‘Nên đưa môn thể thao có tính ứng dụng cao vào trường học’

18:13 Thứ hai 25/04/2016

Vụ 9 học sinh chết đuối ở Quảng Trị lại một lần nữa đặt ra câu hỏi phải chăng các em đã không được trang bị đầy đủ kỹ năng sống cần thiết từ trường học?

Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 Nguyễn Hồng Minh trăn trở rằng với những em học sinh sinh ra ở vùng sông nước Cửu Long, do sẵn có các điều kiện tự nhiên và tập quán sinh hoạt nên hầu như em nào cũng biết bơi.

Trong khi đó với những học sinh ở miền Bắc, miền Trung, do không phải là vùng sông nước nên các em gần như không có kỹ năng bơi. Nếu gia đình, nhà trường không trang bị kịp thời thì sự thiếu hụt đó đôi khi khiến con cái họ phải đối diện với những tình huống nguy hiểm.

Thành công của Ánh Viên ở SEA Games 28 thúc đẩy nhiều gia đình đưa con em đi học bơi.

 

Trăn trở của ông Minh cũng là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh khi con em của họ thiếu quá nhiều kỹ năng sống, học quá nhiều mà không có thời gian dành cho việc rèn luyện sức khỏe, giải trí. Ai cũng biết vai trò quan trọng của sức khỏe đối với mỗi con người là như thế nào nhưng có vẻ như hệ thống giáo dục hiện nay dành vị trí quá thấp cho vấn đề quan trọng này.

Nhiều chuyên gia thể thao từng lo lắng rằng càng ngày vị trí của môn thể dục trong trường học càng không được xem trọng. Trước đây Bộ Giáo dục đào tạo có vụ giáo dục thể chất, lo về việc rèn luyện thể lực cho học sinh, sinh viên. Nhưng giờ, công việc đó bị tản mạn vào nhiều vụ và chẳng vụ nào tỏ ra sốt sắng với vấn đề mang tính khẩn thiết này.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, Chính phủ đã ban hành chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em và có nhiều văn bản hướng dẫn triển khai. Nhiều địa phương cũng đã triển khai nhưng trong nhà trường có vẻ lại... hơi chậm.

Tất nhiên điều này xuất phát từ việc các trường đều thiếu quỹ đất, cơ sở vật chất cho nhiều môn thể thao, nhất là thiếu bể bơi cho môn bơi. Nhưng nếu có quyết tâm, có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường với các đơn vị thể thao, các doanh nghiệp thì vẫn có thể làm được. "Dù có khó khăn nhưng vấn đề là người ta có quyết tâm, có nhận thức thấu đáo được vấn đề để thực hiện hay không mà thôi," ông Minh nói.

Cũng theo vị chuyên gia đầu ngành về thể thao này thì nhà trường nên chọn các môn thể thao phù hợp, tính ứng dụng cao hay nói cách khác là ngoài việc rèn luyện sức khỏe, tăng cường thể lực cho học sinh, sinh viên thì các môn thể thao này còn giúp các em tăng cường thêm kỹ năng sống.

"Nói đến thể thao thì trước tiên người ta sẽ nói về các môn bơi, điền kinh và thể dục. Môn thể dục tôi nói ở đây không phải là thể dục dụng cụ mà là môn thể dục tổng hợp được nhiều động tác nâng cao sức khỏe. Môn điền kinh thì ngoài việc giúp cho các em phát triển toàn diện hơn cũng tăng cường được các kỹ năng chạy, nhảy, ném, đẩy,... Còn môn bơi thì giúp các em phòng chống đuối nước."

Ông Minh mong muốn, ngoài ra chúng ta nên đưa vào chương trình giáo dục thể chất trong trường học một số môn có tính giải trí cao, phát triển về chiều cao tốt như môn bóng ném, bóng rổ, không quá tốn đất và cũng không cần phải đầu tư quá nhiều. Bên cạnh đấy, một số môn võ như vovinam hay võ cổ truyền cũng nên đưa vào trường học để giúp các em rèn luyện sức khỏe.

"Trước đây Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và gần đây là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo phải đưa môn vovinam hay võ cổ truyền vào trường học. Nhưng giờ thì tình hình thực hiện đến đâu, triển khai như thế nào, hiệu quả ra sao, vẫn còn phải bàn. Nếu không tuyên truyền thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm thì thể thao vẫn chỉ là môn phụ trong chương trình giáo dục mà thôi," ông Minh nói.

Khánh Vy | 16:11 25/04/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục