Ảnh hưởng tư duy tennis của người Thụy Điển!!!

10:28 Thứ năm 18/09/2014

Không tay vợt nào gây ấn tượng ở Wimbledon thời kỳ đầu kỷ nguyên mở hơn Bjorn Borg. Ông rời đây với 5 chiếc cúp vô địch liên tiếp cuối thập niên 1970 và được xem như người truyền cản hứng trong tennis giống như The Beatles đối với rock n’roll. Tiếp sau Borg là một loạt danh thủ khác người Thụy Điển như ông: Mats Wilander, Stefan Edberg…

Nhưng đã ba năm rồi, không có người Thụy Điển nào xuất hiện ở vòng đấu chính Wimbledon, cũng như các giải Grand Slam, kể từ khi Robin Soderling ngưng thi đấu vì bệnh tật. Như đối thủ một thời của họ là Mỹ, tennis Thụy Điển đang ở điểm thấp trong lịch sử. Tay vợt nam tốt nhất của họ là Markus Eriksson, 24 tuổi, nằm ngoài Top 300 thế giới.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của người Thụy Điển bên ngoài sân đấu khá lớn, thậm chí chưa bao giờ sâu như thế này. Từ huấn luyện đến truyền thông, bàn tay của họ được thấy ở khắp mọi chỗ. Mats Wilander, 7 lần vô địch Grand Slam, làm bình luận viên cho kênh Eurosport trong nhiều năm và đang điều hành một cơ sở dạy tennis di động (chạy bằng xe ô tô lớn có đầy đủ tiện nghi như ngôi nhà) ở Mỹ có tên Wilander on Wheel.

Thomas Johansson, 32 tuổi, nhà vô địch Australian Open 2012, là Giám đốc điều hành giải Stockholm Open trước khi trở thành cố vấn cho hãng thời trang Thụy Điển H& M, giúp hãng này tiến vào thị trường tennis. Sau khi làm Giám đốc tiếp thị cho giải Stockholm, cựu tay vợt Jonas Bjorkman bình luận cho kênh truyền hình Thụy Điển và làm trợ lý huấn luyện cho đội Davis Cup.

Khi thi đấu, Peter Lundgren, Thomas Hogstedt, Frederik Rosengren không phải là những người thật nổi bật nhưng nghiệp huấn luyện của họ thì không chê vào đâu: họ có mặt trong sự thành công của nhiều tay vợt siêu sao như Roger Federer, Maria Sharapova.

Hai người Thụy Điển đang đình đám nhất có liên quan đến những người Thụy Sĩ nổi tiếng nhất: Stefan Edberg đang làm hồi sinh Federer còn Magnus Norman giúp Stan Wawrinka vô địch Australian Open 2014 sau khi làm việc chung với nhau chưa đầy 1 năm. Cựu số 4 thế giới Thomas Enqvist thì cũng đang huấn luyện Fernando Verdasco.

“Không phải là chuyện gì bất thường khi các cựu ngôi sao tiếp tục hoạt động trong cuộc chơi. Họ thậm chí còn được biết đến nhiều hơn các tay vợt đang thi đấu ở các công việc như tiếp thị, truyền thông, huấn luyện và đại diện cho các tay vợt”, Anders Jarryd, tay vợt Thụy Điển từng vào bán kết Wimbledon 1985 nói. Ông đang làm việc cho Liên đoàn tennis Thụy Điển và có một Học việc tennis ở thành phố Bastad. Với người Thụy Điển thì làm những việc này còn dễ dàng hơn nữa. “Chúng tôi trung thực, làm việc chăm và ít khoe khoang”, Norman cho biết, “Đó là những yếu tố quan trọng trong ngành này”.

Từ năm 1974 đến năm 1992, chỉ có 2 năm người Thụy Điển không có Grand Slam mà thôi. Năm 1988, họ giật cả 4 Grand Slam đơn nam (Wilander vô địch Australian Open, Roland Garros, US Open; Edberg vô địch Wimbledon), lần duy nhất một quốc gia trước đó làm được trong kỷ nguyên mở là khi Rod Laver lấy cả 4 Grand Slam cho nước Úc năm 1969.

Từ năm 1975 đến 1988, Thụy Điển giành 7 chức vô địch Davis Cup. Tháng 9-1986, Top 10 thế giới có Wilander, Edberg, Joachim Nystrom và Mikael Pernfors là những người Thụy Điển ở các vị trí số 2, 3, 9 và 10. “Những bước lùi lại luôn xảy ra nhưng việc lùi xa của tennis Thụy Điển như thế này là ngạc nhiên ngay cả với tôi”, Edberg nói.

Nhiều người Thụy Điển giải thích rằng bước lùi đó do sự tự mãn sau những năm tháng vinh quang, những quyết sách tồi của các nhà quản lý thể thao, thiếu cơ sở vật chất phù hợp với khí hậu lạnh và sự quan tâm lớn hơn dành cho bóng đá và hockey của người hâm mộ thể thao Thụy Điển. “Cách đây 10 năm, ai cũng muốn trở thành Peter Forsberg (cầu thủ hockey giỏi chơi ở giải nhà nghề Mỹ)”, Pernfors cho biết.

Sự vắng mặt của các tay vợt hay nhất Thụy Điển gần đây làm tình hình trầm trọng thêm. Soderling, người duy nhất đánh bại Rafael Nadal ở Roland Garros không thi đấu kể từ khi vô địch giải ở Bastad vào tháng 7.2011 do bị chứng mononucleosis gây mệt mỏi, dễ nhiễm cảm cúm, đau tứ chi… Joachim Johansson cũng không chơi từ năm 2011 vì bị chấn thương vai. “Có vẻ như tennis của chúng tôi hồi sinh với sự xuất hiện của Soderling, nhưng khi anh ấy bị ốm, lũ trẻ không nhìn thấy tay vợt nào nữa”, Pernfors nói.

Để đưa tennis trở lại bản đồ thế giới, vài cựu tay vợt đã lập các Học viện đào tạo ở quê nhà. Norman lập Học viện “Good to Great” cùng Mikael Tillstrom và Nicklas Kulti. Edberg lập Học viện “Ready Play Tennis” cùng Magnus Larsson và Carl Axel Hageskog. Trung thực, làm việc chăm chỉ và không khoe khoang sẽ là những tố chất để họ hy vọng…

Nguồn: Tạp chí Thế giới Tennis

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục