HLV Phan Thanh Hùng: “Rồi Tiqui-taca sẽ bị khắc chế!”

10:28 Thứ tư 04/07/2012

Ngôi vua EURO 2012 đã tìm được vị minh chủ là ĐT Tây Ban Nha. Lần thứ hai liên tiếp bước lên bục vinh quang ở đấu trường này, HLV Del Bosque và các học trò đã xóa bỏ lời nguyền ở lục địa già. HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ với báo Bóng đá về chức vô địch của đội bóng xứ Bò tót cũng như những ấn tượng của ông sau một kỳ EURO giàu xúc cảm.

Trong tương lai, TBN có còn được ăn mừng như thế này?

Sửng sốt với Italia

PV: Hẳn ông rất ngạc nhiên với cách Tây Ban Nha “hạ” Italia đến 4 bàn không gỡ?

HLV Phan Thanh Hùng: Trước trận đấu, tôi đã nghĩ đến kịch bản Tây Ban Nha sẽ thắng. Tuy nhiên, tôi chẳng dám mường tượng Italia lại thua đến 0-4, một con số hẳn không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người phải sửng sốt.

HLV Phan Thanh Hùng

- Theo ông, Tây Ban Nha quá xuất sắc, hay Italia đã mắc nhiều sai lầm?

- Bạn thấy đấy, Tây Ban Nha vẫn trung thành với lối chơi, không sử dụng trung phong. Họ kiểm soát bóng, chiếm lĩnh khu trung tuyến. Còn Italia vẫn kiên định với lối chơi phòng ngự phản công đã giúp họ thăng hoa trước người Đức. Song, “nhát kiếm” của David Silva đã khiến chiến thuật của HLV Prandelli vỡ vụn. Tôi cũng tiếc vì Thiago Motta dính chấn thương, đẩy Italia vào thế kém người. Tôi nghĩ, chỉ cần Italia có 1 bàn gỡ thôi, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Trong nỗi ám ảnh Tiqui-Taca

- Thêm một lần nữa, bóng đá thế giới phải ngả mũ trước lối chơi Tiqui-taca. Một câu hỏi đặt ra, liệu lối chơi này sẽ còn thống trị bao nhiêu lâu nữa?

- Thú thực, tôi không nghĩ tới viễn cảnh khi nào, bao giờ… bởi xu hướng chiến thuật bây giờ rất khó lường. Tiqui-taca biến ảo, vậy nên không phải ngẫu nhiên, Tây Ban Nha đã chinh phục thành công EURO 2008, World Cup 2010 và bây giờ là EURO 2012. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, tương lai mà cụ thể là ở World Cup 2014, Tiqui-taca sẽ bị khắc chế.

- Tại sao lại vậy, thưa ông?

- Barca đã bị hóa giải nhiều lần khi sử dụng lối chơi này. Họ từng trưng dụng trung phong kiểu Eto’o nhưng bây giờ phải đặt niềm tin vào tiền đạo ảo kiểu Messi. Có thể, nguyên do là bởi David Villa dính chấn thương. Song cá nhân tôi cho rằng, họ buộc phải thay đổi bởi đối thủ đã có những phân tích, thống kê và tìm ra những điểm yếu để khắc chế Tiqui-taca.

Hơn thế nữa, sơ đồ chiến thuật nào cũng có chu kỳ của nó, có lúc thịnh rồi đến lúc suy, người Italia đã lên đỉnh nhờ lối phòng ngự nghệ thuật Catenaccio và Hà Lan quyến rũ với bóng đá tổng lực. Nhưng bây giờ họ đã phải thay đổi để phù hợp với thời cuộc, với từng trận đấu…

- Và khi những hạt nhân như Iniesta và Xavi không còn xuất hiện thì Tiqui-taca sẽ chấm dứt một thời kỳ hưng thịnh?

- Mọi thứ đều có thể xảy ra. Ở EURO 2012, Iniesta và Xavi rõ ràng là những quân bài quan trọng trong sơ đồ chiến thuật của HLV Del Bosque. Khi những “bộ não” này hoạt động tốt, cả guồng máy cũng vận hành trơn tru theo. Tiqui-taca tương lai thành bại thế nào, có lẽ cũng nhờ một phần vào vai trò bộ não này, hãy cứ chờ xem họ là ai!

Lối đá nhỏ và nhanh là “Kim Chỉ Nam” của tôi

- Ông từng nói rằng mình rất thích lối chơi của ĐT Đức. Tuy nhiên, có vẻ như ở EURO lần này, họ vẫn chỉ là một cỗ xe tăng đẹp, nhưng lại mong manh?

- ĐT Đức cũng thực sự thay đổi, cuộc cách mạng của họ khiến tôi thán phục và tôi cũng học được rất nhiều từ họ. Tiếc rằng, trận bán kết với Italia, HLV Joachim Loew đã hơi nóng vội. ĐT Đức đã đánh mất kiểm soát. Còn Italia chỉ cần chờ có vậy để trừng phạt đối thủ, và thầy trò Prandelli đã thành công. Tôi tin ĐT Đức sẽ còn đạt được những bước tiến mới khi có được sự cân bằng. Họ sẽ là đối trọng của Tiqui-taca và các trường phái bóng đá khác.

- Giữa ĐT Đức và Tây Ban Nha, nếu được chọn ông sẽ áp dụng lối chơi nào để ứng dụng cho ĐT Việt Nam?

- Sẽ là hơi sai lầm khi đặt ĐT Việt Nam bên cạnh những đội bóng khổng lồ như Tây Ban Nha hay Đức… Chúng ta sẽ học hỏi kinh nghiệm, còn để thi triển lối chơi thì đó lại là một chuyện rất khác. Có một thực tế là chúng ta thua xa về cả tư duy lối chơi lẫn kỹ thuật so với họ.

- Có người cho rằng, ĐT Việt Nam mà HLV Henrique Calisto và bây giờ là HLV Phan Thanh Hùng đang xây dựng, mang cái gì đó “na ná” Tiqui-taca, ông thấy thế nào về lời bình luận này?

- Tôi không bình luận về điều này bởi đó là góc nhìn của riêng từng cá nhân. Bóng đá không thể rập khuôn, mang một hình mẫu ở đâu đó bê về rồi áp dụng. Có một điều tôi có thể khẳng định, ĐT Việt Nam đã vô địch AFF - Suzuki Cup 2008 là nhờ cuộc cách mạng từ lối chơi của ông Henrique Calisto. HLV Calisto đã áp dụng những phương pháp và giáo án huấn luyện cách tân cho đội tuyển. Cụ thể, là lối chơi bóng sệt, nhanh, mạnh mẽ… cho các cầu thủ. Điều đó đã thu về những kết quả ngoài mong đợi.

- Và tương lai, nếu gắn bó lâu dài, ông sẽ xây dựng lối chơi của ĐT Việt Nam theo hướng nào?

- Đá nhỏ và nhanh, tôi sẽ xây dựng lối đá này bởi thực sự ngoài lựa chọn đó, chúng ta không khó có thể tìm thấy phương án nào khả dĩ hơn. Cần phải nhìn nhận, cơ địa và thể hình con người Việt Nam chỉ hợp với lối chơi này. Còn nếu một ngày, ĐT Việt Nam sẽ ra sân với bài tạt cánh đánh đầu, hay “Kick & Rush” thì e rằng khó mà thành công…

- Câu hỏi cuối cùng, EURO 2012 đã khép lại, vậy thì đâu là những ấn tượng sâu sắc nhất trong ông về giải đấu này?

- Sự đa dạng về chiến thuật mà các đội bóng mang đến. Chủ nghĩa tập thể lên ngôi. Và tương lai, tôi đoán bóng đá tấn công sẽ hiện diện rất nhiều ở các sân chơi của bóng đá thế giới.

- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!

Đức Nguyễn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục