Đặc cách thưởng ngang nhà Vô địch thế giới trẻ cho Lý Hoàng Nam?

08:38 Thứ tư 15/07/2015

Lý Hoàng Nam đã làm rạng danh làng quần vợt Việt Nam khi giành chức vô địch đôi nam ở Wimbledon trẻ 2015. Với thành tích này, ngành Thể thao Việt Nam đang có kiến nghị đặc cách thưởng ngang nhà Vô địch thế giới trẻ cho Lý Hoàng Nam.

Đêm 12/7, Lý Hoàng Nam đã tạo nên cú sốc lớn khi giành chức vô địch nội dung đôi giải trẻ Wimbledon. Tay vợt số một Việt Nam đứng cặp cùng Sumit Nagal (Ấn Độ) vượt qua cặp hạt giống số bốn Reilly Opelka (Mỹ) - Akira Santilla (Nhật) với tỉ số 7-6(4), 6-4. Tuy nhiên, khi mọi người nghĩ rằng Lý Hoàng Nam sẽ được thưởng lớn từ danh hiệu này thì tay vợt Tây Ninh lại không nhận được đồng tiền thưởng nào từ ban tổ chức Wimbledon 2015 cho ngôi vô địch đôi nam trẻ.

Lý Hoàng Nam (trái) làm rạng danh làng quần vợt Việt Nam.

Chiếu theo những quy định của nhà nước, Lý Hoàng Nam cũng không có tiền thưởng cho danh hiệu vừa giành được bởi giải trẻ Grand Slam chưa có trong danh mục thưởng. Trước tình huống đặc biệt này, ngành thể thao đã kiến nghị lãnh đạo Bộ VH-TT&DL xem xét vận dụng cho Nam được đặc cách hưởng khen thưởng giống mức vô địch thế giới trẻ ở một môn Olympic. Nếu kiến nghị này được thông qua, Hoàng Nam sẽ nhận được Bằng khen cùng 80 triệu đồng.

Bên cạnh đó ngành thể thao cũng đã thống nhất sẽ hỗ trợ khoản kinh phí 10.000 USD mỗi năm cho tay vợt số 1 Việt Nam, Lý Hoàng Nam. Hiện tại, Bộ môn tennis (Tổng cục TDTT) đã có văn bản về việc hỗ trợ và chờ Becamex Bình Dương phản hồi. Trước đó mọi khoản kinh phí tập luyện cũng như thuê chuyên gia nước ngoài của Lý Hoàng Nam đều do Becamex Bình Dương chi trả.

Thành công của tay vợt Lý Hoàng Nam những năm gần đây khiến giới chuyên môn trong nước hiểu rõ hơn chút nữa về phương pháp đầu tư cho VĐV trọng điểm. Vấn đề là ngành TDTT có cầu thị và tạo nên một cơ chế thoáng cho VĐV phát triển để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội hay không mà thôi. Hiện những VĐV hàng đầu của thể thao Việt Nam tập huấn ở nước ngoài như Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Tiến Minh,… đều do Tổng cục TDTT chi một nửa kinh phí, nửa còn lại do ngân sách địa phương chi.

Điều này tạo nên sự trói buộc trách nhiệm mà đôi khi VĐV muốn phát triển hơn nữa cũng khó, bởi họ sẽ không tập trung toàn tâm, toàn ý cho các sân chơi lớn như Asiad, Olympic vì phải chia sức cho những đấu trường nhỏ để phục vụ mục tiêu thành tích gần của địa phương, của ngành TDTT.

Nam Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục