 63kg, nhưng tại Olympic 2012 anh phải ép cân xuống 58kg, đó là thử thách lớn.
Hoàng Đăng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục