Nhìn từ danh sách VĐV tiêu biểu năm 2014: "Trẻ trung" và "cơ bản"

10:33 Chủ nhật 11/01/2015

Chưa bao giờ, cuộc bầu chọn Vận động viên tiêu biểu toàn quốc trong năm lại "trẻ trung" và "cơ bản" đến vậy, như bản danh sách 10 gương mặt vừa được tôn vinh. Đó là minh chứng cho những bước chuyển mình mang tính nền tảng, và cũng là điểm tựa cho những hy vọng về tương lai của nền thể thao nước nhà.

Một lần nữa - Ánh Viên.

Dù có ba người đã ở "tuổi băm" (và riêng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã 40 tuổi), song "thần thái" của nhóm 10 VĐV tiêu biểu năm 2014 vẫn thuộc diện trẻ trung nhất lịch sử, với sự áp đảo hoàn toàn của những gương mặt thanh xuân. Kình ngư Ánh Viên chưa đầy 18 tuổi, đô cử Thạch Kim Tuấn mới tròn 20, chân chạy Quách Thị Lan và cua-rơ Nguyễn Thị Thật chỉ đang 19, VĐV nhảy xa Bùi Thu Thảo và võ sĩ u-su (wushu) Dương Thúy Vi vừa 21. Ngay cả tuyển thủ thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh, tiếng là một "cựu binh", cũng chưa bước qua tuổi 23...

Với một lực lượng rất trẻ, thậm chí hầu hết mới bước vào độ chín hay bắt đầu tăng tốc đột phá, nền thể thao Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để chờ đợi những chu kỳ tỏa sáng mới, không chỉ trong ngắn hạn. Chính các ngôi sao đang lên ấy sẽ gánh vác trọng trách thực hiện mục tiêu vươn tới đỉnh cao. Họ đều đã đạt tới trình độ châu lục, đủ sức giành suất tham dự chính thức (và thậm chí một số trường hợp đã thuộc diện tranh chấp huy chương) Olympic như Kim Tuấn hay Hà Thanh. Riêng Thạch Kim Tuấn hiện đã đạt mức tổng cử 296kg, vượt cả mức HCV ở nhiều kỳ Olympic trở lại đây, được coi như một ứng viên vô địch sáng giá ở ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh trên đất Bra-xin (Brazil) vào năm 2016.

Chẳng những trẻ, danh sách 10 tuyển thủ tiêu biểu của năm 2014 còn nghiêng hẳn về phía các môn thể thao cơ bản, mà cụ thể là những môn nằm trong chương trình thi đấu Olympic. Chỉ có hai người không thuộc nhóm ấy, nhưng cũng đều là những môn hàng đầu ở Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), là Dương Thúy Vi và võ sĩ không thủ đạo (karatedo) Nguyễn Hoàng Ngân. Tuy nhiên, cả hai trường hợp này đều có thể xem là ngoại lệ, thứ hạng không cao, phụ thuộc chủ yếu vào sự xuất sắc của cá nhân chứ không phải do lợi thế của môn mình tập luyện - thi đấu. Thúy Vi giành vị trí thứ tư nhờ mang về tấm HCV ASIAD duy nhất cho Đoàn thể thao Việt Nam, còn Hoàng Ngân đạt hạng bảy nhờ nỗ lực tái xuất phi thường để đoạt HCB ASIAD. Trong số tám nhân vật còn lại, có tới hai người của điền kinh, còn bơi, bắn súng cử tạ, thể dục dụng cụ, xe đạp, cầu lông mỗi môn đóng góp một tuyển thủ. Rõ ràng, xu hướng nhìn nhận, đánh giá đặc biệt cao các cá nhân, thành tích xuất sắc ở các môn cơ bản đang ngày càng chiếm ưu thế, cho dù nếu xét thuần túy về số lượng hay "màu huy chương" có thể còn kém hơn những môn khác.

Những gì được thể hiện qua kết quả bầu 10 VĐV tiêu biểu năm 2014 là sự khắc họa bước chuyển mới từ nền tảng của thể thao Việt Nam. Chúng ta đã bước đầu bứt ra khỏi cách nghĩ - cách làm dàn trải, thời vụ, để tập trung dài hạn cho các môn cơ bản, hướng tới những đấu trường tầm cao như Olympic và ASIAD, thông qua một lực lượng tuyển thủ trẻ được đào tạo bài bản, đúng mô hình quốc tế.

Nhưng, kết quả ấy cũng tiếp tục đặt ra cho ngành thể thao những đòi hỏi mới, về một quá trình thay đổi quyết liệt, đầu tư mạnh mẽ, với các giải pháp chuyên biệt. Nói gì thì nói, đã mấy kỳ đại hội lớn rồi, thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng. Và, những gương mặt VĐV vừa được tôn vinh cũng cần phải thật sự thể hiện được tính "tiêu biểu" của mình, trong những sứ mệnh vinh quang.

Phúc Nhi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục