Các đội tuyển Việt Nam và văn hóa chỉ trích của dư luận

11:26 Thứ hai 21/10/2013

(TinTheThao.com.vn) - Chắc chắn là không có lời bao biện nào được chấp nhận sau một trận thua toàn diện. Nhưng ở khía cạnh thuần túy con người, liệu văn hóa chê bai của người hâm mộ đã hợp tình hợp lý, và hữu ích cho bóng đá nước nhà sau mỗi lần thất bại? Sau trận thua của U21 Việt Nam trước U21 Sydney, vấn đề đó tiếp tục là một điều cần suy ngẫm.

Cầu thủ cũng là con người

Không thể lấy lý do “con người” để biện minh cho những sai lầm một cách dễ dãi, vì nếu không cho fan bóng đá cái quyền hạnh phúc và thất vọng thì họ chẳng xem bóng đá làm gì nữa cả. Làm sao không buồn bực cho được khi chúng ta thua toàn diện cả về kỹ thuật, chiến thuật, lẫn tinh thần thi đấu. Càng thất vọng hơn khi nhiều người nhớ rằng U19 của Việt Nam vừa đè bẹp U19 quốc gia của Úc, nhưng giờ U21 của ta lại bị đè bẹp ngược lại chỉ bởi một tuyển trẻ của một câu lạc bộ đến từ nước bạn.

Hãy cứ chê bai , nhưng hãy cảm thông khi có thể. Ảnh: Internet.

Nhưng, trong rất nhiều những người dành những sự chỉ trích nặng nề, rủa xả trước màn hình tivi, có bao nhiều người đã ra sân đá bóng, có bao nhiêu người đã đi xem trực tiếp một trận đấu V-League và so sánh với lúc tự mình đã chơi bóng trên sân? Nếu thế, họ sẽ phần nào thấy rằng, những cầu thủ lên tuyển thực sự là những người tốt nhất, khá nhất của đất nước này ở lứa tuổi của họ, chứ không “kém” như chúng ta vẫn nghĩ. Chúng ta đã xem quá nhiều Ngoại hạng Anh, Champions League, World Cup, EURO. Nếu chúng ta từng cùng quả bóng chạy trên sân 11 người trong 90 phút, vừa chịu áp lực từ đối thủ vừa tìm đường phối hợp, chúng ta sẽ thấy nó khác việc ngồi cầm tay đá PES hay “chỉ đạo” từ góc nhìn của camera xa xa xa lắm.

Đội tuyển ta kém là vì mặt bằng của ta chưa cao, là vì chính sách đào tạo của ta chưa hiện đại, hiệu quả. Cứ lứa này qua lứa khác được đào tạo theo kiểu “anh truyền em nối” với “giáo trình Việt Nam”, thì làm sao có được sự bứt phá? Trong khi những thiên tài lâu lâu lắm mới “rơi xuống” một người. Các em, các anh lên tuyển là nghĩa vụ, là đứng mũi chịu sào, là đại diện cho đất nước, nên mọi yếu kém, mọi lỗi lầm đều phơi mình ra trước hàng triệu cặp mắt dư luận. Chuyên môn còn nhiều hạn chế, mỗi người mỗi tính, cũng có hỷ nộ ái ố, cũng nhiều cái đầu non nớt, tranh hơn, cũng giống bất cứ tập thể nào, ngành nghề nào trong xã hội vậy thôi.

Đa phần chúng ta không làm những công việc phục vụ quần chúng, chường mình ra trước đám đông. Văng ra những lời miệt thị thì dễ lắm, nhưng cảm thông thì là một việc xa xỉ vô cùng. Đá tốt thì không sao, cứ tưởng tượng khi chúng ta ngày đêm luyện tập, đổ mồ hôi trên sân, chiến đấu vì màu cờ sắc áo, nhưng khi yếu hơn đối thủ, chơi thất vọng – ngay cả khi đã làm hết sức, lập tức có hàng triệu người vây quanh ném đủ mọi lời đả kích vào chúng ta. Vậy chúng ta còn nhiệt huyết để chiến đấu vì họ nữa hay không?

Đó là chuyên môn, về đạo đức, nóng nảy là sai, chơi xấu là đáng lên án, vượt trại đi bar là phải phạt nặng, song có ai chịu nhìn về gốc rễ của vấn đề? Cầu thủ Việt Nam có được rèn giũa đạo đức, hành xử, kỷ luật từ nhỏ trong một môi trường chuyên nghiệp, khắt khe? Không hề, vậy thì đừng quá ngạc nhiên khi họ cũng hành xử như một tập hợp hơn 20 thanh niên, có người này người nọ, người chấp hành, ý thức, và người bồng bột, làm sai. Đừng vì một, hai cá nhân mà nói gộp rằng “U21 Việt Nam đá xấu”, “đi chơi bời nên đá chẳng ra sao”.

Tập trung với nhau được một tuần đã phải đá giải, họ chỉ có thế, nếu ở Việt Nam này có 11 người giỏi hơn thì đã đá thay họ rồi. Họ chỉ có thể bị chê trách vì đá không hết mình, còn bị một đội mạnh hơn đánh bại thì đó là chuyện thường tình trong bóng đá. Họ có thể yếu tâm lý, dễ mất tinh thần, trở nên nóng vội, thiếu kiểm soát, nhưng ai dạy họ về bản lĩnh, về tư tưởng để trong cơn hiểm nghèo vẫn bình tĩnh, chơi hay? Ai dạy họ không lúng túng trước kẻ mạnh? Và có bao nhiêu thanh niên Việt Nam 20 tuổi đã cư xử chín chắn, mẫu mực, bản lĩnh trước mọi khó khăn? Ngay cả “có tuổi” hơn đi nữa, thì cũng rất nhiều người thẳng tính, bộc trực trong xã hội này. Rất nhiều trong số những người ấy ngồi trước màn hình và luôn chuẩn bị sẵn một vài câu chửi trên môi.

U19 – Cái mốc so sánh sai lầm

U19 Việt Nam không phải là cột mốc duy nhất để so sánh. Ảnh: Internet.

Không cần xa xôi, chỉ đặt một ví dụ đơn giản. Nếu những người hùng U19 của chúng ta ngày hôm nay không được phát hiện và đào tạo bởi HAGL JMG, thì giờ này họ đang như thế nào nếu theo nghiệp cầu thủ? Chắc hẳn các em sẽ vào một “lò” địa phương nào đó, được các đàn anh dạy bằng văn hóa V League và “giáo trình Việt Nam”. Các em sẽ chẳng bao giờ có lối đá khoa học của ngày hôm nay, tinh thần đá đẹp, bản lĩnh của ngày hôm nay. Sẽ chẳng em nào nói được 3 thứ tiếng, và cũng là 6 năm, nhưng những giọt mồ hôi và cả máu của các em đổi lại vẫn sẽ chỉ là thắng khen, thua chửi.

Việc xuất hiện Học Viện HAGL JMG đã thay đổi cả một thế hệ nhân tài bóng đá, và giờ người ta lấy U19 làm cái mốc để so sánh với những cầu thủ có xuất phát điểm có lẽ cũng như các em, nhưng không may mắn bằng. Rất tiếc là cho đến giờ phút này, nhiều người vẫn coi đó là quyền chính đáng của người hâm mộ. Khi một đội tuyển “không phải HAGL JMG” thất bại, họ chỉ nhìn thấy điểm yếu chứ không nhìn thấy những tiềm năng, chỉ nhìn ra cái tồi tệ chứ không nhìn được nỗ lực, họ chỉ chỉ trích chứ không có động viên, dè bỉu chứ không có thông cảm. Cuộc sống này trở nên mệt mỏi vì những điều như thế, và sẽ chẳng có động lực, đam mê mới nào được tạo ra từ những lời cay nghiệt ấy. Đó không phải xây dựng mà là vùi dập, không phải đóng góp mà là làm sướng cái mồm.

Văn minh ứng xử, triết lý chuyên môn, những khác biệt giữa U19 và các lứa tuyển khác có phải vì các em, các anh chọn như thế? Nếu HAGL JMG mở ra sớm hoặc muộn vài năm, những người được tung hô có lẽ lại là những người khác, những người bị chê bai lại là những người khác. Chẳng có một chút lý lẽ nào trong sự so sánh đầy cảm tính, thấy gì nói nấy như vậy.

Mỗi bản thân chúng ta đều có những người giỏi hơn trong lĩnh vực của mình, được hưởng những nền giáo dục từ nhỏ khác nhau, tạo ra những cá thể, mức độ thành đạt khác nhau. Thua thì cứ chê đi, nhưng trước khi chỉ trích hãy ghi nhận những điểm hay, sự cố gắng, trước khi ca thán hãy hiểu rõ nguyên nhân tại sao mọi thứ lại xảy ra, trước khi đánh giá một người hãy nhìn vào nơi anh ta xuất phát và phát triển, hãy tỏ ra là những người hâm mộ chín chắn, biết thiệt hơn, ít nhất là hơn một thanh niên tuổi đôi mươi đạp vào ống đồng đội bạn khi thua trận. Ít nhất là thế cái đã.
Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục