Bóng đá Việt Nam và những nghịch lý: Tìm cái cần câu

08:31 Thứ năm 30/10/2014

Những gì mà Học viện HAGL đã làm được tại giải U21 quốc tế ở Cần Thơ khiến nhiều người phấn khởi tin tưởng vào một sắc thái mới mẻ, hấp dẫn của V-League 2015 sắp đến. Rõ ràng, chính Học viện HAGL là thỏi năm châm đem khán giả Cần Thơ đến chật kín sân vận động. Cứ nhìn cảnh ấy sẽ tưởng tượng đến chuyện tiền bạc tha hồ mà chảy vào bóng đá Việt Nam như ngày nào. Chẳng không?

Nếu chúng ta ví trong bóng đá chuyên nghiệp, người hâm mộ (cũng như nhà tài trợ) là những "con cá” thì đội bóng chính là “miếng mồi”. “Mồi” càng ngon thì câu được cá to. Trong trường hợp của bóng đá Việt Nam, sau một giai đoạn khủng hoảng niềm tin thì hiện đang có cơ hội câu được những “con cá” lớn nhờ “miếng mồi” đầy sức hút: các cầu thủ U19 và một đội HAGL trẻ trung, đẹp đẽ ở V-League 2015.

Nhưng câu hỏi đặt ra: vậy thì chiếc cần ở đâu để móc mồi mà câu cá?

Sức hút của U19 là có thật. Đội bóng trẻ ấy như một “miếng mồi” có hương vị quyến rũ, tỏa sáng trong đêm, thu hút mọi sự quan tâm của các CĐV bóng đá Việt Nam từ trẻ, đến già. Chưa có bất kỳ yếu tố nào của bóng đá Việt Nam đạt được điều đó.

Sân Cần Thơ luôn chật kín người ở những trận đấu của đội U19 HAGL thi đấu. Ảnh: Hoàng Hùng

Và người ta cũng nhìn thấy những “con cá” to đang hướng về họ. Những dòng người rồng, rắn mua vé vào sân Mỹ Đình ở giải Đông Nam Á. Những khán đài không còn một chỗ trống ở Cúp quốc tế TPHCM hồi đầu năm. Màu cờ Tổ quốc đỏ rực trên đất khách mỗi khi U19 thi đấu nước ngoài. Hàng triệu chia sẻ trên mạng xã hội. Và mới đây, sân bóng có sức chứa lớn nhất Việt Nam tại Cần Thơ luôn trong tình trạng vỡ sân. Các cầu thủ đến từ Pleiku đã tạo nên một “cơn bão” thực sự.

Sau bản hợp đồng trị giá 20 tỷ đồng/5 năm của Nutifood cho Học viện HAGL-Arsenal JMG, đến lượt phía CLB HAGL tiết lộ sẽ có nhiều nhà tài trợ chờ thương lượng hợp đồng khi U19 được bầu Đức đôn lên đá ở V-League 2015. Đúng theo quy luật của ngành tiếp thị truyền thông, càng có đông người quan tâm, tiền bạc tự động chảy đến.

Nhưng chẳng ai đi câu cá mà chỉ đem theo mồi ngon. Có cá là một chuyện, bắt được cá lại phải có chiếc cần câu. Muốn bắt cá to, thì cần một chiếc cần câu thật “xịn”.

Bóng đá Việt Nam chưa từng có một chiếc cần câu hiện đại, chất lượng để câu cá to. Người ta từng ví V-League là “con bò sữa” của cả nền bóng đá, nhưng doanh thu mỗi năm không quá 50 tỷ đồng. Cách đây 3 năm, Công ty VPF dự tính “câu” được 100 tỷ đồng bằng “chiếc cần” mang tên Bản quyền truyền hình nhưng rốt cục, bản quyền ấy hiện “cho không, biếu không”, chỉ kiếm được hơn chục tỷ đồng tiền quảng cáo.

Khi bầu Đức trình làng lứa cầu thủ U19 hồi năm ngoái, người ta hồ hởi tuyên bố “miếng mồi” U19 không dùng để “câu” tiền, mà dùng để vực dậy sự đam mê bóng đá của CĐV Việt Nam. Trên thực tế, “miếng mồi” U19 đã làm tốt nhiệm vụ của mình nhưng cho đến nay, không ai thấy bóng đá “chiếc cần cầu” ở đâu cả?

Muốn lấy tiền của người hâm mộ và các nhà tài trợ thì cần phải có một môi trường bóng đá thực sự chuyên nghiệp và chiến lược đầu tư bóng đá trẻ dài hạn. Một đội bóng U19 của HAGL thi đấu V-League đâu có thể kéo lượng khán giả của toàn giải tăng lên, đem tiền về túi những nhà tổ chức nếu như các đội bóng khác vẫn chơi thứ bóng đá bạo lực và lâu lâu lại nổ ra một vụ bán độ đáng xấu hổ. Đội U19 đá V-League có thể đem tiền và khán giả đến sân Pleiku của CLB HAGL nhưng nếu chỉ như thế thì cũng như chúng ta dùng miếng mồi ngon câu vài chú cá con con về nấu buổi cơm nhà thời khốn khó mà thôi.

Cứ dùng “miếng mồi” U19 nhấp nhử mãi mà không sắm được “chiếc cần” cho đàng hoàng, đến một lúc cũng chẳng còn “cá” để mà “câu”.
Hồ Việt | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục