Quần vợt nam đang thăng hoa

09:13 Thứ hai 20/02/2012

Tại Giải Úc mở rộng năm nay, người ta đã chứng kiến sự hiện diện của 4 tay vợt dẫn đầu bảng xếp hạng của ATP ở vòng bán kết và kế đến là trận chung kết dài nhất trong lịch sử Grand Slam (5 giờ 53 phút). Những điều như vậy dẫn đến một nhận xét: quần vợt nam thế giới đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất của lịch sử môn thể thao này.

Rafael Nadal (trái) và Novak Djokovic cùng với Federer nâng cao tầm vóc của quần vợt nam thế giới

Cơ sở để đánh giá quần vợt nam thế giới đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất là sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa 3 tay vợt đang chiếm giữ tổng cộng 31 chức vô địch Grand Slam, sự kiện Andy Murray rất mạnh nhưng chưa lần nào chiến thắng ở Grand Slam và đẳng cấp rất cao của những trận đấu giữa các tay vợt này.

Ba tay vợt mạnh cùng hiện diện

Trong lịch sử quần vợt nam, chưa bao giờ có 3 nhà vô địch lớn cùng hiện diện và cạnh tranh nhau trong một thời gian dài như hiện nay. Đó là Roger Federer (16 lần vô địch Grand Slam), Rafael Nadal (10 lần) và Djokovic (5 lần). Nếu tính từ năm 2005, khi Nadal đoạt chức vô địch Grand Slam đầu tiên (ở Roland Garros) cho đến nay, 3 tay vợt này đã đoạt 27 chức vô địch trong 28 giải Grand Slam. Chỉ có một giải lọt vào tay “người ngoài” là Del Potro với chức vô địch Giải Mỹ mở rộng 2009. Khi Connors và Borg cùng thống trị làng quần vợt thế giới, McEnroe chưa nổi lên. Khi tay vợt Mỹ này thành danh, Borg sắp kết thúc sự nghiệp. Trong khoảng thời gian từ 1978 - khi McEnroe bắt đầu tỏa sáng bằng chiến thắng ở Masters Cup - đến 1982, năm cuối cùng trong sự nghiệp của Borg, hai tay vợt này cùng với Connors đoạt tổng cộng 14 chức vô địch Grand Slam (7 cho Borg, 4 cho McEnroe và 3 cho Connors). Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, từ 1985 đến 1989, khi 4 tay vợt Lendl, Wilander, Becker và Edberg cùng tỏa sáng, họ đoạt tổng cộng 17 chức vô địch Grand Slam.

Mạnh như Murray mà không chen chân được

Nếu tính số trận chung kết và bán kết mà Murray tham dự, tay vợt người Scotland này là người mạnh nhất trong quần vợt hiện đại mà chưa lần nào đoạt được chức vô địch Grand Slam. Murray có đẳng cấp hơn hẳn các tay vợt như Todd Martin, Nalbandian, Corretja, Soderling, Tsonga... Anh 3 lần lọt vào trận chung kết Grand Slam, nhưng đều thua (thua Federer ở Giải Mỹ mở rộng 2008, lần lượt thua Federer và Djokovic ở Giải Úc mở rộng 2010 và 2011). Nhiều người cho rằng Murray còn giàu tài năng hơn cả Nadal và Djokovic. Anh cũng có thể lực dồi dào như 2 tay vợt này. Tuy nhiên, Murray vẫn thiếu một yếu tố quyết định nào đó để có thể chiến thắng ở Grand Slam. Yếu tố đó có thể thuộc về phương diện tâm lý. Murray đã 4 lần thắng Djokovic và 8 lần đánh bại Federer, nhưng chưa lần nào thắng 2 tay vợt này ở Grand Slam. Tuy nhiên, điều này cũng có thể thay đổi, tương tự sự thay đổi của Djokovic trong gần hai năm nay. Cựu VĐV Wilander thường nói: “Tôi không tưởng tượng được rằng khi gặp Murray trong 20 năm nữa mà anh ấy vẫn không có chức vô địch Grand Slam nào”.

Chưa bao giờ đẳng cấp của các tay vợt cao như hiện nay

Patrice Dominguez - cựu giám đốc kỹ thuật của LĐQV Pháp - cho biết, điều gây ấn tượng nhất là nỗ lực của các tay vợt hàng đầu hiện nay cứ tăng lên sau từng trận đấu. Ông nói: “Mỗi lần xem họ thi đấu, tôi có cảm tưởng như họ đã cố gắng tối đa về thể lực, về tốc độ di chuyển và về tốc độ của quả bóng. Tuy nhiên, ở Grand Slam tiếp theo, họ lại đẩy giới hạn của mình xa hơn. Khi xem trận Federer - Djokovic ở Roland Garros, tôi tự nhủ họ không thể nào chơi nhanh hơn thế nữa. Tuy nhiên, ở Giải Mỹ mở rộng, trận Djokovic gặp Federer ở vòng bán kết, rồi gặp Nadal ở chung kết, tốc độ của trận đấu còn cao hơn nữa... Điều này tương tự 3 VĐV điền kinh hay 3 VĐV bơi lội thi nhau lập kỷ lục thế giới mỗi lần họ tranh tài với nhau”. Điều quan trọng nhất, đẳng cấp rất cao của những tay vợt này lôi kéo các tay vợt khác nỗ lực nâng cao đẳng cấp của họ. Nhờ vậy, đẳng cấp nói chung của quần vợt nam được nâng cao đến mức chưa từng có trước đây.

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục