Cựu “nữ hoàng” taekwondo Trần Hiếu Ngân: Chuyện chưa kể sau tấm huy chương Olympic

13:54 Thứ sáu 22/05/2015

(TinTheThao.com.vn) - Cho đến nay, Trần Hiếu Ngân vẫn đang là võ sĩ duy nhất mang về cho taekwondo Việt Nam tấm huy chương quý giá tại đấu trường Olympic.

Địa điểm mà Trần Hiếu Ngân hẹn tôi là một quán cà phê mô-tô khá phong cách trên đường Lê Đại Hành. Nó phản ánh đúng con người của cựu “nữ hoàng” taekwondo một thời: mạnh mẽ, cá tính và thẳng thắn. Rời xa sàn đấu đã 15 năm, Trần Hiếu Ngân hiện là bà mẹ hai con và bận bịu với công việc huấn luyện cho đội tuyển taekwondo TP. HCM.

* Sau tấm HCB Olympic Sydney chị gần như “biến mất” khỏi sàn đấu. Nhiều người đang tự hỏi trong quãng thời gian đó chị làm gì?

- Tôi lập gia đình, sinh con. Sau đó vẫn tiếp tục gắn bó với taekwondo nhưng trong vai trò một HLV tuyến năng khiếu. Đồng thời là thủ quỹ của Trung tâm đào tạo võ thuật TP. HCM.

* Đâu là yếu tố quan trọng nhất đưa chị đến với tấm HCB Olympic Sydney 2.000?

- Đó thật ra là thành quả của một quá trình rất dài, từ hoàn thiện tâm lý cho đến kỹ chiến thuật, chuyên môn. Để đạt được thành công thì sự nỗ lực, quyết tâm phải được đặt lên hàng đầu, còn may mắn chỉ là điều kiện đủ để có thành tích thôi.

Với cá nhân tôi ở thời điểm ấy thì giành suất dự Olympic cũng đã là một vinh dự rất lớn. Thế nên tôi không đặt quá nặng vấn đề thành tích. Việc bước vào cuộc thi với tâm lý thoải mái nhất và “biết người biết ta” đã giúp tôi làm nên chiến tích đó.

Trần Hiếu Ngân thời giành HCB tại Olympic Sydney 2.000. Ảnh: Internet.

* Chị có bao giờ tiếc vì mình không thể đoạt HCV?

- Đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao mình lại để thua Jung Jae Eun (VĐV giành HCV - PV) nữa. Tôi không thua về thể hình, lại càng không kém về kỹ thuật. Thậm chí đã từng thắng VĐV này năm 1998. Tôi tiếc là vì mình còn thiếu một cái gì đó để có thể bứt hẳn lên và giành thắng lợi. Đến giờ tôi vẫn chưa biết nó là gì.

* Cá nhân tôi và nhiều người hâm mộ vẫn tự hỏi tại sao chị lại giải nghệ khi mới 26 tuổi. Sao chị không lấy chiếc HCB Sydney 2.000 làm bước đệm để chinh phục những cột mốc mới, như chiếc HCV Olympics 2004 ở Athens chẳng hạn?

- Nói thẳng ra là tôi có thể đánh thêm hai ba kỳ SEA Games hay vài giải cấp châu lục nữa nếu muốn, không vấn đề gì. Nhưng tôi nghĩ đơn giản thế này, đôi khi dừng lại đúng lúc cũng là một cái hay. Tôi đã cống hiến và theo đuổi taekwondo trong suốt 8 năm trời, vinh quang lẫn thất bại không ít. Giải nghệ với tôi không phải là vấn đề gì đó quá to tát hay là quyết định gây sốc như nhiều người vẫn nghĩ đâu.

* Nói vậy là chị không hề tiếc nuối với quyết định đó?

- Không. Trước khi đi Olympic tôi đã tự nhủ với mình “Kỳ này thành công hay thất bại cũng nghỉ”. May mắn là năm đó tôi có huy chương mang về. Tôi xem đó là một cái kết đẹp cho sự nghiệp của mình.

* Thế tóm lại taekwondo với chị là gì?

- Nó không đơn thuần là một cuộc chơi, một cuộc chiến mà còn là một sự trải nghiệm. Từng đó thời gian là cả một quá trình trải nghiệm quý giá. Từ những chuyến du đấu, tập huấn xa nhà cho tới những chiến thắng, thất bại, mỗi giây phút đều có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời tôi.

* Sau 15 năm, chị nghĩ tấm HCB đã thay đổi cuộc sống của mình thế nào?

- Nhiều người cũng hỏi tôi câu hỏi y chang như bạn. Thật ra cuộc sống của tôi trước đó và sau này không khác nhau nhiều lắm. Có chăng là đi tàu về quê nhiều người nhận ra mình là Trần Hiếu Ngân ở Olympic thôi (cười).

Tôi nghĩ chiếc HCB là đáng quý nhưng không phải là thước đo đánh giá tất cả. Tôi nghĩ là mình giỏi nhưng còn nhiều đồng nghiệp, bạn bè khác còn giỏi hơn gấp nhiều lần. HCB Sydney 2.000 chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc sống của tôi. Nó là cơ sở để tôi có thể tiếp tục làm nghề trên cương vị HLV. Còn khi “lấn sân” sang làm văn phòng tôi cũng phải tự mò mẫm học hỏi như bao nhiêu người khác. Tôi tâm niệm chiếc HCB là món quà mình đáp lại công ơn dạy dỗ của các thầy, chứ chưa bao giờ lấy đó làm bàn đạp để thay đổi bất cứ điều gì cả.

Hiện tại Trần Hiếu Ngân đã chuyển sang công tác huấn luyện. Ảnh: Internet.

* Tôi thấy có một thực trạng đáng buồn là nhiều gia đình có con em có cả năng khiếu lẫn đam mê với taekwondo nhưng họ chỉ cho con cái theo đuổi ở một mức độ nhất định. Tức đạt huy chương cấp quận, cấp thành rồi sau đó vẫn phải quay trở lại với việc học văn hóa chứ không mặn mà lên tuyển. Theo chị thì nguyên nhân do đâu?

- Vấn đề nằm ở đầu ra và đó là thực trạng của hầu hết các môn thể thao chứ không riêng gì taekwondo. Nhiều gia đình có điều kiện, thương con thì sẵn sàng cho con theo thể thao nhưng chỉ là một hay một vài năm thôi. Thật ra các bậc phụ huynh thường nhìn xa trông rộng và cũng có cái lý của họ. Nói chung ở Việt Nam nhiều người không xem thể thao là một cái “nghề” để có thể “sống chết” với nó.

* Nhiều trường Đại học ở Mỹ sẵn sàng cấp học bổng toàn phần cho các tài năng thể thao, tạo điều kiện để VĐV học tập và thi đấu trong điều kiện tốt nhất. Ở Hàn Quốc lại có hẳn một khoản gọi là “trợ cấp trọn đời” cho những VĐV có huy chương ASIAD, Olympic. Theo chị đó có phải là thiệt thòi của những VĐV thể thao thành tích cao ở Việt Nam?

- Mọi sự so sánh đa phần đều khập khiễng. Đời VĐV ngắn lắm, sự nghiệp thể thao chỉ là một chặng đường nhất định nào đó thôi. Hầu hết các VĐV đều mong muốn có một nghề nghiệp ổn định để làm sau khi giải nghệ để có thể yên tâm sống hết mình với nghề.

Vì bạn hỏi câu này nên tôi có một câu chuyện khá thú vị. Trong một lần sang Hàn Quốc, tôi tình cờ gặp lại người đánh bại mình ở Olympic Sydney 2000. Cô ấy hỏi một câu khiến tôi bất ngờ: “Giờ Ngân thành đại gia rồi đúng không?”. Tôi trả lời là cuộc sống của tôi vẫn rất bình thường và tôi vui với điều đó. Bởi suy cho cùng được làm rạng danh tổ quốc đã là vinh dự quá lớn rồi.

Đằng sau sự nghiệp thể thao tôi cũng như bao người khác, cũng phải học hỏi từng chút một khi trở về cuộc sống thường nhật. Tôi làm văn phòng thì không thể nào mang tấm HCB ra để nói chuyện với mớ sổ sách được.

Nghĩ lại đôi lúc tôi cũng thấy chạnh lòng so với nhiều đồng nghiệp quốc tế. Rồi bạn bè đồng trang lứa có người bỏ xa mình lắm rồi. Nhưng hỏi tôi có hối hận không thì câu trả lời dứt khoát là “Không”. Ai cũng có một con đường của riêng mình, tôi tự nguyện theo thể thao và dấn thân hết mình với nó nên không có gì phải hối hận.

* Vừa làm công việc văn phòng, lại bận bịu với công việc huấn luyện tuyến trẻ. Chị làm cách nào để vun vén tổ ấm riêng của mình?

- May mắn là gia đình luôn ở bên và chia sẻ với tôi ở mọi thời điểm. Ngoài giờ làm văn phòng và huấn luyện thì tôi vẫn lo nội trợ như bao phụ nữ khác thôi.

* Chị có định hướng cho các con mình theo taekwondo không?

- Hai con tôi chơi rất nhiều môn thể thao từ bơi lội, bóng đá và cả taekwondo. Song tôi không hướng các bé phải theo bất cứ sự sắp đặt nào cả. Tất cả tùy thuộc vào đam mê của tụi nhỏ. Thậm chí nếu chúng có đam mê, năng khiếu và muốn theo taekwondo thì tôi sẵn sàng đồng ý.

* Ở tuổi 40, mong muốn lớn nhất lúc này của chị là gì?

- Từng đó thời gian gắn bó với thể thao, vui buồn gì có đủ rồi. Tôi chỉ mong một cuộc sống bình thường, dung dị và tổ ấm luôn tràn ngập tiếng cười.

Trong huấn luyện, tôi hy vọng sẽ tìm kiếm được những bạn trẻ thật sự có tài và đam mê với taekwondo. Mong mỏi lớn nhất của tôi vẫn là một ngày nào đó thể thao Việt Nam có HCV ở sân chơi này.

Vài nét về nhân vật

Trần Hiếu Ngân sinh năm 1974 trong gia đình không có truyền thống thể thao tại tỉnh Phú Yên. Vốn là người suy nghĩ tích cực nên dù mãi tới năm 14 tuổi mới tập taekwondo nhưng cô thừa nhận mình không gặp quá nhiều trở ngại. “Khi đã yêu và đam mê hết mình với một cái gì đó rồi thì không có gì là trở ngại cả. Bản thân tôi ngoài việc tập luyện vất vả đã không ít lần phải đối diện với chấn thương, thậm chí là rất nặng nhưng chưa bao giờ cho phép mình đầu hàng số phận”.

Trong sự nghiệp Trần Hiếu Ngân đã mang không ít vinh quang về cho thể thao Việt Nam. Điển hình là HCV SEA Games 18 (1995), HCB châu Á, HCV Đông Nam Á (1996), HCĐ SEA Games 19 (1997), HCV châu Á, HCĐ Asian Games 1998, HCB SEA Games 20, Hạng nhất vòng loại Olympic-Khu vực Châu Á (1999)…

Ngày 28/9/2000, Trần Hiếu Ngân giành chiếc HCB nội dung đối kháng, hạng cân 57kg tại Olympic Sydney, trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên có huy chương ở đấu trường này.

Với những đóng góp cho thể thao Việt Nam nói chung và taekwondo nói riêng, Trần Hiếu Ngân được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2000.

Nam Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục