Jim Courier là số 1

08:51 Thứ tư 15/02/2012

Việc chuyển giao nguồn nhân lực hiếm khi nào diễn ra một cách ổn thỏa hoặc nhanh chóng. Tuy nhiên ở Davis Cup, Mỹ đã chứng tỏ là họ đã làm được điều đó và công đầu phải thuộc về đội trưởng Jim Courier.


Trước một đối thủ có lợi thế chơi trên sân nhà và được đánh giá là ứng viên rõ rệt, vậy mà các tay vợt Mỹ đã giành được chiến thắng tuyệt đối 5-0 trước Thụy Sĩ. Chiến thắng oanh liệt này khiến người hâm mộ Mỹ tin rằng một giai đoạn mới tươi sáng đã mở ra cho đội tuyển nhà ở Davis Cup sau khi triều đại của Patrick McEnroe và Roddick đã lùi vào dĩ vãng.

Cảm hứng từ người đội trưởng

Trong số các đội vốn nổi danh ở giải đồng đội nam thế giới, Mỹ là đội gặp khó khăn nhất từ kết quả bốc thăm, đấy là điều không ai có thể phản bác. Vậy mà họ đã làm nên điều kỳ diệu để giành chiến thắng, một chiến thắng hết sức cần thiết đem lại lòng kiêu hãnh và để chứng minh rằng Mỹ đủ sức đứng chung với những đội mạnh nhất thế giới. Tuy chiến thắng ấy đến từ nỗ lực của cả một tập thể, nhưng có điều cần phải nhận rõ: lãnh đạo tập thể ấy chính là người đội trưởng không thi đấu. Bởi thế, khi ca ngợi những Mardy Fish hay John Isner, xin đừng quên Jim Courier, người đứng sau hậu trường nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng để làm nên chiến thắng cho đội nhà.

Trước sự lo ngại của người hâm mộ về một thất bại khó tránh khỏi trước Thụy Sĩ, ông Courier đã đưa ra một câu trả lời tuy vô hình nhưng lại hết sức rõ ràng. Ngay từ ngày thi đấu đầu tiên, ảnh hưởng và thái độ của vị đội trưởng này đã tác động rõ rệt đến các thành viên đội tuyển. Chính sự vững tin mà ông biểu lộ trên băng ghế chỉ đạo đã giúp Fish vượt qua được khủng hoảng rồi giành chiến thắng hết sức quan trọng trước khi Isner đánh bại Federer. Dưới sự lèo lái của Jim Courier, đội tuyển Mỹ đã thể hiện sự tự tin và niềm hứng khởi cao độ để xoay chuyển cục diện vốn không có lợi cho mình. Đấy là một đội tuyển bộc lộ rõ những phẩm chất tốt đẹp, đại diện cho hình ảnh của ông Courier ngồi ngoài sân trong bộ vest lịch lãm.

Những lời tán dương

Khi thấy Harrison và Isner tiếp tục thi đấu trận thứ 4 và 5 với sự hứng thú, mặc dù Mỹ đã sớm có vé vào tứ kết, giới chuyên môn nhận ra ngay cái gọi là yếu tố chuyên nghiệp mang tên Courier. Bởi vậy, Harrison mới tán dương: “Đây là trận đầu tiên tôi thi đấu dưới sự chỉ đạo của ông Courier, người từ thời còn thi đấu đã có danh tiếng là một trong những tay vợt bền bỉ nhất, lao động cật lực nhất. Khi lớn lên, việc tôi được nghe về cách ông ấy thi đấu mới chỉ là một chuyện. Còn khi gắn mình vào cuộc chơi, tôi mới thấy những điều mà ông ấy làm ngày này sang ngày khác, thấy cách ông ấy xây dựng, quản lý và điều khiển công việc. Việc có mặt cùng đội tuyển trong tuần qua đã đem lại cho tôi một kinh nghiệm vô cùng lớn”.

Isner cũng dành những lời trân trọng khi nhắc đến công lao của người đội trưởng: “Bây giờ, tôi mới nhận thức rõ điều mà ông Courier đã nói. Đó là việc đừng quan tâm đến mặt sân, đừng quan tâm đến việc mình phải thi đấu với ai, dù đó có là Federer hay là một tay vợt khác không có thứ hạng đi chăng nữa. Trong tương lai, tôi phải nỗ lực làm mọi chuyện như điều tôi đã làm trong trận thắng Federer”.

Những con số, những sự kiện và lời nói đã cho thấy ông Courier có vai trò quan trọng như thế nào trong chiến thắng vừa qua của Mỹ. Xét bối cảnh của quần vợt Mỹ hiện nay, có thể thấy ông Courier đang có cơ hội, và cũng là thách thức, trong vài năm tới để chứng tỏ sự lãnh đạo tài tình của mình sẽ đem lại thành công cho đội nhà ở Davis Cup.

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục