Khi các sao tennis tạt ngang Việt Nam

08:37 Thứ bảy 06/10/2012

Các ngôi sao như Gilles Simon hay Victoria Azarenka có mặt ở Việt Nam mới đây chỉ là một sự nhân tiện khi họ tới tham dự các giải đấu ở châu Á.

Mùa thu châu Á

Tennis hàng năm cứ đến tháng 9 là một số nước châu Á lại bận rộn đón các ngôi sao hàng đầu (dù không phải tất cả) tới đánh giải. Năm nay chỉ có Rafael Nadal ở nhà chữa chấn thương (mấy năm trước anh đều tới Tokyo) và Roger Federer vẫn chờ cho tới khi Thượng Hải khai cuộc mới tới. Còn Novak Djokovic đang tung hoành ở Bắc Kinh, Andy Murray đánh giải Nhật Bản. 

Victoria Azarenka có mặt ở Việt Nam chỉ là tiện đường tạt ngang

Giai đoạn này chỉ kéo dài chưa đầy một tháng, nhưng thế giới gọi đây "Mùa thu châu Á". Thường có các giải nam nữ ở Thái Lan, Malaysia thuộc hệ thống ATP 250 hay WTA International, rồi sau đó tăng cấp với China Open ở Bắc Kinh, trước khi chốt lại bằng giải đấu tầm cỡ Mastes 1000 tại Thượng Hải. Các giải đáng kể khác còn có thể nhắc tới là Seoul, Quảng Châu.

"Mùa thu châu Á" với một số lượng không nhiều các giải đấu và diễn ra trong giai đoạn ngắn như thế, nhưng nếu so với cả bức tranh tổng thể của tennis thế giới, nó cũng chẳng kém cạnh gì so với mùa giải sân trong nhà ở châu Âu diễn ra ngay sau đó, hay những giải đấu trên sân cứng hồi đầu năm phần nào đó được khai thác với ý nghĩa khởi động cho Grand Slam đầu tiên trong năm: Australian Open.

Thế giới tennis bận rộn nhất với mùa sân đất nện từ tháng 4 tới tháng 6, nhanh chóng qua mùa sân cỏ, rồi sôi động với các giải sân cứng chủ yếu diễn ra ở Bắc Mỹ qua một serie các giải xâu chuỗi với US Open.

Nhưng ngay cả giai đoạn mùa hè cháy bỏng ấy cũng không xác định được cho đủ tám tay vợt tham dự ATP World Tour Finals, giải đấu tôn vinh tám tay vợt xuất sắc nhất trong năm và có thêm cả những đôi vợt xuất sắc. Mới chỉ có bốn tay vợt hàng đầu là Djokovic, Nadal, Federer và Murray, tính theo trình tự thời gian, đoạt vé sớm. “Mùa thu châu Á” vì thế là một phần quan trọng để định đoạt cuộc chơi.

Châu Á đã bớt khờ dại?

Năm 2010, giải đấu ở Bangkok đã chi ra một khoảng tiền khổng lồ, 1,45 triệu USD cho Nadal, người trước đó giành ba Grand Slam trong năm, để anh tới Thái Lan tham dự giải đấu. Nadal lúc ấy đang hồi phục sau US Open nên chỉ chơi được chừng 50% phong độ, thua đồng hương người Tây Ban Nha Garcia Lopez trong trận bán kết.

Nói cách khác, bỏ ra tới 1/3 số tiền tổ chức giải chỉ để trả cho Nadal, nhưng người Thái Lan nhận ra rằng họ chỉ mua được cái xác của "bò tót", chứ không sở hữu được cả linh hồn. Năm 2011, giải đấu ở Thái Lan chỉ mời Murray với phí ra sân rẻ hơn, chỉ bằng 1/5 chi phí cho Nadal. Murray vô địch giải đấu này, một sự đầu tư chính xác.

Năm nay Murray không tới Thái Lan, nhưng Bangkok vẫn quy tụ khá nhiều gương mặt xuất sắc, trong đó có top 10 Janko Tipsarevic, cựu top 10 Fernando Verdasco và hàng loạt các tay vợt giàu bản sắc như Richard Gasquet, người sau đó vô đich, Milos Raonic...

Cuộc đua tới London với Tipaservic, cơ hội để tích lũy điểm và cải thiện thứ hạng với các tay vợt còn lại là động lực để họ điền tên tham dự và căng sức, dù tiền lót tay ra sân thấp.

Việt Nam là một chỗ tạt qua

Bangkok, Kualar Lumpur quy tụ anh tài, Tokyo và Bắc Kinh hảo thủ hội ngộ. Tennis Việt Nam nhờ chút hương các giải đấu láng giềng

Với cả các tay vợt nữ cũng thế. Đôi khi tới châu Á là cơ hội để đạt tới những tầm mức mới. Agnieszka Radwanska (Ba Lan) năm ngoái đã kiếm được 1.900 điểm từ các giải đấu ở đây và sau đó có tên tham dự giải Tám cây vợt nữ xuất sắc của WTA.

Khi Bangkok, Kualar Lumpur là nơi quy tụ các anh tài, Tokyo và Bắc Kinh là nơi các hảo thủ hội ngộ, tennis Việt Nam cũng được hưởng nhờ chút hương thơm của các giải đấu láng giềng.

Cả bốn tay vợt nam và nữ tham dự sự kiện tennis biểu diễn ở Việt Nam đều là khi họ từ châu Âu hoặc châu Mỹ tới châu Á chuẩn bị tham dự các giải chính thức. Azarenka sau đó tham dự giải đấu ở Tokyo, nơi cô dừng bước ở tứ kết. Feliciano Lopez và Simon rời Thành phố Hồ Chí Minh để tới Bangkok tham gia giải Thailand Open.

Giữa tennis biểu diễn và tennis tranh tài là hai phạm trù tương đối khác biệt, nhiều lúc không thể so sánh. Đó chính là lý do tại sao Azarenka lại chỉ hét với mức độ âm lượng rất dễ chịu tại TP.HCM, trong khi ở những trận đấu cạnh tranh, cô gầm như một con sư tử bị cướp mất mồi trong mỗi đường bóng.

Nhìn những khán đài còn nhiều ghế trống ở Bangkok, Kualar Lumpur, vì thế lại càng thấy việc người hâm mộ tennis phải chen nhau đi xem một sự kiện biểu diễn ở Việt Nam là một điều đáng cảm thông, nhưng lại là một điều đáng buồn cho những người hữu trách. Một tổ hợp tennis với mặt sân và khán đài tiêu chuẩn không có. Một giải đấu cỡ Challenger từng có mặt từ năm 1997 đến nay cũng không còn duy trì nổi.

Phải chăng là tennis đã và sẽ chỉ giống như bóng đá, sự kiện đình đám nhất xưa nay chỉ là đội Olympic Brazil ghé thăm khi họ trên đường tới Bắc Kinh tham dự Olympic 2008? Và đam mê cuồng nhiệt chỉ là chuyện xem tivi?

Phạm Tấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục