Nguy cơ V.League 2013 tạm dừng: Những lâu đài cát

10:28 Thứ hai 27/08/2012

Những gì mà bóng đá Việt Nam đã xây dựng nhiều năm qua giống như một lâu đài bằng cát và có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào khi gặp một cơn sóng nhỏ, huống hồ hiện tại, cơn sóng ấy không hề nhỏ chút nào. Tương lại, vận mệnh của các CLB đang bị đặt dấu hỏi, thậm chí, khả năng V.League 2013 sẽ phải tạm dừng không phải không có. Trong hoàn cảnh có thể nói đã ở mức “báo động đỏ” như thế thì vai trò của cơ quan đứng đầu nền bóng đá là VFF rất lớn, nhưng xem ra với những gì VFF đã và đang làm thì quả là một công việc quá sức với họ.

Ảnh: Dư Hải

Sẽ có bao nhiêu ông bầu bỏ bóng đá?

Tại cuộc gặp gỡ, tiếp xúc báo chí vào cuối tháng 7, ông Nguyễn Đức Kiên (PCT VPF lúc ấy) đã tiết lộ có ít nhất 3 ông bầu muốn bỏ bóng đá vì họ không còn tiền lẫn tham vọng gắn bó với môn này, ông Kiên cũng nói ông phải vận động hành lang cùng những hứa hẹn giúp đỡ thì các ông bầu mới gật đầu tiếp tục. Một trong số đó là trường hợp ông Kiên đã giới thiệu Ngân hàng Sacombank (nơi ông có cổ phần) chi 5 tỷ đồng để cứu CLB TP Hồ Chí Minh. Nhưng rồi mọi thứ cũng chỉ như “muối bỏ bể”, CLB này bây giờ cũng đã tan rã. Ông Kiên lúc này cũng rơi vào vòng lao lý, “lỗ hổng” mà ông bầu này bỏ lại chắc chắn là không nhỏ, trong đó không chỉ riêng việc ảnh hưởng đến tương lai của 2 CLB Hà Nội mà nó có thể gây phản ứng dây chuyền khiến nhiều ông bầu vốn đã có ý định bỏ bóng đá giờ càng thêm củng cố quyết định trên.

Chuyện 2 CLB Hà Nội sẽ đi đâu, về đâu vẫn là một vấn đề nan giải. Khả năng phải “giải thể” là cực lớn, mà khi đó số phận của các cầu thủ cũng bấp bênh theo. Ngoài số phận hai đội bóng này, thì trường hợp của Naviabank Sài Gòn cũng tương tự. Ngân hàng Nam Việt đã gần như chắc chắn sẽ từ bỏ bóng đá. Như vậy, tới 90% có ít nhất 2 đội bóng sẽ không thể chơi ở V.League mùa giải sang năm nếu như không có ông bầu nào đứng ra để “đỡ đầu” cho các đội bóng này.

Các CLB có chủ sở là doanh nghiệp đã thế, các đội bóng khác cũng cực kỳ khó khăn khi các nhà tài trợ hoặc bỏ ra đi, hoặc cắt giảm chi phí. Hơn một nửa các CLB V.League lúc này đang sống nhờ tiền từ các Ngân hàng và chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn các Ngân hàng đang “thắt chặt tiền tệ” như hiện nay. Đó cũng là lý do, dù một loạt những cầu thủ đang “đứng đường” vẫn chưa thấy đội bóng nào lên kế hoạch “tậu về”.

CĐV Sài Gòn XT - Ảnh: Dư Hải

Dấu hỏi cho tương lai VPF

Ngay sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, VFF đã bắt đầu có những “đòn hồi mã thương” đối với VPF, mà việc ông Hỷ mới nhất yêu cầu rà soát lại hoạt động của VPF cũng như lên tiếng yêu cầu các ông bầu rời khỏi tổ chức này cho thấy những mâu thuẫn giữa VFF và VPF trước đó vốn tưởng chừng đã hạ màn giờ lại có khả năng bắt đầu trở lại theo một hướng mới. Có thể nói, VPF đã điều hành V.League 2012 trong năm đầu tiên cán đích một cách khá an toàn và đạt được hiệu ứng đáng kể với người hâm mộ, sự kiện VPF hợp tác với Giải bóng đá chuyên nghiệp của Nhật nâng cao uy tín của tổ chức này. Thế nhưng, việc người “sáng lập viên” đã rơi vào vòng lao lý trở thành cú “sốc” không nhỏ, dù những người trong tổ chức này có khẳng định không ảnh hưởng đến hoạt động của VPF đi chăng nữa. Vấn đề chính bây giờ là liệu những người còn lại của VPF có đủ tâm huyết để cáng đáng “lỗ hổng” của ông Kiên để lại, và liệu VFF sẽ đối xử với VPF như thế nào. Tất cả đều sẽ khiến cho vận mệnh của bóng đá nước nhà xoay chuyển theo những hướng rẽ khác nhau. Mà quan trọng hơn, thời gian để giải quyết tất cả những khúc mắc trên không phải trong một sớm, một chiều.

Rắc rối vụ bầu Hiển

Chưa bao giờ làn sóng dư luận phản đối chuyện bầu Hiển sở hữu nhiều đội bóng lại lên cao trào như lúc này dù những năm trước đó cũng đã có không ít lời ra tiếng vào. Việc CLB Hà Nội của ông Hiển được lên hạng và sắp tới chuyển giao cũng khiến khả năng ông sở hữu tới 3 đội bóng, hoặc chí ít mang “ân tình” của ông đã đẩy các đội bóng khác vào thế bất mãn thực sự. Đã có không ít ông chủ đội bóng chính thức lên tiếng yêu cầu VFF phải làm “cho ra nhẽ” nếu không họ sẽ không chơi V.League nữa. Đấy là điều đáng lo ngại, khiến VFF rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Sự chẳng đành, VFF đã buộc phải bỏ đi lòng tự trọng cũng như sĩ diện để cầu cứu đến AFC tư vấn. Rõ ràng, việc này sẽ khiến uy tín về khả năng quản lý của VFF đối với AFC giảm sút đi đáng kể nhưng VFF buộc phải dung hạ sách này cho thấy sự khó xử của cơ quan này với tình hình hiện tại lớn như thế nào.
Tuy vậy, nếu phái đoàn của AFC để tư vấn thì dù cách giải quyết như thế nào cũng ảnh hưởng đến mùa giải tới, bởi nếu không cho ông Hiển tiếp tục đầu tư thì lại khiến tương lai các đội bóng ông đang sở hữu rơi vào ngõ cụt, còn nếu “thỏa hiệp” thì các đội bóng khác sẽ phản ứng mạnh không kém.

Bóng đá Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng thực sự, mà nguyên nhân chính là sự thụ động về quản lý kinh tế lẫn con người từ các CLB đến VFF. Chúng ta đã xây dựng nền bóng đá bằng những lâu đài bằng cát, và bây giờ khi có “sóng lớn” khó có thể đứng vững cho được.

Hàng trăm cầu thủ vẫn chưa biết tương lai

Việc các ông bầu tỏ vẻ chán bóng đá, cũng như các nhà tài trợ hoặc bỏ hoặc cắt giảm chi phí đã khiến cho tương lai của hàng trăm cầu thủ đang chơi ở V.League lẫn hạng Nhất bấp bênh, một điều khá trái ngược với những mùa giải trước khi chưa kết thúc giải các cầu thủ đã bắt đầu rung rinh mặc cả để kiếm tiền lót tay.

Tính đến nay, ngoài gần 100 cầu thủ của các CLB bóng đá Hà Nội, trẻ Hà Nội, Navibank Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa biết sẽ ra sao. Thì hàng loạt các cầu thủ của các đội bóng khác vẫn chưa được CLB sở hữu gia hạn hợp đồng. Ở Sài Gòn XT quá phân nửa sẽ phải “ra đường” khi mùa giải kết thúc, trong khi đó đội bóng mới xuống hạng cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Tương lai các cầu thủ của đội mới lên hạng CLB Hà Nội của bầu Hiển cũng như đội mà họ chuyển giao cho là Hải Phòng cũng vẫn bị “mắc kẹt”. Các cầu thủ CLB Hà Nội thì yêu cầu được ở lại đội, trong khi phía Hải Phòng chỉ muốn giữ lại 10 cầu thủ theo quy chế, cộng với quân số hiện tại của đội V.Hải Phòng. Việc chuyển giao giữa hai đội bóng này sẽ khiến cho rất nhiều cầu thủ buộc phải “ra đường” là điều thấy rõ giống như trường hợp Thanh Hóa mua lại Thể Công trước đây.

Hầu hết các đội bóng khác ở V.League vẫn chưa có động thái gia hạn hợp đồng với các cầu thủ của mình, trong khí đó hàng loạt các ngoại binh cũng đã bị thanh lý.

Eximbank liệu có gắn bó với V.League 2013?

Đây là vấn đề mà dư luận đang quan tâm lẫn hồ nghi khi những động thái từ khủng hoảng kinh tế nhất trong lĩnh vực Ngân hàng đang trực tiếp ảnh hưởng đến bóng đá Việt Nam. Khả năng liệu Eximbank có tiếp tục gắn bó V.League nữa hay không cũng sẽ quyết định đến chuyện giải đấu có thể tiếp tục diễn ra theo đúng kế hoạch hay không?

Lê Thương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục