Hậu Australian 2014 - Nhìn lại chiến thắng cho một “gã khác”

17:52 Thứ bảy 22/02/2014

“Đây không phải là cách tôi muốn thắng một trận đấu”, Stanislas Wawrinka nói sau chiến thắng lớn nhất trong sự nghiệp của anh, “Nhưng đây là một Grand Slam, bạn phải giành lấy nó”. “Giành” là từ có ý nghĩa nhất trong câu nói của anh.

Chấn thương lưng của Rafael Nadal phần nào khiến trận chung kết kém vui và hơi hạ thấp giá trị chiến thắng của Wawrinka. Nhưng với một tay vợt, thắng là việc phải làm, kể cả khi đối thủ không ở thể trạng tốt. Đây lại là trận chung kết Grand Slam nữa. Cần nhớ, “Big Four” (Nadal và Roger Federer, Novak Djokovic, Andy Murray) giành được 34/35 chức vô địch Grand Slam gần nhất trước trận này.

Wawrinka bước vào trận chung kết ở tư thế cửa dưới rất xa so với Nadal. Hầu hết các chuyên gia đều dự đoán trận đấu sẽ kết thúc trong 3 set, 4 set hay 5 set. Chẳng mấy ai đề cập đến việc ai chiến thắng, vì họ đã mặc định người đó là Nadal. Wawrinka thua Nadal trong cả 12 trận đối đầu, chưa thắng được set nào, thua cả 26 set trong 12 trận đó. Nadal có 13 danh hiệu Grand Slam, trong khi Wawrinka thậm chí chưa từng có danh hiệu ATP Masters 1000 và ATP 500.

Trận chung kết nhiều màu sắc

Trận đấu với 4 set đấu, mỗi set đấu khác nhau cứ như thể 4 trận đấu riêng biệt. Set đầu, Wawrinka chơi tuyệt vời khiến Nadal không có nhiều cơ hội chống đỡ. Set thứ hai, Nadal nhăn nhó vì chấn thương lưng, hầu như không thể chạy nổi và giao bóng rất yếu. Set thứ ba, Nadal di chuyển tốt hơn và Wawrinka gần như “đứng hình”. Đến set thứ tư, Wawrinka quyết định, mình phải “giành” chiến thắng.

Wawrinka đã chơi một set đầu kiểu mẫu về mặt kỹ chiến thuật cho những tay vợt nào muốn đánh bại Nadal. Nadal vốn ưa thích né phải để thực hiện cú forehand tay trái vào góc sân bên phải của đối thủ. Biết vậy, Wawrinka tấn công ngay cú forehand của Nadal, dồn bóng rộng ra mang ở phần sân bên trái (advantage court). 5 cú forehand của Nadal đánh hỏng đều khi đứng ở phần sân này. Cú backhand chéo sân chìm và nặng và cú forehand dọc dây góp sức cho kế hoạch này.

Kế hoạch tiếp theo của Wawrinka là giam Nadal ở góc phần sân bên phải (deuce court) cũng bằng những cú đánh forehand rộng ra mang. Làm như vậy, Nadal khó né phải đánh forehand tay trái. Backhand thì chưa bao giờ là cú đánh tốt của Nadal, trong 11 game đầu, Nadal không có điểm winner nào từ backhand.

Set thứ hai, Nadal đau lưng, chứ không phải do vết rộp ở lòng bàn tay cầm vợt. Anh sau đó nói rằng anh bị chấn thương từ lúc khởi động trước trận đấu, các tay vợt thường đứng giữa sân đánh bóng qua lại, không phải chạy hay rướn, thật khó mà bị chấn thương lúc này. Song bất luận thế nào thì cũng phải thấy rằng Nadal đau nên giao bóng yếu và hầu như không di chuyển.

Set thứ ba là một trường hợp lý thú để các tay vợt nghiên cứu. Khi đối thủ bị đau, dường như ta cũng bị mất hứng, hoặc căng thẳng bởi ta trở thành người phải thắng trận đấu, bởi ta đang đứng trước một cơ hội có một danh hiệu lớn… Thi đấu với đối thủ lớn bị chấn thương không hề dễ về mặt tâm lý. “Anh ấy bị chấn thương, tôi thấy hết, Trận đấu trở nên hoàn toàn khác. Tôi bắt đầu nhận ra rằng mình có thể vô địch Grand Slam. Tôi căng thẳng, tôi không chơi thứ tennis của mình bởi tôi đợi anh ấy đánh hỏng…”, Wawrinka nói.

Thay vì thực hiện kế hoạch như set đầu thì Wawrinka đánh những cú trung hòa hơn vào giữa sân để đợi Nadal đánh hỏng. Khái niệm an toàn giờ trở nên một mồi nhử tai hại. Wawrinka đánh những cú trung hòa thì Nadal ít phải chạy hơn, tay điều bóng mạch lạc hơn. Mà lúc này, những viên thước giảm đau uống ở đầu set hai phát huy tác dụng khiến Nadal ít đau hơn và anh di chuyển tốt hơn. Nadal kéo lại được một set thắng. Một điều cần chú ý ở set này: Dù Nadal di chuyển không tốt nhưng Wawrinka không thử một cú bỏ nhỏ nào. Wawrinka hoàn toàn lạc lối trong set này.

Wawrinka trong set ba gợi nhớ đến Guillermo Coria trong trận chung kết Roland Garros 2004. Coria chỉ thua vỏn vẹn 3 game trong 2 set đầu khi gặp đối thủ đồng hương Argentina Gaston Gaudio. Nhưng sau đó, Coria đã thua 3 set cuối vì không điều chỉnh được tâm lý thi đấu của mình. Coria không bao giờ chơi trận chung kết giải lớn nào sau đó.

Thua set ba, Wawrinka tỉnh ngộ. Anh dừng việc nói chuyện với Nadal trong đầu mình (OK, nào đánh hỏng đi, đánh hỏng đi…), và bắt đầu nói chuyện với chính bản thân mình khi vào set thứ tư. “Tôi phải tập trung vào bản thân mình, cố gắng tự mình tìm cách chiến thắng”. Và cuối cùng anh đã làm được.

Một “gã khác” trong làng tennis nam

Chiến thắng của Wawrinka nên được tặng cho những “gã khác” trong làng tennis năm. 9 năm qua, những “gã khác” đã thực hiện những cuộc đảo lộn, đã nhen lên những tia hy vọng. Nhưng cuối cùng, họ đều về nhì. Andy Roddick, Mariano Puerta, Fernando Gonzalez, Marcos Baghdatis, Jo-Wilfried Tsonga, Robin Soderling, Tomas Berdych, David Ferrer. Chẳng cần biết là giải Grand Slam nào, mặt sân nào, cuối cùng thì một trong 4 người Federer, Nadal, Djokovic, Murray chiến thắng và những “gã khác” thua, ngoại trừ Del Potro (vô địch US Open 2009).

Từ khi bắt đầu chơi chuyên nghiệp vào năm 2002 đến này, Wawrinka thậm chí chưa được coi là “gã khác” như thế, kể cả khi anh thực hiện bước đột phá trong năm ngoái. Đến giải này, anh mới trở thành “gã khác”. Nhưng là một “gã khác” với đầy đủ sự tự tin, bình thản, quyết đoán như khi bắt đầu bước vào trận chung kết. Mà đó là trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp.

Một câu hỏi hóc búa kinh điển trong tennis: Bạn cần tự tin để chiến thắng, nhưng bạn cũng cần chiến thắng để có sự tự tin. Vậy thì cái nào đến trước, chúng đến như thế nào? Với Wawrinka, sự tự tin có lẽ đến từ một thất bại: trong trận đấu kéo dài 5 giờ đồng hồ qua 5 set trước Djokovic ở vòng 4 Australian Open 2013. Thất bại sát nút và có phần thiếu may mắn đó giúp Wawrinka nhận ra rằng anh hoàn toàn có thể chơi ngang ngửa và hạ những tay thống trị đó.

“Gã khác” này không được huấn luyện bởi những cái tên êm tai như Ivan Lendl, Boris Becker hay Stefan Edberg. Mà đó là Magnus Norman, cũng là một “gã khác” trong tennis (thua Gustavo Kuerten trong trận chung kết Grand Slam duy nhất tham dự, Roland Garros 2000). Trước khi làm việc với Wawrinka thì Norman cũng dẫn dắt Soderling đến 2 trận chung kết Roland Garros. “Người ta mang đến cho tôi viên kim cương”, Norman nói về Wawrinka, “Tôi chỉ đánh bóng tí ti, vậy thôi, chẳng có bí mật nào hết”. “Gã khác” Wawrinka sau trận đầu tiên ở giải này đã tâm sự với báo chí: “Đôi lúc, chỉ một trận đấu có thể thay đổi tât cả. Có lẽ ngày nào đó tôi sẽ đánh bại Novak và Rafa ở một giải Grand Slam”.

Và anh đã khi đánh bại cả hai để trở thành người giỏi nhất tại mùa hè nước Úc 2014.

Tổng hợp | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục