SEA Games và mối tình xuyên thế kỷ của người phiên dịch

12:51 Thứ bảy 07/12/2013

Chờ đợi nhau hơn 30 năm, chàng trai Việt Nam tóc đã hoa râm còn cô gái Triều Tiên gần lên chức bà. Trải qua thời gian giài đằng đẵng họ đã đến với nhau bằng một đám cưới nhỏ đẫm nước mắt. Đó là đám cưới của ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Huib - công dân Triều Tiên - hơn 10 năm trước. Ngày 13.12 tới đây là tròn 11 năm ngày cưới của họ. Ông Phạm Ngọc Cảnh bây giờ làm nhiệm vụ mới tại đoàn TTVN dự SEA Games sắp tới: Phiên dịch viên cho đội tuyển vật.

Mối tình đặc biệt

Ông Cảnh - dân thể thao Hà Nội hay gọi là ông Cảnh xe đạp đơn giản là vì gần 20 năm ông Cảnh gắn với xe đạp Hà Nội. Lúc đầu là Chủ nhiệm CLB mô tô Hà Nội chuyên có nhiệm vụ “dọn đường” ở các cuộc đua xe đạp. Sau đó, ông Cảnh lại làm chủ nhiệm CLB mô tô - xe đạp Hà Nội góp công lớn trong việc đào tạo ra những VĐV đua xe đạp giỏi của Hà Nội. Đặc biệt SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, xe đạp Việt Nam đoạt tới 7 HCV thì “quân ông Cảnh” có 4 HCV.

Thỉnh thoảng lại thấy ông Cảnh phóng Sidecar Ural (xe 3 bánh của Nga) vè vè. Nhưng hình ảnh cảm động nhất lại là ông Cảnh xe đạp chở vợ mình, bà Ri Yong Hui rong ruổi trên phố Hà Nội bằng chiếc Peugeot 103 trong mùa đông se lạnh.

Câu chuyện Ngọc Cảnh - Ri Yong Hui khiến nhiều người rơi nước mắt.

Hơn 45 năm trước, chàng trai Phạm Ngọc Cảnh 18 tuổi, được Nhà nước tuyển chọn sang học ngành cơ khí Hóa tại CHDCND Triều Tiên. Đợt này đi cũng có một người nổi tiếng sau này là nhạc sĩ Thanh Tùng. Sau 4 năm học, Phạm Ngọc Cảnh được đưa về nhà máy phân đạm Hưng Nam (phía đông thủ đô Bình Nhưỡng).

Đám cưới của ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Huib.

Tại đó, Phạm Ngọc Cảnh và cô công nhân Ri Yong Hui đem lòng yêu nhau. Ri Yong Hui hơn Cảnh 1 tuổi nhưng điều ấy không quan trọng, quan trọng là chuyện tình ấy bị cấm, dư luận cũng không ủng hộ. Chỉ có Cảnh, Hui và người mẹ của Ri Yong Hui hiểu chuyện.

Nhưng 2 năm sau, năm 1973, Phạm Ngọc Cảnh phải về nước. Cảnh đi, Ri Yong Hui ở lại gần như kiệt quệ về tinh thần và thể xác. Cô ốm ròng mấy tháng cho đến khi những cánh thư nhỏ tìm đến, dưới một cái tên con gái, gửi cho mẹ Ri Yong Hui. Đó là những lá thư của Cảnh, anh buộc phải làm thế.

Năm 1978, Phạm Ngọc Cảnh lại có dịp sang Triều Tiên để học về sản xuất thuốc trừ cỏ. Khoảng thời gian 3 tháng đối với họ như tích tắc. Cảnh lại phải về nước và anh quyết tâm cưới Hui. Còn Hui, cô chỉ nói: “Anh cứ về nước, em sẽ mãi đợi anh”.

Biết vậy nhưng Phạm Ngọc Cảnh biết khả năng anh gặp lại Hui cực kỳ khó khăn, nếu như không nói là không thể. Đến năm 1992 thì bặt tin, Cảnh có nghe Hui lấy chồng, có người bảo cô đã chết nhưng anh không tin.

Giữa những năm 90, Phạm Ngọc Cảnh rời ngành hóa mà sang Sở TDTT Hà Nội làm việc. Chuyện là thời điểm ấy, Sở TDTT Hà Nội có mời một nhóm chuyên gia Triều Tiên sang huấn luyện võ thuật, Phạm Ngọc Cảnh nhận lời làm phiên dịch một phần vì yêu thể thao, phần vì hy vọng thông qua việc này có cơ hội lại sang Triều Tiên tìm người yêu.

Cho tới tận năm 2002 khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi đó là ông Nguyễn Di Niên sang CHDCND Triều Tiên, Phạm Ngọc Cảnh viết một lá thư nhờ lãnh đạo can thiệp, giúp đỡ.

Không ngờ một thời gian ngắn sau Phạm Ngọc Cảnh nhận được Phê chuẩn kết hôn của Uỷ ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao nước CHDCND Triều Tiên, cho phép anh lấy… Ri Yong Hui.

Niềm vui đến bất ngờ, Phạm Ngọc Cảnh lên đường sang Bình Nhưỡng. 24 năm sau ngày gặp nhau cuối cùng, Phạm Ngọc Cảnh gặp được Ri Yong Hui. Ngày 13.12.2002 họ làm lễ cưới, chủ hôn là Giám đốc sở TDTT Hoàng Vĩnh Giang, còn Ri Yong Hui có tên Việt Nam là… Lý Vĩnh Hy.

Gắn kết Việt Nam - Triều Tiên

Sau khi kết hôn, Ri Yong Hui ở tại Hà Nội, cô - lúc này đã hơn 60 tuổi thỉnh thoảng làm giáo viên dạy tiếng Hàn ở Hà Nội còn Phạm Ngọc Cảnh thì tiếp tục niềm đam mê xe đạp của anh.

Ở SEA Games tới, Phạm Ngọc Cảnh có tên trong danh sách đoàn TTVN sang Myanmar. Tháng 5.2012, đội tuyển vật Việt Nam có chuyên gia từ CHDCND Triều Tiên. Đó là hai chuyên gia được phía bạn cử sang là Ri Ho Jun và Peak Myong Il để cùng các HLV Việt Nam chuẩn bị cho các đô vật Việt Nam, đặc biệt là Nguyễn Thị Lụa có thành tích ở Olympic Bắc Kinh.

Phạm Ngọc Cảnh với vốn ngoại ngữ và tình yêu Triều Tiên có một không hai của mình lại làm nhiệm vụ, trở thành phiên dịch viên. Những chuyên gia Triều Tiên trở thành bạn của Phạm Ngọc Cảnh và cũng là những người bạn của Ri Ho Jun để cho bà bớt nhớ nhà.

Từ một kỹ sư hóa chất rồi trở thành phiên dịch viên, chủ nhiệm đội mô tô - xe đạp Hà Nội và bây giờ là trợ lý ngôn ngữ cho đội tuyển vật. Hôm rồi hỏi Phạm Ngọc Cảnh, anh chỉ cười, rồi nói: “Yên tâm, vật năm nay sẽ cứ là mỏ vàng” rồi ung dung… đạp xe đi khuất.
Thành An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục