Bốn lí do nên sa thải ông Miura: Khi niềm tin cạn dần

08:14 Thứ năm 10/09/2015

(TinTheThao.com.vn) - ĐT Việt Nam vừa giành thắng lợi trước Đài Loan. Nhưng chiến thắng đó không nói lên được nhiều điều. Và có lẽ, đã đến lúc ông Toshiya Miura nên bị sa thải.

1. Triết lí bóng đá của Miura không phù hợp tố chất của người Việt Nam

Cầu thủ Việt có ưu điểm về tốc độ, kĩ thuật khéo léo sẽ phù hợp với lối đá ban bật, thần tốc để làm đối phương bất ngờ, rối đội hình. Vì vậy, phương án tấn công khả dĩ nhất là các tiền vệ trung tâm cầm bóng đánh vào trung lộ hay chọc khe cho các tiền vệ cánh dùng tốc độ từ hai biên chuyền vào trong cho các tiền đạo chạy chỗ, băng cắt dứt điểm đầy bất ngờ (như lối đá của Thái Lan hiện tại).

ĐT Việt Nam có những pha lên bóng đầy may rủi bởi hàng tiền vệ thiếu sáng tạo ở giữa sân. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, ông Miura lại cho các cầu thủ tấn công chủ yếu bằng bóng bổng, từ những đường chuyền vượt tuyến cho các tiền đạo nhỏ con của ta đọ thể hình và sức mạnh hơn hẳn của đối thủ. Cái kết của những đường bóng đó đa phần bị các hậu vệ đội bạn hóa giải dễ dàng (vì chúng ta có điểm yếu về thể hình và thể lực).

Trận đấu với Đài Loan ngày 8/9/2015 vừa qua là minh chứng rõ nét nhất cho sai lầm trong lối chơi của ông Miura. Công Vinh, Văn Quyết, Thành Lương không thể hiện được những tố chất vốn là ưu điểm của họ và không thể tiếp cận khung thành đối thủ, trong khi đó một tiền đạo có thể hình, tì đè tốt và thường chơi hiệu quả khi lên tuyển là Mạc Hồng Quân lại không được sử dụng phút nào cả. Nói một cách khái quát nhất là ông đang xây dựng lối chơi dựa trên sở đoản của cầu thủ Việt Nam.

Bên cạnh đó, hàng tiền vệ được xây dựng với triết lí lấy “cần cù bù thông minh”, dư cơ bắp nhưng thiếu sáng tạo đã không thể phát huy hiệu quả, không thể làm cầu nối giữa phòng thủ với tấn công. Không quá khi nói rằng hàng tiền vệ của đội tuyển hiện tại có thể được coi là hàng tiền vệ thiếu sáng tạo nhất trong lịch sử của đội tuyển Việt Nam. Đó là lỗi của ông Miura.

2. Cách chọn con người của ông Miura trong các đợt tập trung đội tuyển là có vấn đề

Không nói trước đó, chỉ với lần tập trung đá với Đài Loan vừa qua đã cho thấy sự bất hợp lý của ông. Cụ thể:

Ông luôn miệng nói rằng ông chọn cầu thủ là dựa trên phong độ hiện tại của họ. Thực tế không chứng minh đều đó. Thanh Hiền, Minh Tuấn, Đinh Tiến Thành, Nguyễn Huy Hùng, … rõ ràng không có phong độ tốt tại câu lạc bộ của họ. Trong khi đó Anh Đức, Trọng Hoàng (Bình Dương), Tuấn Anh (HAGL), Văn Thắng (Cần Thơ) rõ ràng đang có phong độ cao hơn và xứng đáng lên tuyển hơn.

Vậy, ông Miura đã biện hộ cho danh sách tập trung đội tuyển chỉ để ông có đủ con người phục vụ cho lối chơi của ông mà thôi.

Trong khi đó, Tuấn Anh (HAGL) đang có phong độ cực tốt tại V-League 2015, một tiền vệ tài hoa và sáng tạo bật nhất hiện tại ở Việt Nam lại không được ông chọn.

Những tài năng như Tuấn Anh lại HLV Miura bỏ quên. Ảnh: Internet.

Bên cạnh đó, Công Phượng dù đang có phong độ không tốt tại HAGL nhưng ở môi trường đội tuyển thì khác, anh lại thường chơi tốt khi lên tuyển U23.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng ở đội tuyển quốc gia hiện nay không tiền đạo nào có khả năng gây đột biến và bùng nổ như Công Phượng. Công Vinh chỉ là một anh thợ cần mẫn và dày dạn kinh nghiệm chứ chưa thể đem đến cảm giác yên tâm và tin tưởng ở hàng tiền đạo.

Minh Tuấn đang có phong độ không tốt tại CLB Than Quảng Ninh do vẫn chưa hoàn toàn bình phục chấn thương nhưng vẫn được ông cho lên tuyển và đá chính. Trong trận đấu với Đài Loan, Minh Tuấn là một trong những người chơi tệ nhất do thiếu thể lực sung mãn và cảm giác bóng tốt nhất.

Đinh Tiến Thành cũng vậy, ngoại trừ tình huống mở tỉ số “ăn rùa”, Đinh Tiến Thành không cho thấy sự an tâm nơi phòng ngự khi thường xuyên thua trong các pha tranh chấp bóng bổng. Thậm chí cuối trận, anh còn khiến CĐV Việt Nam thót tim với những pha cản phá thiếu kinh nghiệm có thể bị thẻ đỏ và rời sân. Ở Việt Nam, Đinh Tiến Thành chưa bao giờ được coi là một trung vệ có đẳng cấp. Rõ ràng Đinh Tiến Thành chưa phải là cầu thủ của những trận đấu lớn.

Đây chính là hai trường hợp điển hình trong cách dùng người bảo thủ của ông Miura, có cảm giác ông luôn ưu ái “gà cưng” cho dù họ có chấn thương hay sa sút phong độ đi chăng nữa vẫn mặc định có suất lên tuyển.

Sự bất hợp lí và bảo thủ trong cách dùng người của ông Miura khiến cho đội tuyển quốc gia không tập trung được những tinh hoa của bóng đá nước nhà, một mặt đem lại sự thất bại ở hiện tại và mặt khác, nguy hiểm hơn là giết chết những tài năng tương lai của bóng đá Việt Nam.

3. Đội tuyển quốc gia đang có dấu hiệu đi xuống về mọi mặt

Thành tích trên đấu trường quốc tế bết bát, lối chơi ngày càng thiếu bản sắc, thiếu bản lĩnh, bế tắc và vô hại. Ngay cả tinh thần thi đấu vốn dĩ là điểm mạnh của cầu thủ Việt Nam cũng đang cho thấy sự giảm sút đáng kể. Đó phần lớn là do lỗi của ông Miura vì ông là người đảm nhiệm vai trò HLV trưởng đội tuyển quốc gia và U23 (bên cạnh trách nhiệm của VFF).

HLV Miura đang tạo nên nghi vấn về chính năng lực của mình. Ảnh: Hà Bạch.

Vì vậy, chúng ta không có lý do gì để kì vọng ông Miura có thể nâng tầm bóng đá Việt Nam. Tôi cũng đang tin rằng ông Miura đang dùng phong cách bí ẩn để che đậy năng lực hạn chế của mình.

4. Niềm tin của người hâm mộ đang cạn dần

Hình ảnh CĐV buồn tủi sau những trận cầu quyết định của ĐT Việt Nam sẽ còn kéo dài đến khi nào? Ảnh: Internet.

Bóng đá Việt Nam cần phải đổi mới căn bản và toàn diện (như ngành giáo dục vậy) từ việc xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển dài hạn, chú trọng công tác đào tạo trẻ, các câu lạc bộ phải thật sự chuyên nghiệp, chuyện nghiệp hóa công tổ chức và nâng cao chất lượng V-League, trước mắt phải có một HLV trưởng đội tuyển quốc gia có đủ trình độ nâng tầm bóng đá Việt Nam. Vì vậy, ông Miura cần phải ra đi.

(Bạn đọc: Đặng Quang Khanh)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục