Quần vợt Nam Nữ - Chưa có sự bình đẳng tuyệt đối

15:51 Thứ bảy 23/11/2013

Citi Open tại Washington DC (Mỹ) là một trong 18 giải đấu tennis chuyên nghiệp nam và nữ đấu chung với nhau. Giải đấu chung hai giới, bắt đầu từ 4 giải Grand Slam, đang trở thành phổ biến. Nhưng có một điều khác biệt để nhận thấy ở Citi Open trong năm thứ hai tổ chức giải chung ATP-WTA: các tay vợt nam được đối xử ưu đãi hơn hẳn các đồng nghiệp nữ.

Không phải nơi nào cũng tồn tại sự bình đẳng

Sự ưu đãi dễ nhận thấy nhất là cách sắp xếp sân thi đấu. 23 trận đấu đơn nam được tổ chức trên sân chính của cụm sân, trong khi chỉ có 6 trận nữ được bố trí ở đấy. Thế còn cải thiện hơn so với năm ngoái, khi sân chính tổ chức 22 trận nam và 2 trận nữ. Các nhà tổ chức đâu ra hai lý do giải thích sự bất bình đẳng trên. Thứ nhất, giải nam tồn tại ở Washington DC từ năm 1969 đến nay, trong khi giải nữ mới bước sang năm thứ ba.

Thứ hai, giải nam là sự kiện ATP 500 với điểm và tiền thưởng cao. Tổng quỹ thưởng là 1.295.790 USD, nhà vô địch nhận 295.200 USD. Giải nữ thuộc hệ thống khá thấp và WTA International có tổng quỹ thưởng 235.000 USD, nhà vô địch nhận 40.000 USD.

Donald Dell, chủ tịch Lagardere Unlimited, tập đoàn quản lý thể thao điều hành Citi Open nói thẳng rằng ông không xem đây là giải đấu kết hợp nam và nữ. “Tôi xem đây là hai giải đấu riêng rẽ cũng tổ chức vào một tuần”.

Dell đã bay đến Miami để gặp hội đồng các tay vợt của ATP trước khi giải năm 2012 diễn ra để hứa chắc với ATP rằng không hề có ý định xâm phạm giải nam khi mang giải nữ đến chơi. Dell cũng đã gặp Staceu Allaster, giám đốc điều hành của WTA, để thảo luận việc đó, và WTA cũng ký thỏa thuận với Citi Open. “Các tay vợt nam được sự ưu tiên ở các sân tập, chúng tôi đã thông báo rộng rãi đến các tay vợt nữ”, Dell nói, “Không có điều gì bí mật ở đây hết, mọi thứ đều minh bạch”.

Giải nam City Open có 48 tay vợt thi đấu vòng chính, so với 32 tay vợt giải nữ, xếp hạng trung bình của các tay vợt nam cũng cao hơn chút. Tuy nhiên, so với tay vợt Top 10 ngang nhau: số 7 nam Juan Martin del Potro được chơi tất cả các trận ở sân chính thì Kerber chỉ chơi 1 trong 3 trận đầu ở đó trước khi thua tứ kết trên sân Grandstand 1 lớn thứ hai, có 2.500 chỗ.

Sloane Stephens, xếp hạng 15 nữ thế giới, cao hơn bất kỳ tay vợt nam của Mỹ nào được xếp chơi trận mở màn ở Grandstand 1. Cùng giờ đó, hai tay vợt cựu binh của Mỹ Mardy Fish và James Blake chơi ở sân chính có 7.500 chỗ. Số người xem trận đấu nam thì ít, đã thế còn nhiều người trèo lên hàng cao nhất của sân để nhòm qua xem Stephens thi đấu.

Tay vợt 18 tuổi Madison Keys, trẻ nhất trong Top 40, chơi trận vòng 2 ở sân Court 1 chỉ có sức chứa 700 khán giả. Các fan không có vé phải xem cô thi đấu bằng cách trèo lên hàng cao nhất sân Grandstand s để xem cô đấu. Ở sân này khi đó đang diễn ra một trận đấu đơn nam. Các trận tứ kết nam Citi Open đều diễn ra ở sân chính, các trận tứ kết nữ đều diễn ra ở sân lớn thứ hai. “Chúng tôi xứng đáng được chơi ở sân chính, các khán giả cẩn điều đó, tại sao không bố trí các trận quan trọng ở sân lớn nhất này”, tay vợt nữ Alize Cornet nói.

Có điều cải thiện nhất năm nay ở Citi Open là các tay vợt nữ được sử dụng những phòng thay đồ được nới thêm ở dưới sân vận động. Năm ngoái thì chỉ có các tay vợt nam được dùng những phòng đó, còn nữ dùng phòng thay đồ, toilet và phòng tắm dã chiến ở lều bạt và các toa ro-mooc.

Tuy nhiên thì các giải đấu ở Acapulco (Mexico), Memphis (Mỹ), những giải kết hợp giữa ATP 500 và WTA International như Citi Open thì nam và nữ được phân bổ đều thời gian thi đấu trên sân chính. Ngược lại, ở 4 giải kết hợp nam nữ mà nữ có hệ thống cao hơn nam là Brisbane và Sydney (Úc), Eastbourne (Anh), Beijing (Trung Quốc) thì nữ với nam cũng được đối xử bình đẳng như nhau. Một số giải bằng nhau về hệ thống giữa nam và nữ như Wimbledon hay Madrid Masters thì nam được ưu ái hơn nữ ở sân đấu chính.

Các giải nữ chưa đảm bảo về mặt thương mại?

Hàng chục năm nay, WTA và các cựu tay vợt nữ hàng đầu như Billie Jean King không ngừng đấu tranh cho sự bình đẳng giữa hai giới trong tennis. Họ đã đạt được nhiều thành tựu lớn, nhưng sự bình đẳng tuyệt đối thì chưa thể có. Nói gì thì nói, tennis nam hấp dẫn hơn về mặt chuyên môn, kỹ thuật và sự kịch tính nên có nhiều khán giải hơn. Ban tổ chức các giải đấu, vì muốn đảm bảo thành công về mặt thương mại nên phải ưu ái phái mạnh hơn.

Việc kha i thác thương mại này thể hiện rõ nhất tại giải Rogers Cup ở Canada. Giải nam và nữ Roger Cup đều ngang nhau về hệ thống. Theo thông lệ, Rogers Cup được tổ chức ở hai thành phố lớn nhất tại Canada là Toronto và Montreal. Năm chẵn, giải nam tổ chức ở Toronto, giải nữ ở Montreal. Năm lẻ như năm nay, giải nam tổ chức ở Montreal, giải nữ ở Toronto. Trước, hai giải tổ chức lần lượt hai tuần liền nhau. Nhưng vài năm trở lại đây, hai giải tổ chức chung một tuần.

Với khán giả ở Montreal thì xem giải nào cũng được. Khán giả ở Toronto, một thành phố công nghiệp theo kiểu Mỹ khó tính hơn, ưng xem các tay vợt nam đấu, vì “đáng tiền” hơn. Các giải nam ở Toronto luôn đảm bảo về mặt thương mại, nhưng các giải nữ ở Toronto thì không như vậy.

Năm nay, liên đoàn tennis Canada có sáng kiến: mời các tay vợt nam bị loại ở vòng 1 từ Montreal đến chơi các trận biểu diễn xen kẽ các trận nữ ở Toronto. Hai tay vợt Bernard Tomic và Feliciano Lopez nhận lời với thù lao 20.000 USD. Nếu bị loại ở vòng 2, họ nhận được 18.800 USD. Tiền thù lao cho họ khi bị loại ở vòng 1 cộng với thù lao khi đến Toronto biểu diễn là 30.155 USD. Như vậy, họ “lời”.

Ban tổ chức ở Toronto không nói thẳng ra là mời các tay vợt nam đến thi đấu nhằm thu hút khán giả hơn. Nhưng thực tế là như vậy. Ngoài trận giữa Tomic và Lopez, họ còn mời James Blake, John McEnroe, Pete Sampras, Jim Courier, Pete Sampras, Jim Courier đến biểu diễn. Thêm nữa là trận biểu diễn đánh đôi giữa chị em nhà Williams và cặp huyền thoại Monica Seles và tay vợt chủ nhà Eugenie Bouchard.

Đây không phải lần đầu tiên, liên đoàn tennis Canada tìm cách “bơm” thêm chất testosterone vào các giải nữ. năm 2011, họ cũng mời các cựu tay vợt McEnroe, Courier, Andre Agassi, Michael Chang đến biểu diễn ở Toronto. Slogan cho giải khi đó là “Hãy đến vì các cô gái, ở lại vì các huyền thoại” bị chỉ trích là bất bình đẳng giới khiến ban tổ chức phải đổi thành “Tạo ra lịch sử, sống lại với lịch sử”.

“Toronto là một thị trường đầy thách thức”, bà Stacey Allaster, giám đốc điều hành WTA, nhận xét, “Tôi nghĩ liên đoàn tennis Canada tổ chức các buổi hòa nhạc, các trận đấu biểu diễn thêm vào các trận đấu giải nữ cũng chỉ để kiếm thêm tiền nhằm phát triển tennis ở đây, tạo ra thêm nhiều tay vợt đẳng cấp như Bouchard hay Milos Raonic nữa thôi”. Nói vậy, là bà Allaster đã công nhận rằng tennis nữ chưa đủ hấp dẫn về mặt thương mại.

Tổng hợp | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục