Bong bóng bản quyền truyền hình Premier League: Đã chạm đỉnh và sắp vỡ?

16:12 Thứ hai 21/10/2013

Suốt vài thập niên trở lại đây, giá trị bản quyền truyền hình ở giải Ngoại hạng Anh đã tăng nhanh đến mức chóng mặt, cực kỳ chóng mặt. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ đi lên mãi mãi, và có đầy đủ những bằng chứng cho thấy bong bóng truyền hình Premier League có thể sẽ tan vỡ trong ngày một ngày hai.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

Đà tăng trưởng bong bóng

Dù chất lượng chuyên môn của giải Ngoại hạng chưa hẳn luôn đứng đầu châu Âu, công tác marketing cho giải đấu đã được thực hiện một cách hoàn hảo và mang lại một nguồn thu khổng lồ từ truyền hình. Kể từ đầu mùa giải 2013/14, khi gói HĐ truyền hình mới (thời hạn 3 năm, đến 2016) chính thức có hiệu lực, các CLB ở Premier League sẽ đút túi tổng cộng 1,8 tỷ bảng/mùa – một con số khủng khiếp ngay cả khi đặt bên Champions League hay World Cup. Để so sánh, trong mùa giải 2012/13 thì UEFA cũng “chỉ” thu được xấp xỉ 900 triệu euro (khoảng 780 triệu bảng) từ việc bán bản quyền truyền hình mà thôi.

Biểu đồ tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 1992-2013 (%/năm)

Quan trọng hơn, không giống như một số giải VĐQG lớn khác ở châu Âu, tiền bản quyền truyền hình của Premier League chưa bao giờ rơi vào tình trạng “phú quý giật lùi”. Kể từ khi giải Ngoại hạng ra đời đến nay, doanh thu từ truyền hình của nó cứ tăng đều đặn theo từng năm. Giai đoạn 1992-97, Premier League kiếm được khoảng 60 triệu bảng/năm tiền bản quyền truyền hình, đến năm 2001 thì con số này đã tăng lên 426 triệu, năm 2007 là 860 triệu và năm 2010 là 1,1 tỷ bảng. Tức là chi phí mà các hãng truyền thông phải trả để đổi lấy quyền phát sóng giải Ngoại hạng đã tăng tới… 3.000% chỉ sau khoảng 20 năm. Đó là tốc độ tăng trưởng cực kỳ khủng khiếp nếu như biết rằng GDP của Vương quốc Anh cũng chỉ tăng khoảng 200% trong quãng thời gian tương tự, còn chỉ số chứng khoán FTSE 100 tăng 250%. Đà tăng bình quân 18,5%/năm của bản quyền truyền hình Premier League gần như tương đương với mức tăng giá của bất động sản ở Mỹ thời điểm trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính 2008, và cũng xấp xỉ bằng tốc độ lên giá của BĐS Việt Nam giai đoạn 2005-2008. Sau đó, điều gì đã xảy ra với hai quả bong bóng BĐS vừa nêu? Khủng hoảng. Sụp đổ. Tan vỡ. Mất 5 năm vẫn chưa lấy lại giá trị cũ. Liệu bong bóng truyền hình Premier League có phải chịu số phận tương tự? Rất có thể.

Xu hướng mới của truyền thông

Đầu tiên, phải thấy rằng công nghệ số đã thay đổi đáng kể bộ mặt của hoạt động truyền thông. Nếu như trước đây các chương trình tường thuật trực tiếp hoặc điểm tin bóng đá chỉ có thể được theo dõi qua TV thì bây giờ, với đà phát triển như vũ bão của công nghệ, người ta có thể dễ dàng xem bất kỳ trận đấu nào qua mạng Internet (với những phần mềm như SopCast hay Veetle), có thể xem lại các clip bàn thắng & diễn biến chính trên chiếc smartphone và đương nhiên là có thể cập nhật thông tin trận đấu qua một trong số hàng trăm trang web thể thao, tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

Chạy theo sức hấp dẫn của Premier League khiến không ít các nhà đài lao đao

Hiện nay người dùng không còn bị bó buộc vào chiếc TV như trước, mà có nhiều sự lựa chọn khác để thỏa mãn niềm đam mê bóng đá. Đáng nói hơn, họ không nhất thiết phải trả tiền cho các phương án này và các hãng truyền hình đang đứng trước nguy cơ thất thu nghiêm trọng. Ngay như ở Anh, nơi có thị trường truyền thông và quảng cáo phát triển bậc nhất thế giới, British Telecom đã thừa nhận rằng họ sẽ thua lỗ khoảng 100 triệu bảng mỗi năm sau khi đồng ý bỏ ra 738 triệu bảng để mua quyền phát sóng giải Ngoại hạng. Cũng không cần nói đâu xa, tại Việt Nam thì kênh K+ đã công bố khoản lỗ 1.800 tỷ đồng (khoảng 90 triệu USD) kể từ khi đi vào hoạt động. Với kết quả kinh doanh tệ hại như thế, liệu các nhà đài còn chịu đựng được bao lâu? Liệu họ còn đủ sức bỏ hàng đống tiền ra để mua bản quyền truyền hình Premier League nữa hay không?

Không thiếu sản phẩm thay thế

Trong kinh tế, có một lý thuyết đơn giản nhưng khá chính xác: khi một chủng loại hàng hóa nào đó là độc quyền thì giá cả của nó sẽ tăng mạnh, nhưng khi có sản phẩm cạnh tranh (và thay thế) thì mặt bằng giá sẽ phải giảm xuống. Suốt nhiều năm qua, Premier League đã duy trì được vị thế độc tôn trong thị trường truyền hình nhưng Bundesliga, và ở chừng mực nào đó là La Liga, đang nổi lên mạnh mẽ. Thắng lợi của Bayern Munich và Borussia Dortmund ở Champions League 2012/13 đã khiến NHM quốc tế dành nhiều sự chú ý hơn cho giải VĐQG Đức, và nếu xem xét kỹ thì đây cũng là một “món hàng” không đến nỗi nào: các sân đấu luôn đầy ắp khán giả, các trận đấu không bao giờ thiếu bàn thắng, có những ngôi sao lớn cả trên sân cỏ lẫn băng ghế huấn luyện (Ribery, Lahm, Lewandowski, Marco Reus, Guardiola, Klopp…) và khung giờ thi đấu phù hợp. Không phải ngẫu nhiên mà Bundesliga lại giành được một bản HĐ truyền hình thuộc hàng “khủng” thời hạn 5 năm với hãng 21st Century Fox, có giá trị ước tính gấp đôi gói bản quyền truyền hình cũ.

La Liga và Bundesliga đang là sự lựa chọn dễ tiếp cận cho người hâm mộ trên thế giới

Bên cạnh đó, La Liga cũng đang rục rịch áp dụng việc bán bản quyền truyền hình tập trung, giúp nâng cao tính cạnh tranh của giải đấu và thực tế là La Liga 2013/14 đã trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với các mùa trước. Không còn là cuộc đua song mã nhàm chán, giải VĐQG TBN giờ đang có thêm một ứng cử viên mới là Atletico Madrid và khi các siêu sao như Messi, Ronaldo, Neymar, Bale… vẫn còn đó thì sức thu hút của La Liga là không thể coi thường. Trước viễn cảnh NHM chuyển hướng sang theo dõi các giải đấu khác, Premier League cứ cẩn thận đi là vừa!

Lực cầu cạn kiệt

BTC Premier League đang tăng giá bản quyền truyền hình liên tục qua từng năm và rất may là yêu cầu của họ vẫn được đáp ứng, nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng lực cầu từ các hãng truyền thông là vô tận. Setanta và ESPN đã lâm vào cảnh phá sản hoặc suýt phá sản sau nhiều năm “chạy đua vũ trang” với Sky, và sở dĩ Premier League thành công trong việc ký HĐ truyền hình mới cuối mùa trước là vì British Telecom (BT) quá khao khát với việc nhảy vào lĩnh vực bóng đá. Hiện tại, sau BT thì làng truyền hình Anh không còn cái tên “có số má” nào nữa và gần như chắc chắn Premier League sẽ bị khủng hoảng nguồn thu nếu Sky hoặc BT bất ngờ bỏ cuộc chơi. 
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục