Nhìn lại kỳ chuyển nhượng hè 2012/13 của Premier League: Khi các Giám đốc kỹ thuật lên ngôi

15:25 Thứ năm 05/09/2013

Mùa chuyển nhượng hè 2013 vừa qua chứng kiến một sự phân hóa rõ rệt trong số các CLB hàng đầu ở Premier League. Man City và Tottenham xứng đáng nhận điểm “A” cho công tác mua bán cầu thủ, trong khi mức điểm tương tự không thể được chấm cho M.U hay Arsenal. Đâu là lý do dẫn đến sự khác biệt trên? Là một vị trí có tên Giám đốc kỹ thuật.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

Người lo mua bán, người lo chuyên môn

Chuyên môn hóa là một xu thế tất yếu của cuộc sống hiện đại: không ai đủ giỏi để làm tốt tất cả mọi việc và mỗi người chỉ nên tập trung vào điều mà mình làm tốt nhất, nhường lại những thứ thuộc “sở đoản” cho người khác bởi mỗi công việc có yêu cầu khác nhau. Bóng đá cũng không phải là ngoại lệ: để ngồi vào ghế HLV trưởng, phải có kỹ năng quản trị nhân sự, kiến thức chuyên môn cũng như tư duy chiến thuật, nhưng những phẩm chất đó chưa chắc đã có nhiều tác dụng trong việc thực hiện các vụ chuyển nhượng cầu thủ, vốn còn liên quan đến rất nhiều yếu tố như tài chính, pháp lý….. Tất nhiên là Carlo Ancelotti hay Pep Guardiola cũng có thể theo học về quản trị kinh doanh, kỹ năng đàm phán… nếu cần, nhưng sẽ là lãng phí nếu sử dụng thời gian và chất xám của họ vào việc đó thay vì nhiệm vụ chính là huấn luyện cầu thủ và lên các phương án chiến thuật. Vì thế, từ rất lâu trước đây, các CLB ở châu Âu lục địa đã tách bạch rõ ràng vai trò của HLV trưởng và GĐKT: một người lo công tác chuyên môn, người còn lại sẽ chịu trách nhiệm về mặt nhân sự. HLV trưởng có thể đề xuất mục tiêu họ muốn, nhưng tất cả các công việc tiếp theo đó (liên hệ với đối tác, đàm phán, thương lượng về hình thức thanh toán hoặc các điều khoản phụ…) sẽ thuộc về GĐKT. Điều này sẽ làm giảm bớt gánh nặng lên vai HLV trưởng, giúp họ phát huy tối đa khả năng và không phải ngẫu nhiên mà cả 4 đội bóng vào đến bán kết Champions League mùa trước đều sử dụng GĐKT: Dortmund có Michael Zorc, Bayern có Matthias Sammer, Barca dùng Andoni Zubizarreta còn Real Madrid đặt niềm tin vào Zinedine Zidane. Tuy nhiên, vì lý do lịch sử (bóng đá ở Anh vốn được coi là cuộc chơi của tầng lớp lao động và không có chỗ cho “dân trí thức”) nên Premier League không thực sự ưa chuộng các GĐKT mãi cho đến những năm gần đây.

Giám đốc kỹ thuật Txiki Begiristain của Manchester City

Có GĐKT có hơn

Nhưng dần dần thì một số CLB ở Premier League – đáng kể nhất có Man City và Tottenham – đã trở nên cởi mở hơn khi trao quyền quyết định về nhân sự vào tay GĐKT, và hiệu quả đã đến rất nhanh chóng. Man City có được hầu hết những cầu thủ họ muốn từ khá sớm, khi các bản HĐ với Jovetic, Fernandinho, Negredo và Navas đều được hoàn tất trong tháng 6-7 và Man xanh có khá nhiều thời gian cho việc lắp ghép đội hình trước thềm mùa giải mới. Dĩ nhiên là HLV Pellegrini chẳng đóng vai trò gì trong những thương vụ này, bởi mãi đến giữa tháng 6 ông mới được bổ nhiệm vào “ghế nóng” ở sân City of Manchester, và GĐKT Txiki Begiristain mới là người thực sự thúc đẩy các vụ chuyển nhượng. Tương tự, nhờ có Franco Baldini mà Tottenham cũng đã tiêu rất tốt số tiền hơn 80 triệu bảng thu được từ thương vụ bán Gareth Bale, và cũng không quá khi nói rằng nếu không có Baldini thì chưa chắc Chủ tịch Daniel Levy đã dám để Bale chuyển sang Real Madrid. Với mạng lưới quan hệ rộng rãi của mình, Baldini hầu như chỉ mất vài ngày để đưa về sân White Hart Lane những cầu thủ mà HLV Andre Villas – Boas mong muốn (có lẽ chỉ trừ tiền vệ Wilian, do tỷ phú Roman Abramovich đích thân can thiệp để kéo sang Chelsea): từ Soldado đến Eriksen, từ Paulinho đến Lamela, tất cả đều được giải quyết một cách chóng vánh.

Giám đốc kỹ thuật của Tottenham Hotspurs - Ông Franco Baldini

Tottenham và Baldini xứng đáng nhận được những lời khen bởi tiêu tiền cũng không phải là dễ: HLV Arsene Wenger từng rất nhiều lần lên tiếng phàn nàn rằng ông không tìm thấy các món hàng chất lượng trên sàn chuyển nhượng, và khoản tiền mặt xấp xỉ 100 triệu bảng của Arsenal vẫn nằm im cho đến những phút cuối cùng trước giờ thị trường đóng cửa, khi họ chiêu mộ thành công Mesut Oezil. Nhưng nếu một GĐKT chuyên trách còn phải làm việc tới 60-70 giờ mỗi tuần thì Wenger, người còn bận rộn với những chuyến du dấu liên miên, lấy đâu ra thời gian mà săn lùng “hàng” tốt? Không phải ngẫu nhiên mà những vụ chuyển nhượng tốt nhất của Arsenal đều diễn ra khi cựu PCT David Dein – người đảm nhận vai trò thương lượng thay Wenger – còn tại vị. Còn đối với M.U thì mọi thứ đã quá rõ ràng: quan điểm chung là “Quỷ đỏ” vừa có một kỳ mua sắm đáng thất vọng nhất trong nhiều năm, bởi ngay từ đầu họ đã không có một bản kế hoạch cụ thể và ngay cả khi đã lên được kế hoạch thì vẫn thực hiện nó một cách rất tồi.

Duy trì sự ổn định

Tất nhiên điều gì cũng có hai mặt của nó và không phải cứ bổ nhiệm một vị GĐKT thì đội bóng sẽ lột xác ngay lập tức (nhìn gương của Liverpool với Damien Comolli, người đã đưa về sân Anfield hai “thảm họa” Carroll và Downing thì biết). Tạm bỏ qua chuyện GĐKT chọn sai cầu thủ, thì vẫn có xác suất là những người mà ông ta mua về - dù rất giỏi – không tương thích với triết lý bóng đá của HLV, đặc biệt là những người có cá tính mạnh như Jose Mourinho chẳng hạn (vì thế nên khả năng thành công của bộ đôi GĐKT Michel Emenalo dưới thời Mourinho vẫn là một dấu hỏi). Dù vậy, có một lợi ích không thể chối cãi của việc sử dụng các GĐKT, đó là ông ta sẽ giúp CLB trở nên ổn định hơn thông qua một chính sách nhân sự nhất quán: thông thường, mọi HLV đều muốn đặt dấu ấn của mình lên đội bóng mới, bao gồm cả việc chiêu mộ một vài “người của mình” và bán đi một vài kẻ không cần thiết thuộc ê-kíp của người tiền nhiệm. Do đó, nếu một CLB thay HLV liên tục (và không có GĐKT) thì nhân lực của đội bóng sẽ bị xáo trộn rất lớn, làm giảm sự kết dính trong lối chơi và kéo theo đó là thành tích đi xuống trên sân cỏ. Và chắc chắn đó là điều mà không một vị Chủ tịch nào mong muốn…

M.U đang rất cần một GĐKT

Sau khi trải qua một mùa chuyển nhượng không như ý thì HLV David Moyes và PCT Ed Woodward của M.U sẽ phải ngồi họp lại trong vài ngày tới để mổ xẻ các nguyên nhân thất bại cũng như lên kế hoạch cho kỳ chuyển nhượng mùa Đông, và chắc chắn M.U đang cảm nhận rất rõ sự thiếu vắng của một vị GĐKT. Sở dĩ trước đây M.U vẫn vận hành tốt mà không cần đến một GĐKT chuyên trách là vì họ sở hữu “bố già” Alex Ferguson, người có thể đảm đương tất cả mọi việc từ huấn luyện, đàm phán HĐ đến tuyển mộ cầu thủ mới. Nhưng tất nhiên David Moyes chưa thể sánh với vị tiền bối, hơn nữa bóng đá hiện nay cũng đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với thời Ferguson mới bước chân vào nghiệp huấn luyện và một HLV không thể có đủ thời gian cũng như sức lực để hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ.
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục