“Người quen” ở các Liên đoàn thể thao

14:07 Thứ hai 24/12/2012

Dù đã đặt ra vô số vấn đề khá “nặng ký”, như giải quyết các tồn đọng của nhiệm kỳ cũ, đưa nhân sự trẻ vào Ban chấp hành (BCH) mới và định ra một loạt chiến lược để đưa bóng bàn Việt Nam trở lại sau một quá trình sa sút, tuy nhiên, với kết quả bầu của Đại hội Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nhiệm kỳ 5 vừa công bố, vị trí được kỳ vọng thay đổi nhất là Tổng thư ký vẫn không thay đổi khi ông Phạm Đức Thành lần nữa tái đắc cử. Chưa hết, chẳng biết dựa trên cơ sở nào mà BCH có đến 35 thành viên, gần gấp đôi thành viên của LĐBĐ Việt Nam, một tổ chức có quy mô lớn hơn nhiều.

Có đến 35 thành viên nhưng chưa chắc BCH liên đoàn Bóng bàn Việt Nam hoạt động hiệu quả. Ảnh: Nga Nguyễn

Thực tế, dù đã vận động khắp nơi nhưng bóng bàn Việt Nam không thể tìm được người mới, đặc biệt là các nhân vật ngoài xã hội nên bộ máy nhiệm kỳ 5 vẫn có đa số thành viên đến từ cơ quan quản lý nhà nước. Ngay chức danh chủ tịch, vận động mãi ông Trần Gia Thái, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội mới nhận lời.

Tình hình của bóng bàn là tình hình chung của các liên đoàn thể thao. Như ở môn quần vợt, một môn tưởng chừng dễ dàng xã hội hóa cũng gặp vô vàn rắc rối. Hội nghị thường niên năm 2012 đã phải dời tới, dời lui mấy lần mới tổ chức được. Vậy nhưng khi tổ chức lại tập trung “cãi nhau” giữa người của liên đoàn và các ủy viên thuộc cơ quan quản lý cử sang kiêm nhiệm công tác. Các liên đoàn khác như bóng chuyền, cầu lông cũng có cùng vấn đề tương tự: Thành phần từ xã hội tham gia khá hạn chế, mâu thuẫn giữa những thành viên này với các thành viên thuộc nhà nước luôn gay gắt và kết quả thường là “người ngoài xã hội” rút lui giữa chừng.

Tiêu biểu nhất chính là bóng đá. Từ một liên đoàn đi đầu trong công tác xã hội hóa nhân sự, đến nay VFF càng giống “cánh tay nối dài” của Tổng cục TDTT. Nhiều khả năng, chủ tịch mới của VFF lại là “người của Tổng cục” khi ông Phạm Văn Tuấn, tổng cục phó, vừa được bầu làm phó chủ tịch VFF.

Một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay, các liên đoàn đều bế tắc trong công tác chuẩn bị nhân sự cho các kỳ đại hội khi đa số những người có uy tín hoặc tiềm lực kinh tế đều lắc đầu từ chối. Lý do khá đơn giản, họ ngại đụng chạm với “người của Tổng cục” mà gần như thông lệ, luôn được “cài cắm” ở các vị trí chủ chốt trong bộ phận điều hành như tổng thư ký, phó chủ tịch chuyên môn. Những người ngoài xã hội nếu được mời cũng chẳng qua để giải quyết khâu tài chính, tài trợ chứ chưa chắc có thực quyền trong hoạt động của các liên đoàn. Vai trò xã hội vì thế càng kém đi.

Không khó để nhận thấy, những môn thể thao đang có thành tích tốt hiện nay đều được nhà nước “bao cấp” trong khi các liên đoàn dần trở nên kém hiệu quả về hoạt động khi mà “chỉ có bấy nhiêu” người muốn tham gia đóng góp cho thể thao Việt Nam.

Từ nhiều liên đoàn làm việc rất hiệu quả, đến nay, hàng loạt môn thể thao vốn được xã hội hóa khá sớm đều thất bại về mặt thành tích. Ở môn bóng bàn, sau khi tay vợt Đoàn Kiến Quốc nghỉ thi đấu, không còn ai thay thế và vị trí của bóng bàn nam Việt Nam hiện chỉ đứng hạng 3 - 4 trong khu vực Đông Nam Á. Mới đây còn xảy ra chuyện ẩu đả giữa thành viên đội tuyển ở giải Đông Nam Á. Ở môn bóng chuyền, dù đa số các CLB đều trực thuộc doanh nghiệp nhưng thành tích của đội tuyển quốc gia sa sút mạnh. Các giải đấu trong nước không còn sôi động như trước. Ở môn quần vợt, đa số các tay vợt đều chuyển sang thi đấu quốc tế dưới dạng tự thân vận động, trong khi uy tín và trình độ tổ chức các giải nội địa không còn thu hút người xem. Riêng môn cầu lông hiện nay, ngoài Tiến Minh, gần như không còn tay vợt nào đủ sức chơi quốc tế.

Đăng Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục