Khám phá bí kíp "hóa rồng" của Andy Murray

13:36 Thứ tư 12/09/2012

Học tập anh bạn thân Novak Djokovic, Andy Murray cũng lên một chế độ "luyện công" thâm hậu để hiện thực hóa giấc mơ Grand Slam, với thành công đầu tiên là US Open 2012.

Lúc Andy Murray bắt đầu có “số má” trong làng tennis, nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh một Murray non choẹt và có phần mỏng manh với mái tóc xoăn tít. Đã vậy, Murray còn bị chê là yếu ớt về tinh thần và hay hụt hơi trong những cuộc marathon sức lực với Djokovic, Nadal và Federer.

Kể từ khi Ivan Lendl đến, dường như một sức sống mới cũng đến với Murray. Đỉnh điểm là Olympic London và US Open mà Murray là người đăng quang. Anh mạnh mẽ như một chú sư tử, quyết tâm hằn rõ trong từng ánh nhìn và những cú đánh bền bỉ. Sức mạnh ấy đến từ đâu?

Từ tấm gương Djokovic

Djokovic chính là một tấm gương điển hình cho các nhà khoa học thể thao khi phân tích những bí mật để vươn lên số 1. Có một giai đoạn, cứ gặp Rafael Nadal hay Roger Federer là Djokovic lại thua, thậm chí là thua chóng vánh. Anh còn thường bị loại sớm ở các giải lớn nếu không vì bị vọp bẻ thì khó thở, mệt mỏi vì thời tiết. Mọi thứ đã thay đổi. Đứng sau thành công của anh là Team Djokovic, đặc biệt là vị bác sĩ tài ba Igor Cetojevic.

Murray và Djokovic năm 2009 (trên) và 2012 (dưới)

Cetojevic nghiên cứu y khoa trong hơn 20 năm, cả Tây Y lẫn Đông Y. Chỉ xem Djokovic đánh từ chiếc ghế sofa trong phòng khách ở đảo Síp, Cetojevic nghi ngờ chứng khó thở của Djokovic là kết quả của sự thiết cân bằng trong hệ thống tiêu hóa của anh, đặc biệt là sự tích tụ các độc tố ở đường ruột. Ông liên hệ với tay vợt đồng hương này và Djokovic đồng ý hợp tác. Ông gắn vào cổ tay và trán Djokovic máy phản hồi sinh học để đo stress, môi trường độc tố, sóng não và sự dị ứng thức ăn. Ông kết luận, cơ thể anh nhạy cảm với bơ sữa và gluten - một thứ protein tổng hợp từ các thức ăn làm từ lúa mì, chứ không phải bệnh suyễn như các bình luận viên phán xét và đề nghị Djokovic thay đổi thực đơn.

Thức ăn của Djokovic là thức ăn được tách hết gluten. Đồ uống của anh là tổng hợp của cả tá vitamin và khoáng chất. Giấc ngủ của anh đôi khi trong tủ bội áp (áp suất cao hơn bên ngoài) để tăng sức mạnh.

Cetojevic đi theo Djokovic đến mọi giải đấu để chăm sóc sức khỏe và rèn thói quen ăn uống cho chàng trai này. “Cậu ấy không có ý tưởng là ăn thế nào cho đúng", Cetojevic nhớ lại, thế là ông phải nói mọi thứ. Không bánh quy, pizza (dù Djokovic lớn lên nhờ những miếng pizza nhà anh bán ở Serbia), không xem tivi hay chơi điện tử khi ăn, không bữa ăn nặng với phần thịt lớn, không snack có đường. Bắt đầu mỗi ngày bằng ly trà thảo dược trước khi ăn ngũ cốc không gluten.

Thức ăn của Djokovic được tách hết gluten. Đồ uống của anh là tổng hợp của cả tá vitamin và khoáng chất. Giấc ngủ của anh đôi khi trong tủ bội áp (áp suất cao hơn bên ngoài) để tăng sức mạnh. Ý nghĩ anh được phân tích qua máy. Đến nước anh dùng trong trận đấu phải là nước ấm vì nước lạnh lưu lại trong dạ dày lâu hơn. Nói không quá khi thành công của Djokovic là gắn liền với công nghệ.

Có một chế độ "luyện công" thâm hậu và khoa học nên Djokovic và Murray đã tìm đến bến bờ Grand Slam

Bên cạnh ăn uống, ông Cetojevic và Team Djokovic còn thiết kế hàng loạt biện pháp tập thể lực để tăng cường sức bền, sức mạnh cho Djokovic. Và anh đã thành công khi có thể đánh bại đế chế Federer – Nadal.

Đến Andy Murray ngày hôm nay

Bí quyết của tân số 3 thế giới Andy Murray cũng là thực đơn không gluten. Nhờ thay đổi thói quen ăn uống cũng như tập luyện, tay vợt vàng của Vương quốc Anh tiến bộ rất nhanh về thể lực. Người ta không còn thấy anh bị hụt hơi trong các trận đấu kéo dài 5 séc và căng thẳng mà chung kết US Open vừa qua là một ví dụ sống động. Nhờ có thể lực tốt nên Murray cũng tự tin hơn khi đối đầu với phần còn lại của Big 4.

Murray không còn là tay vợt "ẻo lả" nữa

Mỗi ngày, Murray đặt ra mục tiêu 6.000 calories cần nạp vào cơ thế, gấp 3 lần số calories nam thanh niên bình thường dùng. Nhưng nên nhớ, người bình thường nạp 2.400 calories ấy không phải luyện tâp nặng 6 tiếng mỗi ngày như Murray.

Bất kể mùa hè hay mùa đông (thời gian này, Murray thường đến cắm trại tại một vùng nhiệt đới có khí hậu ấm áp hơn), Murray đều duy trì chế độ tập gần 6 tiếng mỗi ngày.

Murray phải ăn thành 6 bữa, bắt đầu với viên protein, bơ đậu phộng và sữa chua. Các bữa chính, Murray ăn nhiều cá, thịt đỏ và dùng những loại mì Ý cùng rau lá màu đậm ít carbohydrates hơn. Thay vì ăn chocolate cho bữa snack, Murray dùng táo và chuối. Bên cạnh đó, Murray cũng phải uống đủ 6 lít nước mỗi ngày. Khi bị thiếu nước thì lượng máu giảm, máu đặc, mô thiếu oxy dẫn đến tích trệ axit lactic.

Bất kể mùa hè hay mùa đông (thời gian này, Murray thường đến cắm trại tại một vùng nhiệt đới có khí hậu ấm áp hơn), Murray đều duy trì chế độ tập gần 6 tiếng mỗi ngày. Trong đó, dành một tiếng cho bài tập aerobic, một tiếng ở phòng gym nhằm tăng sức mạnh cho phần thân trên. 90 phút tiếp theo, Murray tập luyện yoga Bikram trong căn phòng nóng 40 độ C, nó giúp anh đốt cháy 1.600 calories và đến 4 lít mồ hôi. Hai giờ tiếp theo nữa, Murray tập luyện với ông Ivan Lendl trên sân quần vợt.

Ngoài ăn uống, tập luyện, bồn tắm đá (như trên hình), massage và châm cứu là ba bí quyết khác để Murray "hóa rồng"

Cũng như Djokovic và rất nhiều vận động viên Olympic, bồn tắm đá là bí mật cho sức mạnh vô địch thiên hạ của Murray. Kết thúc ngày tập luyện hoặc một phần buổi tập, Murray liền dành 10 phút ngâm mình thư giãn trong bồn tắm đá. Đá lạnh giúp cơ, xương…của vận động viên thư giãn và máu lưu thông sau buổi tập nặng và tránh chấn thương. Đó còn là khoảng thời gian giúp anh và các thành viên trong đội ngũ huấn luyện vui đùa, giải lao.

Kết thúc ngày tập luyện hoặc một phần buổi tập, Murray liền dành 10 phút ngâm mình thư giãn trong bồn tắm đá. Đá lạnh giúp cơ, xương…của vận động viên thư giãn và máu lưu thông sau buổi tập nặng và tránh chấn thương.

Hai bí mật khác của Murray chính là massage và châm cứu. Murray được chăm sóc massage với đá để giúp máu huyết lưu thông và thư giãn cơ. Châm cứu, một hình thức trị liệu rất quen thuộc của y học phương Đông lại có tác dụng điều trị hiệu quả các chấn thương thể thao, nhất là về cơ.

Quan trọng nhất vẫn là quyết tâm chiến thắng những tượng đài của cả Djokovic và Murray. Không cam chịu vì tài năng nhưng sinh cùng thời với Federer và Nadal nên giấc mơ Grand Slam cứ xa tầm với, cả hai đã thay đổi và có cả khoa học ủng hộ để tiến lên. Giấc mơ không thành sự thật với những ai không có kế hoạch chinh phục đàng hoàng và không chịu theo đến cùng.

Đức Ngọc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục