Một vòng đua hoàn hảo ở Catalunya diễn ra thế nào

10:46 Thứ sáu 09/05/2014

Cuối tuần này, đường đua F1 sẽ nóng trở lại sau một quãng nghỉ khá dài. Dưới đây là phân tích cụ thể cách các tay lái cần vận dụng để có kết quả tốt nhất ở trường đua đặc biệt của Tây Ban Nha.

Spanish GP là chặng mang tính bản lề cho giai đoạn giữa mùa đua, bởi các đội sẽ mang tới đây nhiều gói nâng cấp để cải tiến xe. Cơ hội để bắt kịp Mercedes sẽ không xuất hiện thêm nhiều nữa nếu các gói cài đặt này không phát huy tác dụng ở Tây Ban Nha. Quá trình thu thập dữ liệu, làm quen trường đua sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm nay, bởi FIA không tổ chức chạy thử trước mùa giải ở Catalunya như các năm trước.

Về cơ bản, vượt nhau khá khó tại đây, bởi vùng phanh ở các khúc cua rất dài. Có một chi tiết ít biết là với mục đích tiết kiệm nhiên liệu tối đa, năm 2014 này các đội đua đều sử dụng một tiếng "bíp" phát qua tai nghe nhằm thông báo cho tay lái thời điểm thích hợp nhất để đạp phanh khi vào cua.

Do bề mặt đường khá thô ráp nên các loại lốp cứng nhất sẽ được Pirelli mang tới đây. Tuy nhiên lái xe vẫn phải giữ lốp thật tốt, nhất là lốp phía trước bên trái. Các khúc cua số 3 và 9 (T3, T9) cần được lưu ý đặc biệt bởi chúng làm mòn lốp rất nhiều. Ngoài ra, cũng cần tránh bị văng đầu xe tại hai nơi này nên yêu cầu đặt ra là các xe đua phải được cân bằng thật tốt.

Catalunya không đòi hỏi cao về động cơ bởi thời gian van tiết lưu phải mở hết cỡ trong một vòng chạy không nhiều. Nó gồm khá nhiều khúc cua và một đoạn đường thẳng dài. Việc cài đặt khí động học sẽ khá khó khăn do hướng gió thổi tại đây hay thay đổi đột ngột.

Để hiểu rõ trường đua này, người hâm mộ cần trải qua một vòng chạy giả lập tại đây. Và nó diễn ra như sau: Khoảng cách từ vạch xuất phát cho tới T1 ở Catalunya vào loại dài nhất trong lịch đua, khoảng 730m, nên sẽ là cơ hội rất lớn để cải thiện vị trí khi xuất phát cho những ai có kỹ thuật đề-pa tốt, như Felipe Massa… T1 là điểm phanh quan trọng bởi không nơi đâu trên đường đua dễ vượt hơn. Để hãm xe lại, các tay lái cần đạp phanh với lực 129kg, xuống tốc độ 136km/h trong 78m đường. Do các thay đổi về xe, năm nay các tay đua sẽ phải đạp phanh sớm hơn so với năm ngoái.

Sơ đồ trường đua Catalunya.

Sau T1 là T2, hai khúc cua này được coi như là một "chicane" (khúc cua chữ chi) tốc độ trung bình. Thoát T1 xong tay đua có thể đạp hết ga để tiến tới T2. Tiếp sau đó là T3, nó khá dài nhưng không gắt, khúc cua này yêu cầu độ bám đường của xe phải tương đối lớn. Sẽ có một đoạn đường thẳng ngắn sau T3 trước khi vào T4. T4 cũng là một khúc cua phải như T3, nó giống hệt Parabolica nổi tiếng ở trường đua Monza. Và đối với hộp số 8 cấp của năm nay thì tay lái sẽ vào khúc cua này ở số 5 thay vì 3 như trong quá khứ. Vậy là sector đầu tiên đã kết thúc.

Sang T5, tay đua cần khép cua sớm bởi sau đó quá trình thoát cua này cần rất nhiều tốc độ. Khúc cua T5 ở tốc độ rất thấp, xe cần về số 2 rồi sau đó đổ dốc. T6 tiếp theo không có gì đặc biệt bởi nó chỉ là một đoạn đường thẳng uốn nhẹ. T7, T8 sau đó là một chicane ở tốc độ trung bình khác, lần này xe sẽ phải leo dốc. Tay lái đạp phanh, về số 3 để vượt qua T7 nhưng sẽ phải hết sức cẩn thận khi tiếp cận với T8 do kerb (lề đường) ở đây khá cao, đó là mối đe dọa tiềm ẩn đối với hệ thống treo của xe đua.

Thử thách tiếp theo, T9, một trong 2 điểm cần phải chú ý nhất trong tất cả 16 khúc cua, tốc độ rất cao. Cần tới số 6, xevào cua phải nhưng vấn đề ở chỗ đây là đoạn hướng lên dốc, tuy nhiên ngay sau đỉnh khúc cua thìđường lại dốc xuống. Hệ quả làtay lái hoàn toàn không có tầm nhìn khi chạy qua T9, nên việc cua lỗi khá dễ mắc phải. Sẽ có một bãi sỏi chờ sẵn để "ngốn" laptime nếu như bạn ôm cua rộng quá phạm vi của dãy cỏ nhân tạo nơi đây. Kết thúc Sector 2 là một đoạn thẳng khá dài cho phép kích hoạt DRS ngay trước T10.

Khúc cua số 9-tay đua sẽ bị mất tầm nhìn.

Phần cuối cùng của trường đua khởi đầu với T11 và 12 không có gì đáng chú ý. Rẽ trái ở T11 trước khi đánh vô lăng sang phải thực hiện T12 khá dài, ở tốc độ thấp, số 3.

Đoạn đường từ khúc cua số 13 cho tới 16 được thiết kế lại bởi kỹ sư nổi tiếng Hermann Tilke năm 2007. Trước đây, Catalunya sau T13 chỉ là 1 đoạn dẫn thẳng tới đường thắng chính của trường đua (xem ảnh dưới). Đây là một sai lầm của sơ đồ nguyên thủy, bởi với thiết kế này thì xe sẽ đạt tốc độ quá cao sau khi thoát khúc cua cuối cùng trước khi vào đoạn đường thẳng dài nhất. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có rất ít cơ hội cho các cú vượt sau đó vì bạn sẽ không thể đuổi được xe phía trước. Do vậy, chicane bao gồm T14 và T15 đã ra đời, dù sau đó thì người ta nhận ra rằng thiết kế mới cũng chẳng…hiệu quả hơn là bao.

Sơ đồ Catalunya trước khi chỉnh sửa ở sau khúc cua số 13

T13 khá gắt, một khúc cua phải vào ở số 3, và sau đó tay đua cần chuyển làn đường nhanh chóng để tiến vào chicane. Chỉ cần số 2 để vượt qua chicane và xe sẽ đòi hỏi lực kéo thật tốt tại đây. Khúc cua cuối cùng, T16, ở tốc độ cao, yêu cầu độ bám đường ở mức tối đa,sẽ là điểm kết thúc mọi chướng ngại vật tại Catalunya.

Trong lịch sử các lần đăng cai F1, Catalunya có một giai thoại huyền bí rất nổi tiếng là năm 1994, Michael Schumacher đã về đích thứ 2 sau khi hộp số của anh bị kẹt ở số 5 trong nửa cuối chặng đua. Có nhiều lý giải rằng Schumi đã phải thay đổi cách điều khiển xe, hoặc cũng có thể do momen xoắn và lực kéo của chiếc Benetton anh lái hồi đó quá tốt. Về mặt thành tích, Ferrari là đội đã thắng nhiều nhất tại đây, với 6 lần.

Đạt được fastest lap tại Q3 vào ngày thứ 7 tới là rất quan trọng, bởi thống kê cho thấy 80% những tay lái giành pole sẽ thắng chặng đua.

Phan Duy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục