“Big Four” - Ngày ấy và bây giờ

10:44 Thứ năm 07/02/2013

Mới hơn nửa mùa giải trôi qua nhưng cuộc đua đến chức vô địch Premier League 2012-2013 giờ đây gần như chỉ còn là cuộc đua song mã giữa 2 đội bóng cùng thành phố Manchester. Liệu có phải đây là một mùa giải tẻ nhạt khi các đối thủ cạnh tranh của họ “hụt hơi” quá sớm? “Big Four” ư! Có lẽ khái niệm đó chỉ còn là quá khứ…

Ký ức về Big Four

Không biết khái niệm Big Four được ra đời từ bao giờ, chỉ biết rằng người ta sử dụng cụm từ đó để nói về 4 đội bóng được đánh giá là giàu thành tích nhất Premier League. Đó là Manchester United, Chelsea, Arsenal và Liverpool. Bộ tứ kỳ diệu đó đã thống trị những giải đấu này trong một quãng thời gian dài và trở thành một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử của bóng đá Châu Âu, điều mà trước nay không nhiều các câu lạc bộ khác làm được.

Với Manchester United, có lẽ không cần bàn cãi nhiều, họ là đội bóng giàu thành tích nhất Ngoại hạng Anh kể từ khi giải đấu này chính thức được đổi tên từ mùa giải 1992-1993. Trải qua 20 mùa bóng gần nhất, HLV Alex Ferguson các cầu thủ của mình đã 12 lần được giương cao chiếc Cup vô địch. Một thành tích vô tiền khoáng hậu, nhất là khi những chức vô địch đó đến từ giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh. Không chỉ là vua tại Ngoại hạng Anh, Manchester United còn là một thế lực của bóng đá Châu Âu, là đội bóng có lượng fan hâm mộ nhiều nhất trên thế giới. Thực sự không có gì có thể tuyệt vời hơn thế!

Sir Alex Ferguson, HLV thành công nhất lịch sử Premier League. Ảnh: Internet.

Nếu như Sir Alex là người đem lại thành công cho Man United thì HLV Arsene Wenger cũng làm được điều tương tự ở Arsenal. Từ khi đến với đội bóng thành London vào tháng 09/1996 ông đã thổi vào Arsenal một luồng gió mới, một phong cách mới mang đến sự khác biệt với nửa còn lại. Đó là sự kết hợp giữa lối đá kỹ thuật theo trường phái Nam Mỹ và tấn công tổng lực đẹp mắt của người Hà Lan. Cùng với con mắt tinh tường của một nhà “phát kiến tài năng vĩ đại”, ông đã phát hiện ra một loạt các cầu thủ trẻ tài năng và đưa họ về với đội bóng bằng những cách khác nhau. Từ thế hệ Vàng như Patrick Vieira, Dennis Bergkamp, Thierry Henry… cho đến các cầu thủ thế hệ 2.0 như Fabregas, Van Persie, Theo Walcott… tất cả đều qua bàn tay nhào nặn của ông trước khi trở thành các cầu thủ hàng đầu thế giới ở vị trị của họ. Arsenal cũng là đội bóng duy nhất ở NHA có thành tích bất bại 49 trận liên tiếp. Thành tích vô địch Ngoại hạng Anh ở mùa giải 2003-2004 đó là đỉnh núi cao mà rất khó để một câu lạc bộ khác có thể chinh phục lại lần nữa. Nhưng điều mà các CĐV yêu quý ở Arsenal không phải là danh hiệu mà là phong cách chơi bóng. Chính sức hút từ lối đá tấn công quyến rũ của họ đã tạo nên chất men làm say đắm triệu trái tim của NHM trái bóng tròn.

Nếu những năm cuối của thế kỷ 20 và hơn 10 năm đầu của thế kỷ 21 lịch sử gọi tên Manchester United thì thế kỷ 20 người ta sẽ nhắc đến cái tên Liverpool. 18 chức vô địch quốc nội cùng vô số chiếc Cup FA, Cup Liên đoàn Anh và đặc biệt là 4 chiếc Cup vô địch C1 qua các năm 1977, 1978, 1981, 1984, và chiếc Cup thứ 5 vào năm 2005 đã đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử câu lạc bộ và cả giải đấu danh giá nhất hành tinh này. Liverpool là đội có thành tích vô địch C1 nhiều thứ 3, chỉ sau 2 câu lạc bộ giàu truyền thống khác là Real Madrid và AC Milan. Có thể trong nhiều năm trở lại đây, Ngoại hạng Anh không còn là “miền đất hứa” với The Kop nhưng họ vẫn duy trì được vị trí ở top 4, còn ở đấu trường C1 họ luôn thể hiện một bản lĩnh và sự lì lợm đến đáng sợ. Đã có những lúc việc đụng độ với Liverpool tại vòng Knock-out C1 là cơn ác mộng với bất cứ đội bóng nào. Họ có thể hụt hơi trong một chặng đường dài của mùa giải nhưng lại rất giỏi trong các cuộc đấu tay đôi,một mất một còn. Biệt danh “Vua đấu Cup” cũng từ đó được gọi tên.

Còn với Chelsea – “Big Four trẻ tuổi nhất”, thì từ khi ông chủ Roman Abramovich đến mang theo những đồng rúp Nga đã biến họ thành một thế lực thực sự. Chelsea như được lột xác, trút bỏ lớp vỏ xấu xí để khoác vào đó những bộ cánh lộng lẫy. Các ngôi sao cứ lần lượt cập bến Stamford Bridge bằng các bản hợp đồng ấn tượng lên đến 15, 20, 30 triệu bảng, thậm chí còn nhiều hơn thế nữa. Lịch sử Ngoại hạng Anh chưa từng có một câu lạc bộ nào chịu bỏ nhiều tiền để có được thành công như vậy. Roman hiểu rằng thứ nhanh nhất dẫn đường đến thành công đó chính là tiền. Đế chế mà HLV Mourinho từng xây dựng có thể thách thức tất cả các đội bóng khác, họ chấm dứt chu kỳ độc bá của Manchester United và Arsenal để lên ngôi vô địch 2 mùa giải liên tiếp 2004-2005 và 2005-2006 trước khi vô địch lần gần nhất vào 2009-2010 dưới triều đại Ancelotti.

Đó là tất cả những gì chúng ta có thể tóm tắt về Big Four. Nhưng cuộc sống luôn vận động, không có cái gì có thể tồn tại mãi mãi,toàn vẹn như lúc ban đầu,trong bóng đá cũng vậy. Sự thống trị của Big Four cũng có giới hạn của họ. Và có lẽ mọi thứ cũng đang mờ dần, mờ dần… Ngoại trừ Manchester United vẫn duy trì được đẳng cấp của mình thì 3 ông lớn Arsenal, Liverpool và Chelsea đang ở những giai đoạn khó khăn.

Arsenal, ngày xưa ấy nay còn đâu! Ảnh: Internet.

Arsenal - Tiền, tài năng và danh hiệu

Kể từ khi lứa cầu thủ Thế hệ Vàng ra đi HLV Wenger vẫn chưa tìm ra được lời giải cho thành công của Arsenal. Đã có lúc ông và người hâm mộ tin tưởng vào thế hệ 2.0 của Fabregas, Van Persie, Nasri, Clichy, Walcott… Nhưng khi đó họ còn quá trẻ để có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh trên chặng đường dài của mùa giải. “Những đứa trẻ nhà Wenger” có thể thắng tưng bừng trước đối thủ 3, 4 bàn cách biệt nhưng cũng có thể thua chỉ ngay sau đó trước các đội bóng được đánh giá thấp hơn rất nhiều. Phong độ của họ cứ như một biểu đồ hình sin vây, rất thất thường. Khi sự nỗ lực không được đáp trả bằng thành công thì sự thất vọng của các cầu thủ là điều không thể tránh khỏi. Họ không thể thi đấu cả đời cho một câu lạc bộ mà không có được một danh hiệu nào, đời cầu thủ rất ngắn nên ai cũng muốn đi tìm thành công cho riêng mình. Arsenal đã để mất quá nhiều trụ cột và tài năng trong suốt 4, 5 năm gần đây và mới nhất là cuộc đào tẩu của đội trưởng Van Persie sang đối thủ truyền kiếp Man United.

Khi lần lượt các ngôi sao chuyển đi, lúc đấy BLĐ đội bóng mới cuống cuồng tìm sự thay thế khả dĩ để có thể cân bằng trở lại nhưng cái gì cũng phải có thời gian và người thay thế cũng vậy. Trả giá cho việc này, 2 mùa giải gần đây nhất Arsenal bật ra khỏi cuộc đua đến chức vô địch Ngoại hạng Anh rất sớm và mục tiêu duy nhất của họ cũng chỉ là cố gắng lọt vào top 4. Và có một sự thật là kể từ khi SVĐ Emirates được sân lên thay thế sân Highbury thì thói quen mua sắm cầu thủ của Arsenal cũng giảm theo tỉ lệ nghịch với sự sang trọng SVĐ mới. Những khoản nợ đã khiến họ không thể đưa về những cầu thủ chất lượng được nữa. Việc lên nắm quyền của ông chủ mới người Mỹ Stan Kroenke cũng chưa cho thấy sự thay đổi,chưa một vụ chuyển nhượng đình đám nào được thực hiện. Tài năng của Arsene Wenger có thể đảm bảo cho Arsenal một vị trí dự C1 chứ không thể làm tốt hơn với những con người như hiện tại.

Mùa giải 2012-2013 này, mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn, việc lọt vào top 4 cũng không hề đơn giản. Với sự lớn mạnh của Man City và Tottenham thì giờ đây đã có ít nhất 6 đội bóng cạnh tranh cho 4 vị trí đầu tiên. Nếu xét trên phương diện làm kinh tế Arsenal có thể vẫn tự hào về sự ổn định của mình thì trên phương diện thành công trong bóng đá họ càng ngày càng thụt lùi, niềm tin của các cổ động viên cũng không còn được như trước nữa.

Liverpool đang trên đường tìm lại ánh hào quang. Ảnh: Internet.

Liverpool - Con người và lối chơi

Nếu Arsenal đã sa sút thì mọi thứ còn tệ hơn với Liverpool. 3 mùa giải gần nhất họ không lọt vào top 4 đội bóng dẫn đầu Ngoại hạng Anh, đồng nghĩa “Vua đấu Cup” không thể góp mặt tại giải đấu danh giá C1. Từ khi HLV Rafael Benitez ra đi năm 2010,ông để lại cho câu lạc bộ một mớ hỗn độn và một tá vấn đề cần giải quyết. Dù có thể khẳng định Benitez là một HLV có tài, chính ông đã biến The Kop thành một thế lực ở Châu Âu nhưng cũng chính những quyết định sai lầm của ông trong việc mua bán cầu thủ khiến Liverpool suy yếu trầm trọng. Ông đưa về những thương vụ hớ như Aquilani, Robbie Keane, Babel với giá trên trời trong khi đẩy những trụ cột câu lạc bộ như Xabi Alonso, Mascherano, Arbeloa rời xa Anfield. Kể cả khi Benitez bị sa thải thì cũng không HLV nào mang lại thành công cho Liverpool nữa.

Từ Roy Hodgson, Kenny Dalglish cho đến Brendan Rodgers chưa ai có thể tìm ra công thức chiến thắng cho CLB. Việc thay đổi quá nhiều trên băng ghế chỉ đạo khiến các cầu thủ không thể bắt nhịp với lối chơi và chiến thuật mới. Các cầu thủ thi đấu không sáng tạo và thiếu sự gắn kết, một mình Gerrard và Luis Suarez dù có xuất sắc đến đâu cũng không thể cứu được một tập thể rệu rã. Và dù vẫn được đầu tư nhiều nhưng những con người họ mang về đa phần không phát huy được tài năng và có rất nhiều thương vụ hớ, đặc biệt là Andy Carroll và Downing. 2 cầu thủ này đã ngốn của Liverpool trên 50 triệu bảng nhưng đóng góp của họ gần như là con số 0.

Trong TTCN mùa đông vừa rồi, The Kop đưa về 2 cái tên Sturridge và Coutinho để cứu vãn một mùa giải tệ hại nhưng đó không phải là điều người hâm mộ muốn thấy ở họ. người hâm mộ muốn thấy một Liverpool mạnh mẽ và quyết liệt như ngày nào. Nhưng có lẽ trong thâm tâm những người xem bóng đá đã gạch bỏ cái tên Liverpool ra khỏi cuộc đua đến chức vô địch Ngoại hạng Anh từ lâu rồi.

Chelsea bây giờ chỉ có thể gói gon trong 2 từ "bất ổn". Ảnh: Internet.

Chelsea - Cuộc chuyển giao thế hệ

Những vấn đề khó khăn của Liverpool và Arsenal dường như lớn hơn của Chelsea rất nhiều. Chelsea không thiếu tiền như Arsenal. Roman Abramovich vẫn vậy, ông vẫn dành cho Chelsea những sự ưu ái lớn nhất của mình, những đồng rúp qua bàn tay ông vẫn được chuyển đi khắp nơi. Họ không thiếu sự sáng tạo và gắn kết như Liverpool, những cầu thủ như Oscar, Juan Mata, Eden Hazard có thừa tài năng để làm việc đó. Vấn đề mà họ đang gặp phải đến từ sự chuyển giao thế hệ cầu thủ, sự thay đổi về lối chơi.

Nếu coi thế hệ Vàng của Chelsea dưới triều đại Mourinho gồm những cầu thủ như Drogba, Lampard, John Terry, Joe Cole, Essien, Ashley Cole, Carvalho… đã mang đến thành công cho Chelsea trong suốt gần 1 thập kỷ thì giờ đây dưới sự khắc nghiệt của thời gian thế hệ ấy đã gần đi đến sườn dốc bên kia của sự nghiệp. Có người đã ra đi, có người vẫn còn ở lại nhưng có thể khẳng định chu kỳ thành công của họ đã hết. Chelsea cần phải thay máu lực lượng để tìm lại ánh hào quang như ngày nào. Chiếc Cup vô địch C1 năm ngoái có thể là lời chia tay ý nghĩa nhất với một trong các cầu thủ thế hệ Vàng ấy. Cũng nên biết rằng họ chỉ cán đích ở vị trí thứ 6 chung cuộc tại Ngoại hạng Anh mùa giải năm ngoái, chỉ có phép màu mới giúp họ được tham dự C1 năm nay. Và giờ đây khi cuộc cách mạng nhân sự của ông chủ Roman Abramovich đã được bắt đầu thì các cầu thủ mới cần khoảng thời gian ít nhất từ 1, 2 năm để có thể hội tụ đủ các yếu tố mang lại thành công.

Mặt khác sự thay đổi liên tục trên băng ghế HLV giống Liverpool khiến các cầu thủ Chelsea không thể bắt kịp được. Từ André Villas-Boas cho đến Di Matteo không ai có thể làm hài lòng Abramovich cả dù trước đó Di Matteo đã có công rất lớn trong việc vực dậy tinh thần đội bóng sau những rắc rối mà Villas-Boas bỏ lại. Tiêu biêu là đem về chức vô địch C1 đầu tiên cho Chelsea. Chẳng ai ngờ được chính lúc Chelsea khó khăn nhất họ lại giành được danh hiệu một cách đầy bất ngờ trước sự ngỡ ngàng của biết bao nhiêu người. Nhưng với Abramovich như thế là chưa đủ, thất bại ê chề trước trận chung kết Siêu Cup Châu Âu và bị rớt lại khá xa trong cuộc đua với 2 đội bóng thành Man tại Ngoại hạng Anh đã khiến Di Matteo bị ra thải. Rafa Benitez được bổ nhiệm lên thay những cũng không tạo ra được sự chuyển biến tích cực nào.Rõ ràng Chelsea lúc này cần thời gian thay đổi.

Lời kết

Một giải đấu hấp dẫn là khi người hâm mộ được chứng kiến nhiều câu lạc bộ cạnh tranh nhau để giành chức vô địch chứ không phải cạnh tranh nhau chỉ để lọt vào top 4 như Ngoại hạng Anh bây giờ. Có thể mùa giải năm nay là mùa bóng khá tẻ nhạt sau sự suy yếu của 3 ông lớn Arsenal, Liverpool, Chelsea. Trước sự lớn mạnh của các câu lạc bộ khác, liệu sau này Ngoại hạng Anh còn có Big Four nữa không? Câu hỏi đó hãy để họ tự trả lời.

(Bạn đọc: a.k.a Persie)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục