Lăng Kính: Hàn Quốc hạ Liên hiệp Anh, hay chuyện Rùa & Thỏ?

15:45 Thứ hai 06/08/2012

“Cái chết” của Olympic Liên hiệp Anh trên chấm luân lưu rạng sáng qua chỉ là kết quả của 120 phút bất lực. Trước khi đặt câu hỏi tại sao họ lại tiếp tục thua trong loạt luân lưu như một truyền thống, phải hỏi tại sao họ không thể kết liễu đối phương cho dù vượt trội về sức mạnh nhân sự.

1. Trước thềm World Cup 2010, kỳ World Cup mà hầu hết các địa điểm đăng cai ở Nam Phi đều có độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, có một vài quốc gia sử dụng kỹ thuật đặc biệt để giúp cầu thủ làm quen với không khí loãng. Trong đó có Anh và Hàn Quốc.

Cả hai đều xây dựng lên những không gian đặc biệt có tỷ lệ ô-xy trong không khí thấp. Nhưng khác biệt là người Anh dùng những chiếc lều có bộ giảm độ đậm đặc không khí cho cầu thủ ngủ, thì người Hàn Quốc xây lên cả một phòng giải trí lớn ở Trung tâm huấn luyện quốc gia Paju, có sách báo, truyền hình, với một máy hút không khí lớn mua từ Hà Lan. Cầu thủ sẽ đọc sách, xem băng các trận đấu và thực hiện các hoạt động bình thường khác trong không khí loãng.

Hàn Quốc và Anh năm đó đều bị loại ở vòng 1/8 bởi những đối thủ mạnh nhất giải, Đức và Uruguay. Nhưng kể lại hai phương pháp huấn luyện ấy để thấy sự khác nhau trong thái độ: nền bóng đá “nhỏ” Hàn Quốc vẫn khắc nghiệt hơn trong phương pháp tập luyện. Lượng ô-xy tiêu thụ trong khi hoạt động nhẹ vẫn cao hơn khi ngủ khoảng 60%.

Đó có thể coi là chuyện rùa và thỏ, khi một nền bóng đá yếu hơn lại chuyên chú hơn. Olympic Hàn Quốc đã tập trung từ đầu tháng 6 năm nay, không phải tất cả, nhưng tập trung bất kỳ những ai có thể lên tuyển ngay. Họ đã đá tới 3 trận giao hữu chính thức trước giải. Còn Olympic Liên hiệp Anh mãi đến giữa tháng 7 mới tập trung, chỉ đá được 1 trận giao hữu với Brazil.

2. “Cái chết” của Olympic Liên hiệp Anh trên chấm luân lưu rạng sáng qua chỉ là kết quả của 120 phút bất lực. Trước khi đặt câu hỏi tại sao họ lại tiếp tục thua trong loạt luân lưu như một truyền thống, phải hỏi tại sao họ không thể kết liễu đối phương cho dù vượt trội về sức mạnh nhân sự.

Ngôi sao sáng nhất của Olympic Hàn Quốc, Park Chu-young, thậm chí không thể có chỗ đứng trong đội hình Arsenal, điều mà Aaron Ramsey có thể làm khi anh còn kém Park vài tuổi.

Nhưng với tư cách là một tập thể, lại là một câu chuyện khác. Một tập thể phải được cấu thành từ quá trình tập luyện và gắn kết. Quá trình này cần thời gian. Người Anh không thể làm được điều đó, vì hai lý do. Đầu tiên là Premier League có uy thế quá lớn để HLV Stuart Pearce có thể triệu tập cầu thủ của mình từ tháng 6 (cho dù lúc đó không còn giải đấu chính thức nào). Sau đó, tất nhiên là lý do chủ quan: họ không muốn làm điều đó. Nếu Ủy ban Olympic Liên hiệp Anh đủ cương quyết, thì đội tuyển này đã có thể tập trung sớm hơn.

3. Có thể lý do của thất bại không hoàn toàn nằm ở tâm lý “thỏ chạy đua”. Có thể năng lực của ông Stuart Pearce có vấn đề, có thể các cầu thủ không đạt phong độ cao nhất, có thể Hàn Quốc… quá mạnh(?).

Nhưng sự tương phản giữa thái độ của “thỏ” và “rùa” thì vẫn không thể phủ nhận. Người Hàn Quốc đã lại nhận một phần thưởng xứng đáng nữa vì những phương pháp tập huấn hà khắc, như cách họ đã thống trị môn bắn cung thế giới nhiều thập kỷ qua.

Vòng bán kết, Hàn Quốc sẽ lại gặp một đội tuyển tập huấn kiểu “thỏ” nữa: Brazil. Liên hiệp Anh và Brazil là hai đội hiếm hoi chỉ đá 1 trận giao hữu trước giải (Tây Ban Nha cũng đã đá 2 trận trong tháng 7). Và Brazil cũng đã thể hiện nhiều dấu hiệu chuệch choạc.

Dù đẳng cấp cá nhân của Brazil ở một mức siêu phàm hơn nhiều so với Anh, “rùa” vẫn có quyền mơ. Họ đã dốc sức ra một cách nghiêm túc.

Đức Hùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục