Khi Barca trở về trái đất

10:57 Chủ nhật 11/11/2012

Những năm tháng thống trị về mặt danh hiệu của Barca đang tạm thời chững lại, sự hiệu quả dần dần đi về mức “bình thường” hơn. Không phải “đội bóng ngoài hành tinh” ấy mệt mỏi, hết tham vọng, hay những ngôi sao của họ không còn xuất sắc, và có lẽ cũng chẳng phải bởi Pep Guardiola đã không còn ngồi ở Nou Camp. Chính khi vũ điệu tiquitaca đang chậm đi những bước diệu kỳ, là lúc Barca “trở về trái đất”, nơi bao nhiêu năm qua đã có hàng trăm triệu con người dõi theo hiện tượng chiến thuật phi thường ấy bằng những cảm xúc trái chiều.

Tiệm cận sự hoàn hảo

Thật sự, rất khó ép mình tin rằng trong lịch sử từng có đội bóng nào hoàn hảo hơn Barca của Pep, bất kể bạn là fan, anti-fan, hay người trung lập. Cái cách họ hai lần đăng quang Champions League áp đảo toàn diện trước MU và cái cách họ lấn át toàn bộ những gì còn lại ở Tây Ban Nha trong mấy năm liền chỉ có thể là cách của “ kẻ bá chủ”. Để đạt tới giới hạn đó, cái mức độ mà bất cứ một đội bóng nào gặp họ cũng phải chơi như một kẻ chiếu dưới đó, Barca phải có một sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố mà chính họ cùng với thời thế đã tạo ra.

Sự "trở về" của Barca là cú hích cho bóng đá phát triển sang một trang mới. Ảnh: Internet.

Với khái niệm “hoàn hảo” về mặt con người , như Real thời kỳ của những Zidane, Raul, Beckham, Ro béo, MU thế hệ vàng hoặc giai đoạn của bộ ba Rooney-Ronaldo-Tevez, AC Milan thời Kaka đỉnh cao phong độ, họ đều suýt soát chạm đến sự xuất sắc ở từng vị trí. Nhưng cùng một lúc có ba cầu thủ sở hữu kỹ thuật cá nhân toàn diện thuộc loại nhất nhì thế giới, nhãn quan chiến thuật ở tầng tối cao và thi đấu gắn kết với phong độ ổn định không suy suyển như ở Barca thì đúng là chưa bao giờ có. Messi, Xavi, Iniesta trong một tập thể mạnh đều có cái gốc ăn ý từ nhiều năm, lấy kiểm soát bóng làm “từ khóa” để mang tiquitaca tiến vào thế giới, họ đã chọn cho mình cách tiếp cận mà họ là bậc thầy, tập trung vào đối tượng duy nhất tạo ra kết quả trên sân: quả bóng.

Trước Barca, bóng đá đã sản sinh rất nhiều sơ đồ chiến thuật, rất nhiều những tên gọi, nhưng lấy giữ bóng nhiều làm gốc thì chỉ có thế hệ học trò này của Pep Guardiola là đủ sức làm nó trở nên một nghệ thuật bất khả chiến bại. Mọi đối thủ lao vào các trận chiến với Barca dù với tâm thế và sức mạnh nào cũng đều bất lực trước việc không có đủ bóng để hiện thực hóa kế hoạch của mình. Sự chắc chắn, an toàn, chỉn chu, quá mức khoa học trong những pha ban bật của tiquitaca là rất “bất thường” với suy nghĩ cố hữu của phần đông người chơi bóng, họ chỉ nghĩ về việc khi cầm bóng phải làm gì đó, chứ không nghĩ đến việc “chỉ cần luôn cầm bóng thì trận đấu coi như thuộc về mình”. Vì 70%, 80% trận đấu là của Barca, họ có nhiều hơn đối thủ rất nhiều cơ hội để chiến thắng với một Messi “siêu nhiên”, một Xavi đạo diễn toàn cục, và một Iniesta ma quái ẩn hiện chẳng biết đâu mà lần. Không chỉ thế, chính sự bất lực, sự ức chế trước tình trạng tồi tệ ấy, các đội bóng khác dễ dàng thua hơn, dễ phạm sai lầm hơn, dễ buông xuôi ngay từ trong tư tưởng. Cảm giác đó càng tăng lên khi đoàn quân của Pep ngày càng thắng nhiều, thắng dễ, biến thành một vòng luẩn quẩn trong đó Barca ở một vị thế tách biệt, xoay vần phần còn lại trong “điệp khúc” tiquitaca.

Trở về trái đất

Mọi chuyện trở nên “bình thường” hơn khi người ta nhìn ra phép thuật ẩn sau thứ bóng đá mà Barca đã chơi. Khi ấy thế giới xuất hiện hai xu hướng, một lấy tư tưởng giữ bóng ấy làm bàn đạp để tạo nên các phiên bản khác, còn một tìm mọi cách để chặn đứng tiquitaca. Không nên chụp mũ tất cả các đội bóng phối hợp nhỏ là bắt chước tiquitaca, vì hầu hết những đội bóng chơi như thế đều có tinh thần hướng lên, đánh nhanh, hơi khác so với quan điểm “giữ bóng bằng mọi giá” của Barca. Tuy nhiên cũng phải nói luôn, đó là nếu không có những siêu sao với tốc độ, sự nhạy cảm, khả năng săn bàn chết người thì mọi đội bóng chơi bóng ngắn dù nhuyễn đến mấy cũng không thể nâng mình lên thành một đại thế lực, dù đẹp mắt như Bilbao, hay đã thành bản sắc như Arsenal.

Mourinho có lẽ là người cầm đầu trào lưu chặn đứng tiquitaca bằng giải pháp đối nghịch. Chelsea mà ông đã “xây móng” là đội đã khiến Barca chật vật nhất, phòng ngự khu vực quanh cấm địa và phản công thần tốc là tất cả những gì biến The Blues trở thành khắc tinh của đội bóng hay nhất thế giới 4 năm qua. Barca chỉ tiệm cận sự hoàn hảo bởi họ phòng thủ không quá xuất sắc, họ mới chỉ tiệm cận thôi vì không giỏi trong những miếng đánh biên kiểu “lấy thịt đè người”, và quan trọng nhất, họ chỉ có tiquitaca, tiquitaca ấy phải có Messi, và nếu chuyện “cầm nhiều bóng” trở nên vô nghĩa, còn Messi không thể tỏa sáng, phần thắng rất có thể thuộc về kẻ khác.

Tiquitaca gần hoàn hảo nhất vì nó có ít nhược điểm nhất, và dù có, người ta cũng chỉ có rất ít thời gian để tận dụng. Chỉ đến La Liga năm 2012, Mourinho mới thực sự cho ra đời hệ thống kèm người ăn khớp với cách tiquitaca thi triển, nó dẫn đến việc Barca mất bóng nhiều hơn, tỷ lệ kiểm soát bóng trở nên ngang bằng hơn, và những khi có bóng, Barca cũng bắt đầu bị bế tắc trong những cách ghi bàn mà mình quen dùng nhất. Nhiều đội bóng đã vui vẻ chấp nhận để Barca thỏa mãn trò chơi cầm bóng của mình, khi một bên nói “tôi cầm 80% bóng” còn một bên nói “tôi có 10 người trong vòng cấm”, mọi thứ trở nên sòng phẳng. Đó là khi các đối thủ biết chủ động chọn cách “đá khi không có bóng” cho mình, thay vì cuốn theo trái cầu di động kia trong vô vọng để rồi “chết” vì kiệt sức và mất tinh thần. Sự “công bằng” ấy đã kéo Barca về gần lại với đám đông, và có khi thế lại hay, biết đâu họ còn có thể hoàn hảo hơn thế nữa. Dù gì, đời sống bóng đá với một “Barca của Trái đất” vẫn phong phú và thú vị hơn nhiều việc một “đội bóng ngoài hành tinh” nào đó tới thống trị mọi nơi bằng những công nghệ không ai biết. Chắc chắn bóng đá sẽ còn đi lên nhờ có Barca, và cả những người tìm cách đánh bại Barca.
Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục