Thể thao Việt Nam tại Olympic - Kỳ 2: Vẫn ở tầm khu vực

08:47 Thứ tư 15/08/2012

Như vậy là Olympic đã khép lại với cảm xúc buồn nhiều hơn vui của đoàn TTVN. Vẫn biết ở sân chơi quá tầm như Olympic, mục tiêu giành huy chương là rất khó khăn, nhưng nếu TTVN vẫn mãi có tư duy như vậy, chúng ta sẽ còn phải học hỏi, cọ xát dài dài. Sau mỗi thành công hay thất bại, những người trong cuộc cần phải rút ra được những bài học. Lần này, xem ra TTVN có quá nhiều thứ để rút kinh nghiệm.

Đây là một đánh giá không quá lời, ngay cả khi TTVN đã từng 2 lần có huy chương ở Olympic. Những thất bại theo kiểu chóng vánh, tâm phục khẩu phục, cho thấy rõ thực lực của các VĐV VN yếu đến mức nào. Lãnh đạo đoàn có thể mang ra một vài gương mặt nổi trội như Quốc Toàn hay Xuân Vinh để mà tiếc nuối, nhưng nếu cho rằng Toàn chỉ cần cố thêm 2kg nữa, Vinh có thêm 0,1 điểm nữa là có huy chương ở kỳ tới, thì đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.

Thể thao Việt Nam ở sân chơi SEA Games - Ảnh: HUY TƯỜNG

15/18 VĐV “rụng” ngay vòng loại

Mang tới Olympic tổng số 18 VĐV bằng cửa chính thức là một kỷ lục của đoàn TTVN. Thế nhưng trước khi Olympic khởi tranh, đã có nhiều ý kiến lo ngại, đoàn TTVN tham dự với số lượng đông, nhưng không tinh và tất cả đã nhận được những kết quả như dự đoán. Hàng loạt các gương mặt, trong đó có cả niềm hy vọng huy chương, cả những gương mặt có kinh nghiệm thi đấu, những gương mặt gặp thuận lợi trong bốc thăm... đều rơi rụng ngay từ vòng loại. Cả đoàn TTVN với 18 VĐV, chỉ có Xuân Vinh (bắn súng), Quốc Toàn (cử tạ), Thanh Phúc (đi bộ) là vượt qua được vòng loại. Tuy nhiên, cả 3 VĐV này cũng không thể giành huy chương ở VCK, khi đã thi đấu rất cố gắng nhưng trình độ chỉ có vậy.

Nghĩ không khỏi thấy tiếc khi bao công sức, tiền của đổ ra đầu tư cho mỗi VĐV, nhưng đã phải về nước sớm chỉ sau vài phút thi đấu. Hình ảnh võ sĩ Diệu Linh (taekwondo) nhìn bảng điện tử hiện lên tỷ số 1-13 với ánh mắt ngỡ ngàng, còn những đàn chị như Văn Ngọc Tú (judo), Nguyễn Thị Lụa (vật), Phạm Thị Hài-Phạm Thị Thảo (judo)...cũng chẳng khá hơn, khi thua lấm lưng trắng bụng, hay đạt thành tích còn kém hơn cả khi thi đấu ở nhà. Yếu tố tâm lý, một lần nữa được mang ra như một vỏ ốc. Song đã quá nhiều lần tâm lý trở thành cứu cánh, tất cả nhận ra rằng, chúng ta thua là vì thực lực quá kém. Văn Ngọc Tú tâm sự: “Tôi không bị thua đòn Ipon cũng là khá lắm rồi”. Trong khi đó Diệu Linh thừa nhận, mình chỉ đặt mục tiêu học hỏi, cọ xát.

Nghe mục tiêu “học hỏi, cọ xát” có vẻ ý nghĩa ở sân chơi lớn như Olympic, nhưng nói thẳng ra, ở một trận đấu thua “tối tăm mặt mũi”, không hiểu VĐV của chúng ta học hỏi được những cái gì. Nhiều người cũng cho rằng, các VĐV của VN đã tự hỏi mình đã cố gắng thật sự chưa, như những gì họ phát biểu? Nếu cố gắng hết sức, Việt Anh đã không đạt mức xà quá thấp như thế. Nếu cố gắng, những Hoàng Ngọc, Phạm Thị Hài, Phạm Thi Thảo, Tiến Minh... đã không thể vượt qua được chính mình như vậy.

Vậy nên, 15/18 VĐV bị loại sớm, là kết quả đã phản ánh đúng trình độ của đoàn TTVN tại Olympic lần này.

Không có gương mặt mũi nhọn

Quốc Toàn, Xuân Vinh đã đánh rơi HCĐ đáng tiếc, nhưng chưa chắc 4 năm tới, cả hai sẽ tái lập được thành tích như ở kỳ Olympic lần này. Đơn giản bởi, cả hai vẫn chưa phải là những VĐV có đủ khả năng bùng nổ ở sân chơi lớn như Olympic. Thành tích của Xuân Vinh và Quốc Toàn tại Olympic lần này, đều tốt nhất trong sự nghiệp, nhưng vẫn chưa đủ để cạnh tranh huy chương sòng phẳng. Cho đến giờ, TTVN mới chỉ ghi nhận 1 trường hợp là lực sĩ Hoàng Anh Tuấn, người chưa thi nhưng đã cầm chắc huy chương, thậm chí suýt có HCV.

TTVN sau nhiều năm tham dự Olympic, vẫn chỉ mang theo tư tưởng cầu may. Khác với khu vực, các đối thủ của VN hầu như kỳ Olympic nào cũng có huy chương. Kỳ này, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia đều có từ 2 tấm huy chương trở lên.

Không có gương mặt mũi nhọn, bắt nguồn từ chính cách làm của TTVN. xác định 10 môn thể thao được đầu tư trọng điểm, trong đó gồm phần lớn những môn Olympic, nhưng lạ ở chỗ bên cạnh 10 môn này lại có tới 20 môn được xác định là “trọng điểm nhóm 2”, để “dự phòng” cho SEA Games. Và như thế chúng ta buộc phải chia kinh phí đầu tư trong khoảng ít nhất là 30 môn. Việc đầu tư dàn trải không hướng đến chiều sâu chỉ có thể giúp TTVN đọat được những thứ hạng cao ở đấu trường SEA Games, hoặc đạt được mức chuẩn B, chứ khó có thể đoạt được huy chương Olympic. Trong khi đó, những tấm gương như Trung Quốc hay ngay nước láng giềng Thái Lan, thường đầu tư theo kiểu “gà nòi” và có trọng điểm ở một vài môn.

Đáng tiếc là đáng lẽ chúng ta đã có những môn mũi nhọn ăn đứt các nước khu vực, như môn taekwondo chẳng hạn. Thế nhưng sau 12 năm kể từ khi Hiếu Ngân giành HCB. Taekwondo cứ thụt lùi dần và giờ kém hơn cả các nước trong khu vực.

TTVN đã cho thấy mình không thiếu yếu tố con người, nhưng chính cách làm hời hợt theo kiểu cho có, đã khiến TTVN không có nổi một gương mặt mũi nhọn nào tại Olympic lần này.

Chi Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục