Đất nện & Roland Garros: Xứ bò tót là Vua

08:21 Thứ sáu 25/05/2012

Không phải ngẫu nhiên mà quần vợt nam Tây Ban Nha đang làm khuynh đảo thế giới banh nỉ.

Từ những con số

Novak Djokovic là tay vợt số 1 thế giới nhưng quần vợt Serbia chỉ có 3 tay vợt nằm trong top 100, ngoài Nole là Janko Tipsarevic (số 8) và Viktor Troicki (số 31). Roger Federer là huyền thoại với 16 Grand Slam trong sự nghiệp nhưng quần vợt Thụy Sĩ lâu nay chỉ có thêm Stanislas Wawrinka (số 21) trong top 100. Còn Vương quốc Anh lâu nay là tập hợp của vài quốc gia khác nhau nhưng cũng chỉ có duy nhất Andy Murray trong top 100. Đó là những con số quá nhỏ bé để so với sự lớn mạnh thần kỳ của quần vợt Tây Ban Nha, nơi đang có tới 12 tay vợt nam trong top 100 ATP. Và tính xa hơn trong top 200 là 20 tay vợt, trung bình cứ 10 người lại có 1 người mang quốc tịch Tây Ban Nha, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.

Quần vợt bước vào kỷ nguyên của người Tây Ban Nha

Nếu lấy giải vô địch quần vợt đồng đội Davis Cup là thước đo của sự phát triển thì quần vợt nam Tây Ban Nha cũng là số 1. Trong 11 năm qua, xứ sở bò tót đã lên ngôi ở 5 mùa giải (2000, 2004, 2008, 2009, 2011), không có quốc gia nào có thành tích ấn tượng trong giai đoạn này như vậy, ngay cả đó là nước Mỹ vẫn đang dẫn đầu với 32 danh hiệu Davis Cup hay Australia với 28 lần vô địch, Vương quốc Anh và Pháo cùng 9 lần. Mọi thứ đã là quá khứ và hiện tại chỉ là của người Tây Ban Nha.

Kể từ kỷ nguyên Mở (Roland Garros 1968) thì các tay vợt Tây Ban Nha giành được 17 Grand Slam và có tới 12 lần tính từ khi thế kỷ 21 bắt đầu. Trước khi có Rafael Nadal với 10 Grand Slam thì cũng có cả Albert Costa (Roland Garros 2002) và Juan Carlos Ferrero (Roland Garros 2002) đóng góp vào bảng thành tích ấn tượng của quần vợt xứ bò tót. Thụy Sĩ đứng phía sau với 16 Grand Slam nhưng tất cả đều do công sức của một mình Roger Federer.

Số 1 từ đất nện

Người Tây Ban Nha không chỉ có tennis mà đang làm mưa làm gió ở nhiều môn thể thao khác như bóng đá, bóng rổ, đua xe… Riêng trong tennis, sự phát triển vượt bậc của các tay vợt xứ bò tót khiến không ít các quốc gia khác nóng mặt. Ở Pháp, nơi được coi là cái nôi của mặt sân đất nện, người ta cũng đang nảy sinh lòng đố kị, bằng chứng là cách đây vài tháng kênh Canal+ đã phát một clip quảng cáo ám chỉ Rafael Nadal dùng doping. Nhân vật trong clip đó là hình nộm hoạt hình mô phỏng Rafa sau khi dùng… nước tiểu làm đầy bình xăng đã phóng xe vượt quá tốc độ và bị cảnh sát tóm. Riêng chuyện “ném đá” đó cộng thêm lời bình phẩm của Yannick Noah, tay vợt nam người Pháp duy nhất giành Roland Garros trong kỷ nguyên Mở vào năm 1983, cho rằng tất cả các tay vợt Tây Ban Nha đều dùng doping. Khỏi phải nói người Tây Ban Nha đã cảm thấy bị xúc phạm như thế nào và mối quan hệ giữa hai nền thể thao lớn của châu Âu vẫn còn đầy căng thẳng.

Bí quyết của các tay vợt xứ bò tót là khổ luyện

Hãy tạm gác lại cuộc tranh cãi đó và trở lại với thực tại, người ta nói các tay vợt Tây Ban Nha sinh ra trên mặt sân đất nện cũng có cái lý của nó. Câu trả lời không có gì đặc biệt, chẳng phải doping hay bất kỳ điều gì khác (không thì ITF đã phát hiện từ lâu!) mà tất cả chỉ là sự khổ công tập luyện. Đặc biệt hơn nữa, những tay vợt Tây Ban Nha cứ ra ngõ là đã thấy sân đất nện ở khắp mọi nơi. Và theo những kết quả nghiên cứu về kỹ chiến thuật của quần vợt thì mặt sân đất nện chính là nơi khởi đầu của bất kỳ tay vợt nào từ khi mới chập chững cầm vợt cho tới khi trưởng thành. Đặc tính sân đất nện với bóng nảy cao và chậm sẽ giúp ích rất nhiều cho các tay vợt di chuyển cứu bóng cũng như tự rèn luyện trong những pha đôi công dài hơi hơn hẳn những mặt sân cứng với bóng nảy nhanh và tình huống bóng cũng không diễn ra quá lâu. Những tay vợt Tây Ban Nha khi làm chủ mặt sân đất nện mới chuyển sang tập luyện ở những mặt sân khác và đó là một lý do để giải thích vì sao những tay vợt Tây Ban Nha luôn có sự dẻo dai và thể lực hơn người như vậy dù thi đấu trên mặt sân nào chăng nữa.

Đôi khi những ai xem tennis mà không phải là fan của Nadal cảm thấy bực mình khi “Vua đất nện” có những tình huống cò cưa mà chẳng dám dứt điểm và chờ đối phương mắc sai lầm (thế nên fan của Rafa gọi vui là Na “dai”) nhưng đó có thể là hình ảnh của sự bền bỉ, chính xác đã ăn vào máu của Nadal nói riêng và các tay vợt Tây Ban Nha nói chung. Ferrer, Verdasco, Lopez, Almagro đều có những tố chất như vậy với cách chơi nghiêng nhiều về phòng ngự. Huyền thoại người Mỹ John McEnroe từng nói: “Chơi tennis chuyển từ phòng ngự sang tấn công dễ hơn là làm ngược lại.” Rõ ràng là như vậy, một tay vợt đang trong thế phòng ngự trên mặt sân đất nện hoàn toàn có thể tấn công ngược trở lại bằng những ngón đòn mà chỉ có những chuyên gia trên mặt sân bụi đỏ mới có thể làm được. Phải chăng điều này cũng giải thích vì sao những tay vợt người Mỹ thiên về lối chơi tấn công nhanh lại khó khăn trong việc đăng quang tại Roland Garros cũng như mặt sân đất nện khác, ngay cả đó có là huyền thoại Pete Sampras?

Khi cả thế giới đang là “đất nện”

Ở Tây Ban Nha có những học viện tennis như thể lò “La Masia” CLB bóng đá Barcelona là Sanchez-Casal. Nơi đó không chỉ là nơi nuôi dưỡng ước mơ của những cậu bé Tây Ban Nha mà còn là điểm đến đầy hứa hẹn của những tay vợt từ khắp châu Âu. Andy Murray khi mới 15 tuổi đã lặn lội sang xứ bò tót để tầm sư học đạo trên mặt sân đất nện trong hơn 2 năm trời rồi mới trở thành nhà vô địch giải trẻ US Open 2004. Tay vợt nữ người Nga Svetlana Kuznetsova mất 10 năm rèn giũa ở Sanchez-Casal rồi sau này vô địch Roland Garros năm 2009 và trước đó là US Open 2004. Và cả những Martina Navratilova, Martina Hingis và Ana Ivanovic… cũng từng tập luyện tại đây. Nghĩa là rất nhiều tay vợt đã nhận ra rằng để trở thành tay vợt số 1 trên mọi mặt sân, bắt đầu hãy từ đất nện.

Murray cũng phải sang Tây Ban Nha để bắt đầu từ đất nện

Người Mỹ vẫn nổi tiếng trên những mặt sân cứng bóng nảy nhanh cũng đã phải tự tìm cho mình một loại mặt sân đất nện kiểu khác có màu xanh (Har-Tru). Sân Australian Open từ loại mặt sân Rebound Ace bóng nảy nhanh đã chuyển sang Plexicushion chậm hơn vào năm 2008. Wimbledon tuy là sân cỏ cũng đã thay đổi loại cỏ mới trên mặt sân mới vào năm 2002 khiến bóng nảy chậm hơn nhiều vào thời điểm cuối giải khi cỏ đã trụi. Vô hình trung, tất cả các mặt sân tại các giải Grand Slam đang chậm hơn và trở lại quĩ đạo xung quanh mặt sân đất nện.

Và mặt sân càng chậm, những người Tây Ban Nha lớn lên từ sân đất nện lại càng mạnh mẽ và linh hoạt hơn trên mọi loại sân. Rafael Nadal là một ví dụ điển hình, từ Roland Garros, “Vua đất nện” đã xưng vương ở tất cả mọi mặt sân theo thời gian.

Phong Lan | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục