Muor Marial – chàng nô lệ chạy vì khát vọng tự do

15:16 Thứ sáu 17/08/2012

Không phải ai trong số họ cũng giành được những tấm Huy chương danh giá của Thế vận hội. Nhưng khi Carol Huỳnh, Oscar Pistorius, Guor Marial hay Sarah Atta bước ra đấu trường, họ đã mặc nhiên trở thành thần tượng được ngưỡng mộ bởi hàng tỷ người trên khắp toàn cầu.

Lẽ đơn giản, sự xuất hiện của họ tại Olympic đã là điều hết sức đặc biệt, là câu chuyện đầy xúc cảm về những ngôi sao phải vượt qua thách thức tưởng chừng không thể tin nổi để nuôi khát khao chinh phục đấu trường thể thao khắc nghiệt nhất thế giới.

Để sống và để nuôi giấc mơ marathon, Guor Marial phải làm việc cật lực suốt đêm từ 23 giờ cho đến 9 giờ sáng hằng ngày trong nhiều năm trời

Muor Marial chắc chắn là “thân phận” kỳ lạ nhất giữa 11.000 vận động viên đến từ hơn 200 quốc gia tham dự Thế vận hội. Lẽ đơn giản, Guor Marial đến London không chỉ vì mục tiêu giành tấm HCV hay đại diện cho bất kỳ quốc gia nào. Anh có mặt tại nước Anh, chỉ đơn giản vì ước mơ cháy bỏng tìm kiếm tự do.

Sinh ra đã phải chạy

Cuộc đời Guor Marial thật không may mắn khi sinh vào thời điểm cuộc nội chiến Sudan lần thứ 2 giữa quân đội Sudan và quân giải phóng Nam Sudan đang diễn ra cực kì khốc liệt. Guor Marial là người thuộc bộ lạc Dinka và cả gia đình anh đều theo Công giáo. Cũng giống như các gia đình ở Nam Sudan, bộ lạc của Guor liên tục bị quân đội Sudan tấn công khiến họ phải trốn chạy trong các hang động.

Trong bối cảnh bị truy sát và tên bay đạn lạc ấy, 28 người thân trong gia đình của Guor, trong đó có 10 anh chị em ruột của anh bị giết hại. Bản thân Guor Marial cũng bị bắt cóc lúc lên 8 tuổi và bị gửi vào trại nô lệ trong thời gian diễn ra cuộc nội chiến. Suốt thời gian sống trong trại tập trung, Gour Marial bị ép buộc làm phục dịch như một kẻ nô lệ. Không chịu được sự tàn bạo tại đó, Gour đã quyết định bỏ trốn. Tuy nhiên, kiếp nạn vẫn đeo bám anh khi Gour Marial lại rơi vào tay của những người Arab du mục và một lần nữa phải sống cuộc đời nô lệ.

Không chấp nhận đầu hàng số phận nghiệt ngã, Guor Marial lại tiếp tục chạy trốn. Anh chạy không biết mệt mỏi cả ngày lẫn đêm trên những hoang mạc mênh mông để rồi sau vài tháng miệt mài, Guor Marial đã tới được nhà của người chú mình ở Thủ đô Khartoum. Tuy nhiên, nội chiến Sudan lan rộng khiến Gour Marial không thể tìm được nơi nào yên bình, chính vì thế, Gour Marial và người chú đã quyết định vượt biên sang Ai Cập trước khi tìm đường tới Mỹ nhằm tìm kiếm tự do. Đến năm 2001, Guor Marial và người chú của mình được nhập cư vào Mỹ theo quy chế tị nạn, chính thức chấm dứt những ngày dài chỉ biết chạy trốn khỏi kiếp nô lệ.

Gour Marial đã vượt lên số phận khắc nghiệt của chính anh

Tự do và ước mơ Olympic

Không còn bị săn đuổi tại nước Mỹ, nhưng dường như marathon đã ngấm vào máu của chàng trai bộ lạc Dinka từ thời thơ ấu, khi anh sinh ra đã phải chạy như một bản năng sinh tồn hay vì tự do. Thế nên ở Mỹ, Guor Marial vẫn miệt mài tập chạy với mong muốn một ngày nào đó sẽ được mang màu cờ của sự tự do có mặt tại Olympic, nơi hàng tỉ người trên thế giới biết đến anh và khát khao tự do của anh. Và sự kiên cường của anh ngay từ những ngày đầu đã gây ấn tượng mạnh tại trường trung học Concord, ban New Hampshire nơi Guor đã tốt nghiệp năm 2005.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Gour Marial tiếp tục được hỗ trợ để thực hiện hóa giấc mơ của mình khi được phép sử dụng đường chạy của Trường Đại học Arizona. Tuy nhiên, một VĐV tự do và không danh tiếng như Guor sẽ không có nhà tài trợ, nên để sống và để nuôi giấc mơ marathon, Guor Marial phải làm việc cật lực suốt đêm từ 23 giờ cho đến 9 giờ sáng hằng ngày.

Tháng 6 năm ngoái, Guor Marial bắt đầu tham gia cuộc đua marathon chính thức đầu tiên trong sự nghiệp ở Minneapolis và anh cán đích với thành tích 2 giờ 14 phút, đủ tiêu chuẩn để tham dự Olympic. Đạt đủ tiêu chuẩn tham dự Olympic, nhưng anh chưa có quốc tịch Mỹ. Trong khi quốc gia Nam Sudan mới chính thức được công nhận vào năm ngoái, chưa thành lập được Ủy ban Olympic nên Guor Marial cũng không thể thi đấu dưới lá cờ Nam Sudan. Trước khó khăn này, ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã đề nghị Guor thi đấu dưới lá cờ của Cộng hòa Sudan, nhưng Guor Marial kiên quyết từ chối.

"Nếu tôi thi đấu cho Sudan, tức là tôi sẽ phản bội lại quê hương Nam Sudan của mình, phản bội những người thân của tôi đã chết trong cuộc nội chiến", Gour Marial cho biết

Trước quyết tâm và khát vọng của Guor, IOC đành đặc cách cho phép anh được thi đấu với tư cách VĐV tự do dưới lá cờ Olympic. Dù quyết định của IOC là quá muộn bởi Olympic London chỉ còn hơn 2 tuần là bắt đầu khởi tranh, nhưng chính quyền 2 nước Anh và Mỹ vẫn cố gắng cấp visa cho Guor Marial để anh có thể mang giấc mơ của mình tới Thế vân hội Thể thao thế giới. Toàn bộ chi phí đi lại tới London của Guor do IOC tài trợ.

Trước khi đặt những bước chạy marathon đầu tiên tại Olympic London 2012, thành tích tốt nhất của Guor Marial là 2 giờ 12 phút 55 giây trong cuộc thi ở San Diego, bang California. Với thành tích này, chẳng ai dám kỳ vọng chàng trai của bộ lạc Dinka thi đấu dưới lá cờ Olympic sẽ bước được lên bục vinh quang trên đường đua marathon của London 2012. Nhưng Guor Marial khẳng định anh vẫn sẽ nỗ lực hết mình bởi anh không có mặt vì tấm Huân chương, mà sự có mặt của anh là để mang thông điệp khát vọng tự do tới Olympic sau những gì khủng khiếp đã trải qua trong qua khứ. Đồng thời những bước chạy tự do của anh tại Olympic sẽ khuyến khích tinh thần của người tị nạn Nam Sudan đang sống rải rác ở khắp các lục địa và làm cho cộng đồng thế giới chú ý đến một quốc gia non trẻ mang tên Nam Sudan.

Chính vì thế, mặc dù kết thúc ở vị trí thứ 47 với thành tích 2 giờ 19 phút 32 giây, nhưng Guor Marial không hề giấu được niềm vui sướng của mình khi ước mơ của anh đã trở thành hiện thực.

"Nam Sudan cuối cùng đã trở thành một phần của thế giới. Dù tôi mang lá cờ Olympic thay vì cờ của quốc gia mình, nhưng không sao cả. Quốc gia tôi là ở đây, giấc mơ của tôi đã trở thành hiện thực. Tôi muốn cảm ơn ủy ban Olympic (IOC) đã giúp tôi thực hiện hóa giấc mơ của mình. Đó là một phép màu mà Chúa đã ban tặng cho tôi, Chúa muốn tôi giúp đỡ những con người cùng khổ như tôi, Guor Marial phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc phần thi của mình tại Olympic London 2012
Tiến Thịnh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục