Quảng bá văn hóa đất nước qua Vovinam

12:14 Chủ nhật 14/07/2013

Sau ba ngày thi đấu, Giải vô địch Vovinam (hay Việt võ đạo) thế giới lần thứ 3 do Liên đoàn Vovinam thế giới phối hợp với Liên đoàn Karate Pháp tổ chức đã kết thúc tối 7-7 tại nhà thi đấu Học viện Judo Pháp (INJ) ở thủ đô Paris.

Giải năm nay thu hút 232 võ sĩ đại diện cho 24 liên đoàn Vovinam ở nhiều nước trên thế giới về tranh tài ở nội dung đối kháng, biểu diễn quyền cá nhân và đồng đội. Sự kiện quan trọng này nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp và Năm giao lưu chéo giữa hai nước. Đây cũng là lần đầu tiên, Giải vô địch Vovinam và Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Vovinam thế giới được tổ chức ở ngoài quê hương môn võ này là Việt Nam.

Màn trình diễn Vovinam của đoàn Pháp.

Đúng như dự đoán, các võ sĩ Việt Nam đã lần thứ 3 liên tiếp giữ ngôi nhất toàn đoàn với tổng cộng 18 huy chương vàng (HCV), 2 huy chương đồng (HCĐ). Đoàn chủ nhà Pháp giành vị trí á quân với 9 HCV, 7 huy chương bạc và 7 HCĐ. Hai đoàn võ sĩ mới tham gia lần đầu là Nhật Bản và Bangladesh cũng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là thành công của giải đấu đã đánh dấu một bước tiến mới của môn Vovinam trên bình diện thế giới sau 75 năm phát triển. Việc tổ chức giải tại Pháp hàm chứa nhiều ý nghĩa vì Pháp có thể được xem là quê hương thứ hai của Vovinam. Dù tận trời Âu nhưng môn võ Việt Nam đã theo chân các du học sinh người Việt đến Pháp từ năm 1971 và phát triển thành phong trào mạnh mẽ ở đất nước hình lục lăng. Từ đây, Vovinam đã lan tỏa khắp Châu Âu, Châu Phi. Tính đến nay, Vovinam đã có mặt ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành một môn phái ngày càng có nhiều người hâm mộ theo học và xem đó là triết lý sống mang tinh thần nhân văn, thượng võ.

Trả lời báo chí tại Paris, ông Jaques Charprenet, phụ trách mảng võ thuật Việt Nam trong Liên đoàn Karate Pháp, một người bắt đầu luyện tập nhiều môn phái võ thuật cổ truyền Việt Nam từ năm 1974 cho biết, võ thuật Việt Nam có một vị trí quan trọng tại Pháp. Trước hết là về mặt lịch sử, từ những năm 1950 đã có rất nhiều võ sư Việt Nam đến nước Pháp và phổ biến phát triển. Hiện tại, trong Liên đoàn Karate Pháp, 2.600 môn sinh theo học Vovinam sinh hoạt dưới hình thức các câu lạc bộ, các hiệp hội ở hầu khắp nước Pháp. Vovinam được phát triển thông qua nhiều giải đấu. Đặc biệt, giải vô địch toàn Pháp bao gồm cả các bộ môn thi đấu đối kháng cũng như biểu diễn quyền đặc trưng của Vovinam. Theo ông J.Charprenet: "Đằng sau môn võ này là một nét văn hóa, một lịch sử và khía cạnh rất con người. Đó là điều cốt lõi".

Dự kiến, giải vô địch Vovinam thế giới lần 4 sẽ được tổ chức tại Algeria vào năm 2015. Việc tổ chức giải vô địch Vovinam ở nước ngoài sẽ giúp quy tụ tất cả những người yêu môn võ này trên khắp thế giới và quảng bá Vovinam cùng những hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè năm châu.

Quỳnh Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục