Federer vô địch Indian Wells: Bản năng của một thiên tài

19:05 Thứ ba 20/03/2012

Khi những hạt mưa chưa đổ xuống Tennis Garden - nơi từng là một miền hoang mạc ở California, Federer không được kỳ vọng sẽ đăng quang ở Indian Wells.

Hôm ấy, đứng trước Federer ở vòng bán kết là Nadal, một rào cản đã từng ngáng trở anh suốt gần một thập kỷ qua (đối đầu 9-18), và đã thể hiện cực kỳ mạnh mẽ và ấn tượng nhờ hơn một tháng rưỡi nghỉ ngơi, hồi phục và chuẩn bị.

Bản thân Federer lại trầy vi tróc vẩy trong cuộc đấu với Milos Raonic và Thomaz Bellucci - hai tay vợt chưa từng bao giờ lọt vào top 10. Cả hai trận đó anh đều thua trong set đầu trước khi "bật" lại ở hai set sau. Chỉ tới trận tứ kết với Del Potro có dấu hiệu mệt mỏi và thiếu sức, Federer mới có được sự áp đảo, giống như anh bắt nạt một tay vợt vô danh của Mỹ Denis Kudla ở trận đấu đầu tiên tại giải.

Nhưng gió và mưa đã thay đổi cán cân, nếu như chúng ta tin rằng những phân tích, dự báo và cả kết quả đối đầu giữa hai huyền thoại trước đó là có giá trị. Sau hơn 3 tiếng chờ đợi cả Nadal và Federer bước ra sân khi gió vẫn thổi mạnh, cuốn bay nhiều đồ vật nhẹ quanh sân. Mây đen trên đầu vẫn vần vũ (trận đấu sau đó còn bị gián đoạn vì mưa).

Federer thắng áp đảo Nadal tại Indian Wells

Lẽ thường thời tiết hay điều kiện sân bãi, ánh sáng là chuyện chung dù xét trên khía cạnh lợi thế hay bất lợi. Vì ngược gió hay nắng chói đều có đổi sân, ngoại trừ những trường hợp kiểu như gió bất ngờ thổi mạnh và trái bóng bật lưới leo dây được đà rơi sang phần bên kia trong một tình huống cụ thể nào đó. Nhưng chuyện của Federer thắng áp đảo Nadal ở đây không nằm trong phạm trù đó.

* Mưa đã thay đổi thế nào

Nadal nói rằng anh đã không thể tung ra những cú đánh xoáy như thường lệ. Chiến thuật mà anh vạch ra phá sản hoàn toàn, và sau đó anh hầu như không còn biết mình chơi theo chiến thuật nào.

Đó có phải là một sự bào chữa của Nadal? Vừa đúng vừa không. Đúng là bởi mưa làm sân ngấm nước và bóng nảy thấp hơn. Một mặt sân cứng ở Indian Wells vốn nảy khá cao và tốc độ chậm (đặc tính gần giống như sân đất nện), đã bị biến thành mặt sân cứng kiểu US Open điển hình. Còn không là bởi Nadal đã từng thắng Federer trên mặt sân cỏ ở Wimbledon, và chắc chắn rằng đây không phải là lần duy nhất họ bước ra sân sau những cơn mưa nặng hạt và cả gió lớn.

Điều cốt tử giữa hai huyền thoại tại Indian Wells là Federer đã phân tích tình hình rất nhanh, và nắm bắt những thay đổi đó để vận hành lối chơi vốn là sở trường của mình trong khi đó là điều mà Nadal vẫn đang hoàn thiện: Tấn công.

Nadal đã nhận ra phải tấn công vào lúc quá muộn

Thực tế trên sân chỉ rõ, gió càng mạnh Federer càng tấn công quyết liệt. Dù cho khi đứng bên sân ngược hay xuôi gió, Federer đều bước lên lấy bóng để đánh. Tốc độ khi anh tăng tốc đầu vợt làm người xem chóng mặt. Những điểm số ghi liên tiếp tạo chất xúc tác để bộ chân thêm nhanh trong khi Nadal hầu như không có những cú đánh đổi hướng tạo bất ngờ.

*Thiên tài có thể thắng "thiên tai"

Cả Federer và Nadal đều được gọi là huyền thoại, nhưng nếu không nhầm, chỉ có Federer mới được gọi là thiên tài. Khả năng phân tích tình hình và thay đổi một cách nhanh nhạy dường như chính là phẩm chất để phân biệt trong trường hợp này. Đôi tay của Federer quá "ngoan" để anh nắn bóng trong nhiều tình huống bóng bất ngờ đổi hướng hoặc bị gió thổi ngược lại. Cách tung bóng chuẩn mực của anh vòng từ phía trước hơi ngược ra đằng sau chống lại sự ảnh hưởng của gió tốt hơn cách tung hơi thẳng của Nadal.

Nadal nói sau trận đấu rằng, phải tới gần cuối set hai anh mới hiểu rằng gió lớn và mặt sân nhanh hơn bình thường thì phải tấn công, ập vào bóng để đánh, thay vì chờ đợi và cố gắng đánh thật xoáy vào trái tay của Federer. Và đó là lý do tại sao anh bẻ được game giao bóng của Federer khi tỉ số là 5-2 rồi chỉ chịu thua 6-4. Quá muộn!

Nadal đến Indian Wells với Francis Roig như là HLV của mình còn ông Toni Nadal ở nhà. Nếu có Toni Nadal ở đó, có thể Nadal đã được bắt bệnh kịp thời và có thể anh đã quần cho Federer mệt lử. Một thực tế không thể chối bỏ là Nadal thường chơi hay hơn khi có ông Toni Nadal đi cùng, và đó là lý do tại sao họ thỏa thuận với nhau rằng ông Toni còn có cả gia đình để quan tâm, đã phiêu bạt cùng với cháu của mình suốt mười năm qua không bao giờ nghỉ phép vào những dịp Grand Slam.

Federer thì khác, nếu không có HLV Paul Annacone ở đó, chắc chắn Federer vẫn có thể linh hoạt và nắm bắt tình hình kịp thời. Bởi một người khi chỉ mới gần 23 tuổi, dù không có HLV, vẫn có thể giành 11 chức vô địch, trong đó có 3 danh hiệu Grand Slam trong cùng một năm như Federer đã làm năm 2004, trí tuệ của anh ta khi ở tuổi 31 đương nhiên là sức mạnh và khác biệt.

Indian Wells tiếp nối một xu thế của mấy tháng đầu năm 2012, là tay vợt nào giao bóng tốt nhất có cơ hội lớn nhất để vô địch (và thực tế đã xảy ra). John Isner đã đánh bại Djokovic trong trận bán kết nhờ những cú giao bóng sấm sét và có độ chính xác rất cao.

Nhưng Isner vẫn chưa phải là người giao bóng hay nhất, chí ít là xét từ trận chung kết, bởi Federer mới là người có nhiều ace hơn (7 so với 4), có tỉ lệ giao bóng một ăn điểm không tưởng (94% so với 73%), và tỉ lệ giao bóng hai ăn điểm nhiều gần gấp rưỡi (67% so với 47%). Thậm chí, trong set hai, khi tỉ số đã là 4-3 và 30-0 thì Isner vẫn chưa thắng được một điểm nào từ tay Federer cầm giao bóng kể từ lúc Isner thua loạt tiebreak của set một.

Chỉ có Federer mới được gọi là thiên tài

Và ở trận chung kết ấy, hay chí ít là trong set đầu tiên, người chiến thắng là người đã phòng ngự tốt hơn. Federer đã phòng ngự như thể anh mới là người trẻ hơn, và ở điểm số 8-7 trong loạt tiebreak, Federer cứu bóng tài như Nadal của thời sung sức: bị điều qua hai đầu sân và khi khi Isner lên lưới chắc ăn, Federer đã lốp bóng qua đầu đối thủ có chiều cao hơn 2m, để ghi điểm.

Chính đường bóng đó đã đánh gục Isner trong set hai, người đã chỉ cho Federer một cơ hội giành break point trong sáu lần cầm giao bóng ở set một, người được sự cổ vũ của hơn một vạn khán giả ngồi kín sân, và được báo chí Mỹ ca tụng với thành tích quật ngã được tay vợt xuất sắc nhất thế giới 2011 Djokovic (và ở Davis Cup hồi đầu năm đã đánh bại Federer sau năm set).

Liệu có thể nào một thiên tài vĩ đại của thế giới tennis lại không thể vô địch thêm một Grand Slam, nếu không phải đó là câu chuyện của định mệnh?

Nadal chưa từng gặp Federer ở US Open, nơi có mặt sân cứng Deco Turf nhanh nhất thế giới, và họ cũng chưa từng gặp nhau ở Cincinnatti, Rogers Cup... các giải Masters 1000 có mặt sân tương tự. Nhưng đáng chú ý là Federer cũng từng có lúc phàn nàn mặt sân US Open 2011 dường như chậm hơn trước. Tuy nhiên, BTC lý giải rằng đó chỉ là nguyên nhân của sự hạn hán ở New York trong thời gian dài, trước khi họ tưới nước nhiều hơn.
Phạm Tấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục