Sự cố "8 VĐV Cầu Lông bị loại": Dàn xếp tỉ số hay bán độ?

14:45 Thứ bảy 11/08/2012

Mọi người đã biết việc 8 tay vợt cầu lông bị loại khỏi Olympic London 2012 vì ai cũng muốn... thua, hòng tránh gặp đối thủ mạnh ở vòng kế tiếp trong nội dung đôi nữ. Thật ra, đấy không hề là scandal “dàn xếp tỷ số”, theo nghĩa “bán độ”. Chẳng qua, họ đều muốn thua để “né” đối thủ mạnh ở vòng kế tiếp.

Điều đáng nhấn mạnh ở đây là ngay cả khi muốn thua cũng chưa chắc đã được thua (vì đối phương cũng muốn thua, nghĩa là các bên đều cố tranh nhau thua). Chuyện này chắc chắn không liên quan gì đến ngành cá cược thể thao tại Olympic.

Trong thể thao đỉnh cao, ai cũng có quyền “tự thua”, nếu thấy đấy là kết quả có lợi cho mình. Giải đấu càng lớn, quy mô càng cao, thì càng chặt chẽ về mặt luật lệ, theo nguyên tắc điều gì không cấm thì được phép làm. Thế nên, luôn có những trường hợp bỏ cuộc, không cần biết lý do, ở bất cứ giải thể thao lớn nào.

Sự việc vừa qua trong môn cầu lông tại Olympic chỉ khác biệt ở chỗ các VĐV đã quá xem thường khán giả, khi họ cứ thay nhau giao cầu vào lưới để tự thua. IOC mà không phạt nặng thì không ổn. Nếu muốn thua, chỉ cần một VĐV tự ký biên bản bỏ cuộc, hoặc cố ý đến nhà thi đấu trễ khoảng vài phút là xong. Đâu có gì ầm ĩ!

Điều đáng nói ở đây là BTC Olympic có đủ chứng lý để phạt các tay vợt cố thua hay không. Ở bất cứ đấu trường nào khác, các VĐV cảm thấy bị phạt oan (nghĩa là không có cơ sở để phạt, chứ chẳng phải họ có tội hay không), đều có thể kiện ban tổ chức ra tòa án thể thao quốc tế (CAS). Tại đấy, dù là FIFA đi nữa mà nếu đuối lý thì cũng phải rút lại hình phạt, hoặc nếu không có điều kiện sửa sai thì phải bồi thường cho VĐV.

Nhưng đây là Olympic. Thứ nhất, luôn có thủ tục “tuyên thệ”, rằng phải thi đấu hết mình, trung thực, và tuyệt đối tuân thủ quyết định của trọng tài, trong lễ khai mạc Olympic. Cứ tưởng đấy chỉ là hình thức, hóa ra bây giờ lại có tác dụng. Mặt khác, Olympic vẫn luôn giữ vững tôn chỉ “nghiệp dư”.

Đấu trường này không nhận quảng cáo, không thưởng tiền cho người chiến thắng, không khuyến khích bất cứ hành động nào liên quan đến tiền bạc, thậm chí còn nghiêm cấm những người tham dự đề cập đến nhà tài trợ của mình trên mặt báo (như một cách quảng cáo khéo léo).

Vì Olympic là “phi lợi nhuận” nên nếu các VĐV có thấy oan ức và kiện ra CAS đi nữa, họ vẫn không có hy vọng sẽ được bồi thường về mặt vật chất (cùng lắm chỉ là bồi thường... danh dự). Thế nên, sẽ chẳng có ai kiện IOC.

Trong scandal “cầu lông” vừa qua, chỗ tồi tệ nhất thuộc về chính những nhà tổ chức trong môn cầu lông. Khi người ta phải cố “đánh để thua” mới có hy vọng tiến xa, thì đấy rõ ràng là một giải kém cỏi về mặt điều lệ, thiếu khoa học và cũng không có khả năng kiểm chứng những điều có thể xảy ra trên thực tế.

Phương Quyên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục