Liverpool nên học cách chuyển nhượng hiệu quả

09:09 Thứ hai 16/06/2014

(TinTheThao.com.vn) - Sau một mùa giải bận rộn sẽ là khoảng thời gian để các đội bóng nghỉ ngơi và lên kế hoạch tăng cường lực lượng cho mùa giải tiếp theo, tạo thành một vòng quay không ngừng nghỉ của thế giới bóng đá luôn sôi động cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Liverpool cũng không đứng ngoài vòng quay đó, một mùa giải thành công với ngôi vị á quân giải bóng đá Ngoại Hạng Anh đã giúp cho họ có được vị thế vững vàng và tự tin bước vào thị trường chuyển nhượng với mồi nhử là suất tham dự vòng bảng Champions League mùa giải 2014-2015.

Khi mà thị trường chuyển nhượng vẫn chưa chính thức mở cửa thì Liverpool đã nhanh tay có cho mình 2 tân binh và đây cũng là thói quen đi chợ quen thuộc của Liverpool trong 2,3 mùa giải gần đây, đặc biệt là kể từ khi Brendan Rodgers chính thức nắm quyền tại Anfield với nhiều kế hoạch trẻ hóa lực lượng. Tuy nhiên điều mà các cổ động viên The Kop mong mỏi có lẽ là về mặt chất lượng, hơn là những con số thống kê chỉ mang ý nghĩa tham khảo.

1. Thói quen chuyển nhượng của Liverpool

Không quá khắt khe khi nói rằng đường lối chuyển nhượng của Liverpool trong các mùa giải vừa qua mang tính chất tương đối rập khuông và bảo thủ. Khi người hâm mộ nhắc đến Liverpool, người ta sẽ liên tưởng đến cụm từ “khi nhà nghèo đi chợ”. Điều này chịu tác động phần nào bởi thành tích thi đấu không mấy khả quan của Liverpool trong 4-5 mùa giải gần đây. Tuy nhiên, không khó để nhận ra thói quen chuyển nhượng thiếu tích cực của Liverpool, điều này góp phần dẫn đến việc hiệu quả thu được từ thị trường chuyển nhượng của Liverpool là rất thấp.

Do thói quen mua sắm không mấy hợp lý đã khiến The Kop vô tình mất đi những ngôi sao vào tay đội bóng khác và mang về những cầu thủ "tàn tàn". Ảnh: Internet

Thứ nhất là thói quen thích dùng hàng giá rẻ. Trong 2 mùa chuyển nhượng gần đây chưa bao giờ Liverpool chi quá 20 triệu bảng Anh cho một cầu thủ. Tuy giá trị thương mại chưa hẳn đi liền với giá trị thực tế của cầu thủ, nhưng trong thời thế người khôn, của khó như hiện nay, Liverpool nên biết rằng sẽ rất khó để sàng lọc được những viên “ngọc thô” từ hàng tá những viên sỏi đang trôi nổi trên thị trường chuyển nhượng. Thật vậy, Liverpool chi đều đều từ 7 đến 17 triệu bảng cho từ 4 đến 5 cầu thủ trong một kỳ chuyển nhượng (nguồn số liệu từ tranfermarket.co.uk). Nhưng lợi ích thực tế từ những đóng góp của các cầu thủ là không cao. Điển hình như những trường hợp của Iago Aspas, Luis Alberto, Tiago Ilori…

Thứ hai là thói quen kì kèo từng xu khó hiểu trên thị trường chuyển nhượng. Có thể là Liverpool luôn định giá đúng giá trị của từng cầu thủ và không bao giờ muốn trả hơn con số đó. Nhưng việc Liverpool luôn kì kèo từng đồng cũng mang đến cho họ những thiệt hại không nhỏ trên thị trường chuyển nhượng. Điển hình là những thương vụ như đổ vỡ đáng tiếc như Clint Dempsey, Mohamed Salah hay Henrikh Mkhitaryan. Để rồi sau đó Liverpool mang về hàng tá cầu thủ với mức giá “phải chăng” khác, nhưng vị trí của họ là mài quần trên băng ghế dự bị. Thêm vào đó là việc Liverpool không dám lao đầu vào những cuộc đấu giá cầu thủ vì cho rằng thị trường chuyển nhượng cầu thủ đang bị thổi phồng quá mức thực tế, điều đó khiến cho Liverpool không bao giờ tiếp cận được những món hàng chất lượng, vì vậy một phần khiến cho những sự lựa chọn của Liverpool cũng bị hạn chế.

Thứ ba là thói quen mua đắt, bán rẻ. Chính vì thành tích thi đấu bết bát, cộng với việc thường xuyên mua cầu thủ một cách tràn lan đã khiến Liverpool phải chịu thiệt thòi rất lớn khi buộc phải thanh lý những món hàng hớ này trước thời hạn. Thực tế là sau giai đoạn của những Alonso, Mascherano… Liverpool gần như không còn bán được bất cứ cầu thủ nào mà thu lại được con số họ đã bỏ ra ban đầu. Thất thoát, lỗ lã là điều khó tránh khỏi.

Chính vì những thói quen khó hiểu trên mà Liverpool cứ quẳng đều đều hơn 50 triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng mỗi mùa kể từ 3 năm qua (nguồn số liệu tranfermarket.co.uk). Nhưng cứ sau mỗi mùa Liverpool lại phải mua mới hoàn toàn hoặc nghĩ xem cách nào để bán lại những cầu thủ không bao giờ sử dụng đến. Liverpool không phải là không có tiền đến mức bị gọi là nhà nghèo, nhưng chính họ đang tạo ra cảm giác đó cho người hâm mộ và các đối thủ trên thị trường chuyển nhượng với cách tuyển quân cứ như quẳng tiền qua cửa sổ.

2. Sự không nhất quán giữa chính sách của ban Lãnh đạo và ý kiến của huấn luyện viên

Không khó để nhận ra chính sách chuyển nhượng của ban lãnh đạo Liverpool, đó chính là nhanh, gọn, không đấu giá, không ngôi sao, không chi quá nhiều tiền. Nhưng liệu chính sách đó đã đúng với ý đồ của huấn luyện viên hay chưa khi mà chính Brendan Rodgers mới là người quyết định ai mới là người mà ông cần để bổ sung sức mạnh cho đội hình của mình.

HLV Rodgers không toàn quyền trong việc chiêu mộ cầu thủ cho Liverpool. Ảnh: Internet

Trong những bài phát biểu gần đây, Rodgers đã bóng gió rằng ông cần tăng cường những cầu thủ đẳng cấp thật sự “Tôi thà là mua 1 - 2 cầu thủ có đóng góp cho đội hình, còn hơn là mua 7 – 8 cầu thủ nhưng không làm được gì cả.”. Và đã khá nhiều lần trong những mùa giải vừa rồi ông Rodgers thà sử dụng những cầu thủ “cây nhà lá vườn” thiếu kinh nghiệm từ lò đào tạo trẻ còn hơn là dùng những cầu thủ được mua về từ thị trường chuyển nhượng. Những con người như Tiago Ilori, Luis Alberto được ca tụng như những ngôi sao tương lai khi vừa đặt chân đến Anfield và cũng nhận được không ít lời khen từ Brendan Rodgers, nhưng kết cục của họ là bị mang cho mượn, hoặc là đày ải ở đội trẻ.

Vậy câu hỏi được đặt ra là, phải chăng Rodgers không có quyền quyết định mua ai bán ai? Và người ta đặt ông vào tình thế phải xoay sở với những gì hiện đang có, hơn là được dùng những gì mình cần. Chính tình trạng này khiến cho Liverpool luôn chi tương đối nhiều tiền trên thị trường chuyển nhượng mỗi mùa, nhưng đội hình chính dưới bàn tay Rodgers luôn trong tình trạng cạn kiệt và khan hiếm tài năng.

3. Vậy đâu là cách giải quyết hiệu quả

Khi nhìn sang những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Liverpool như Arsenal, Chelsea, hay Manchester United. Họ cũng không chi quá nhiều tiền cho thị trường chuyển nhượng. Nhưng vấn đề là những người được mua về luôn mang lại được giá trị sử dụng cao. Đây mới chính là điều Liverpool nên học hỏi. Khó có thể trách được những ông chủ người Mỹ của Liverpool khi mà họ chưa có được những kinh nghiệm cần thiết trong lĩnh vực bóng đá.

Trong bóng đá đôi khi giá trị của cầu thủ có thể cao ngất ngưởng, nhưng những lợi ích mang lại của họ không chỉ trong mà cả ở ngoài sân cỏ. Lợi ích đến từ thương hiệu, từ sự cộng hưởng các giá trị tinh thần. Ví dụ như khi người ta bỏ hàng tá tiền để chiêu mộ một ngôi sao, không phải chỉ vì họ đá bóng giỏi. Một cầu thủ giỏi có thể mang đến động lực cho đồng đội trên sân, không khí phấn chấn trong phòng thay đồ, khi mà các cầu thủ thấy rõ được quyết tâm thăng tiến của lãnh đạo đội bóng. Và ngoài ra còn những bản hợp đồng quảng cáo béo bở nữa. Và khi một ngôi sao ra đi, có thể dẫn đến sự ra đi hàng loạt và tan rã của một đội bóng trước đó vẫn còn hùng mạnh. Đó mới chính là điều Liverpool nên quan tâm, hơn là cân đo đong đếm từng đồng. Thêm vào đó là việc phải có một cơ chế quản lý hợp lý, phải có sự liên kết giữa các giám đốc kỹ thuật và bộ phận tuyển trạch của câu lạc bộ với các huấn luyện viên để đảm bảo mang về được đúng những cầu thủ mà họ cần, để tránh tình trạng mua rồi lại vứt đi, tái diễn rất nhiều lần trong các mùa giải qua.

Một mùa chuyển nhượng hè sôi động sẽ lại đến sau World Cup, và tiếp sau đó sẽ là lần đầu tiên Liverpool trở lại với đấu trường danh giá nhất Châu Âu, Champions League sau nhiều năm vắng bóng. Và với nguy cơ sẽ phải lọt vào bảng đấu tử thần rất cao, Liverpool cần có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bổ sung kịp thời từ thị trường chuyển nhượng để đảm bảo một mùa giải thành công. Để có được điều này, hơn hết Liverpool cần cải tổ lại cung cách chuyển nhượng của mình, tránh đi vào vết xe đổ của những mùa giải qua.

(Bạn đọc: Phúc Quân)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục