Madrid Masters: Lịch sử lại chờ Federer

11:05 Thứ ba 08/05/2012

Đây là giải đấu vốn có nhiều biến động nhất trong số ba giải Masters 1000 diễn ra trên sân đất nện, mà Federer có thể đi vào lịch sử.

Với việc ba chức vô địch trong ba năm gần đây thuộc về ba người khác nhau thì Madrid chính là giải đấu có kết quả đa dạng hơn cả dù các nhà vô địch đều là ba ngôi sao hàng đầu thế, những tay vợt số một thế giới trong năm mà họ đăng quang: Federer 2009, Nadal 2010 và Djokovic 2011. Ở Rome Masters suốt bảy năm qua chỉ có Nadal (5 lần) và Djokovic lên ngôi ở đó (2008 và 2011). Và Monte Carlo đã đóng đinh với cái tên Nadal suốt tám năm qua.

Quá khứ ngắn ngủi của một giải đấu non trẻ (chỉ mới tổ chức ở Madrid từ năm 2002 và từ năm 2009 mới diễn ra trên sân đất nện) như thế cho thấy cơ hội vô địch ở giải năm nay không phải chỉ dành riêng cho Nadal, người được coi là vẫn đang giữ chiếc vương miện ông Vua trên mặt sân đất nện, dù hiện có phong độ cực tốt và tâm lý tự tin.

Federer với ưu thế sức nhàn

Nếu xếp hạng các tay vợt còn lại mà không tính Nadal, Federer là người xuất sắc nhất trên mặt sân đất nện. Vì Federer đã vô địch Roland Garros, đã từng đánh bại Nadal tại chính Madrid Masters ba năm về trước trong trận chung kết với thế trận gần như một chiều (6-4 và 6-4), và còn từng vượt qua Nadal để đăng quang một Masters khác cũng trên sân đất nện, giải Humburg (năm 2007 với tỉ số 2-6, 6-2 và 6-0). Hoặc nếu đếm số danh hiệu, có thể Federer chỉ đứng thứ ba, nhưng Almagro (thứ hai, 11) cũng chỉ thâu tóm nổi các giải nhỏ.

Hoặc khi so với chính Nadal, dù Federer mới chỉ hai lần đánh bại được Nadal trong tổng số 14 lần họ gặp nhau trên mặt sân đất nện, là một sự yếm thế, nhưng một trong hai lần đó lại diễn ra ở chính Madrid.

Nó có thể là kết quả của yếu tố phong độ, ở sự ngẫu nhiên về mặt tinh thần hay sự chuẩn bị, nhưng có một thành tố cần phải tính tới như một ưu thế cho Federer, là giải đấu kể từ khi chuyển từ tổ hợp Madrid Arena đến Park Manzanares, nó bị ảnh hưởng bởi độ cao gần 1000m so với mực nước biển. Không khí loãng hơn khiến bóng đi nhanh hơn, độ ẩm cũng làm bóng nảy thấp hơn. Tất cả những điều đó phù hợp với cách chơi của Federer.

Madrid Masters đã được đổi lịch thi đấu sớm hơn so với trước đây một tuần, để Rome Masters (độ cao thấp hơn) diễn ra sau cho thuận lợi với Roland Garros, nhưng Madrid vẫn không mất đi những đặc tính đó. Thậm chí, đất nện được nhuộm màu xanh dường như càng thuận lợi cho Federer bởi bóng dường như đi nhanh hơn, nảy thấp hơn khi những hạt đất được bao phủ bởi lớp sơn xanh.

Và Federer đã chuẩn bị cho bốn tuần đất nện với ba giải đấu (hai Masters 1000 và Roland Garros) bằng một tháng nghỉ ngơi, hồi phục. Đó là thứ mà chính bản thân Federer năm 2011 không có (anh tham dự Monte Carlo), và tất cả các đối thủ trực tiếp cũng đều khó so đọ.

Djokovic đáp trả sự hồ nghi

Tay vợt người Serbia đã hủy kế hoạch tham dự Serbia Open, giải đấu do chính gia đình anh tổ chức (để người em trai Marko trở thành đại diện duy nhất và thất bại sớm), để có thêm một tuần nghỉ nữa (là hai) kể từ sau thất bại trong trận chung kết ở Monte Carlo, bên cạnh lý do chính là đám tang của ông nội anh khiến Djokovic bị suy sụp, mất sự tập trung vào tennis.

Djokovic quyết tâm bảo vệ chức vô địch

Sự chuẩn bị ấy nói lên tầm quan trọng của Madrid, Rome với Djokovic khi anh đang là nhà đương kim vô địch của hai giải, cũng như Roland Garros - mục tiêu tối thượng - nơi anh nếu vô địch sẽ trở thành người duy nhất giành được 4 giải Grand Slam liền nhau trong suốt hơn bốn thập kỷ qua.

Hoặc nó cũng cho thấy Djokovic nhìn thấy sự suy yếu của chính mình so với năm 2011 (về thể lực và ý chí do đã đạt được hầu hết các vinh quang), trong khi các đối thủ đều đạt những tiến bộ nhất định (vì muốn đánh bại anh). Không phải ngẫu nhiên Djokovic đã thua tới ba trận chỉ sau bốn tháng đánh giải với hơn hai mươi trận đấu, trong khi anh từng bất bại tới hơn bốn mươi trận cho tới khi gặp Federer ở Roland Garros trong năm 2011.

Thất bại ở Monte Carlo có phải là dấu chấm hết cho một triều đại non trẻ của Djokovic phụ thuộc vào tháng Năm quyết định này? Câu trả lời đương nhiên là chưa, bởi không ai đi luận thành bại cho một người đã giành ba Grand Slam với những kỳ tích chỉ bằng một trận đấu ở một giải chưa bao giờ được coi là tối quan trọng.

Chính bởi thế, ngay cả khi Djokovic không rơi vào nhánh có nhiều đối thủ dễ chơi (khó nhất cho tới truớc bán kết chỉ đáng kể Simon), cơ hội của anh cũng không phải quá nhỏ.

Nadal và những thử thách ngay từ vòng đầu

Nadal trong suốt năm 2011 và 2012 đầy thách thức khi đua tranh với Djokovic hầu như không có những may mắn song hành ở những lá thăm phân nhánh như thế. Lần này cũng không là một ngoại lệ khi tất cả các đối thủ tiềm tàng đều đã hoặc đang đứng trong top 10. Nhưng đó có thể là một "ân huệ" để Nadal có thể đánh bại Davydenko (vòng 2), tiến tới san bằng tỉ số đối đầu giữa hai tay vợt mà hiện nay đang là 4-6 nghiêng về tay vợt người Nga. Davydenko chính là người duy nhất của tennis đương đại lại có tỉ lệ thắng thua ưu thế so với Nadal, và suốt ba năm qua với bốn lần đối đầu, Davydenko đều thắng áp đảo. Và những Verdasco, Berdych, Del Potro hay Tsonga cũng không phải là đối thủ tương xứng nếu tất cả cùng chơi với phong độ tối ưu.

Một tuần nghỉ sau hai tuần liên tiếp bung sức để vô địch hai giải Monte Carlo và Barcelona không phải là một thuận lợi, nhưng nó cũng chưa phải là ngáng trở quá lớn đối với Nadal ngay ở Madrid này. Bao năm qua, Nadal vẫn tự thử thách bản thân anh với cách xếp lịch thi đấu ấy và hầu hết anh đều vượt qua.

Thành bại ở khả năng thích ứng

Chỉ có điều, mặt sân (chứ không phải màu sắc) ở Madrid Masters dường như yếu tố quan trọng nhất quyết định tới ai sẽ là người vô địch ở đây. Mặt sân quá trơn đem lại những nguy cơ chấn thương, ảnh hưởng tới khả năng di chuyển và cả tâm lý của các tay vợt. Lẽ thường, những thay đổi mang tính khó khăn như thế thường là dễ thích ứng với các tay vợt tấn công. Nói cụ thể, Federer được tin tưởng ở khả năng tự điều chỉnh nhanh với các điều kiện thay đổi bất thường trong một trận hay một giải đấu.

Hẳn chúng ta chưa quên trận chung kết Indian Wells chưa xa, trong điều kiện gió lớn và mưa, Federer đã thích ứng tốt hơn hẳn Nadal, và giành chiến thắng chỉ sau hai set dù cho cả chặng đường trước đó tại giải, Nadal chơi với phong độ cực cao (không thua set nào). Có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên mà Federer hầu như chưa phàn nàn về sự thay đổi màu sắc của đất nện ở Madrid trong khi Nadal, với tư cách tay vợt chủ nhà, đã phê phán quyết định sơn màu xanh cho đất đỏ trong bất cứ cuộc họp báo nào mà anh tham dự trong suốt hơn hai tuần qua.

Đó là cơ sở để chờ đợi Federer sẽ lại cân bằng kỷ lục 20 danh hiệu Masters của Nadal, đi vào lịch sử là người vô địch đất nện màu xanh đầu tiên, và trở thành tay vợt giàu thành tích nhất ở Madrid Masters khi cả anh và Nadal hiện cùng có hai lần vô địch?

Phạm Tuấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục