Những thành tích vượt trên cả sự mong đợi, cụ thể là xếp hạng 4 nội dung 50m súng ngắn tự chọn và hạng 9 nội dung 10m súng ngắn hơi tại Olympic London 2012 rồi mới đây là chiếc Huy chương Vàng châu Á đã giúp xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã có sự thăng tiến đáng kể trên bảng xếp hạng của Liên đoàn bắn súng thế giới (ISSF).
Sau khi để hụt tấm Huy chương đồng tại Olympic 2012 đầy đáng tiếc ở nội dung 50m súng ngắn tiêu chuẩn, Xuân Vinh đã “rửa hận” thành công với chiến công mới bằng ngôi vô địch nội dung 10m súng ngắn hơi nam tại giải vô địch súng hơi châu Á kết thúc hồi tháng trước tại Nanchang, Trung Quốc.
Ở bài bắn tiêu chuẩn, Xuân Vinh đạt 583 điểm, kém 1 điểm so với thành tích của chính mình tại giải vô địch quốc gia. Nhưng đây lại thành tích khá tốt khi ra quốc tế và thi đấu với hệ thống bia điện tử hiện đại. Bài tiêu chuẩn của Vinh tại giải đấu này cũng vượt thành tích đứng thứ 9 Olympic 2012 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam của chính anh đúng 1 điểm.
Thi đấu trên đất khách và trước những đối thủ có tiềm lực của đoàn chủ nhà, Xuân Vinh không hề bị sức ép mà anh coi đó là động lực thêm để “rửa hận” khi không thể mang về vinh quang cho thể thao nước nhà tại London. Với 10 viên đạn đạt 100.3 điểm trong loạt bắn chung kết, Hoàng Xuân Vinh có tổng điểm 686,3, hơn người đứng thứ nhì Mai Jiajie (Trung Quốc) 3,1 điểm.
Đây là chức vô địch trên đấu trường châu lục đầu tiên của các tay súng Việt Nam. Thành tích này giúp Hoàng Xuân Vinh tiếp tục cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng châu Á sau khi anh vươn lên vị trí thứ 6 nhờ thành tích thi đấu tại Olympic 2012.
Chiến tích tại giải châu Á còn thêm phần “ngọt ngào” khi Xuân Vinh bị sức ép không nhỏ sau thất bại ở Olympic 2012, dù thành tích của anh ở London là không tưởng. Một xạ thủ tới từ Việt Nam xuất hiện giữa trường bắn chung kết Royal Artillery Barracks sau khi xạ thủ số 1 thế giới Damir Mikec, hạng nhì thế giới Tomoyuki Matsuda hay hạng 4 thế giới Oleh Omelchuk bị loại. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một xạ thủ Việt Nam lọt vào tới vòng bắn chung kết Olympic và tranh chấp huy chương ngang ngửa với các xạ thủ xuất sắc của thế giới.
Nếu như có chút gì tiếc nuối thì đó là tiếc nuối về cơ hội giành huy chương Olympic mà Hoàng Xuân Vinh chưa thể thực hiện được, dù đã hết sức cố gắng.
Trường hợp của Xuân Vinh tại Olympic 2012 và giải vô địch châu Á một lần nữa cho thấy, nỗ lực của cá nhân là không đủ để vận động viên Việt Nam giành vinh quang tại đấu trường cỡ lớn như Olympic.
Có thể các vận động viên của chúng ta đủ khả năng “lên tiếng” ở những đấu trường châu lục nhưng để Xuân Vinh “chắc tay cầm súng” hay các vận động viên khác, chúng ta cần một chiến lược đầu tư hợp lý và dài hạn.