Giải thưởng không có tuổi

13:39 Thứ năm 25/04/2013

Phạm Văn Quyến và Lê Công Vinh đoạt QBV đầu tiên vào năm 19 tuổi. Với Phạm Thành Lương, thì đó là tuổi 21. Ngoài Phạm Văn Quyến, các ngôi sao trẻ ấy đều đã và vẫn đang tỏa sáng trên sân cỏ Việt Nam để chứng minh một điều: tài năng thì không có tuổi.

Phạm Văn Quyến (SLNA) đoạt giải Quả bóng vàng 2003. Ảnh: H.H.

Cho đến bây giờ tại sao mối quan tâm dành cho Quyến “béo” vẫn còn nhiều như thế? Đơn giản vì Quyến đã từng là QBV trẻ nhất lịch sử. Một cầu thủ mà tài năng đã tỏa sáng từ tuổi mười chín, đôi mươi thì luôn nhận được nhiều sự kỳ vọng. Công bằng mà nói, ở thời điểm Quyến đăng quang, anh là một trong những QBV được đánh giá là thuyết phục nhất. Thế nhưng, vụ án tiêu cực tại SEA Games 2005 đã “chôn vùi” tài năng của Quyến với 3 năm không được thi đấu.

Nhưng trường hợp của Quyến không làm lu mờ những trường hợp đăng quang khi còn trẻ khác. Ở tuổi 19, Lê Công Vinh cũng nhận danh hiệu đầu tiên năm 2004, sau đó vào các năm 2006, 2007, anh lại chiến thắng trong cuộc bầu chọn. Không còn giữ được độ sáng như lúc khởi đầu nhưng chưa bao giờ Công Vinh đánh mất vị thế của một ngôi sao. Liên tiếp không có danh hiệu trong 3 năm gần đây và ngay cả tại kỳ bầu chọn 2012, Vinh cũng không được đề cử nhưng với những gì đang thể hiện tại V-League chưa thể nói rằng Công Vinh đã không còn cơ hội để vượt lên Lê Huỳnh Đức để trở thành cầu thủ duy nhất đoạt 4 QBV.

Với trường hợp Phạm Thành Lương, người ta thấy một Lê Công Vinh thứ hai mặc dù mức độ tỏa sáng của Lương “dị” không bằng do anh chơi ở vai trò tiền vệ. Với 2 lần đoạt danh hiệu và sự tận hiến không biết mệt mỏi trên sân cỏ, cầu thủ bé nhỏ Hà thành này vẫn còn quá nhiều điều để gặt hái tại giải thưởng QBV trong tương lai.

o 0 o

Ở giải thưởng năm nay, chắc chắn là không có nhiều cơ may thắng giải cho các cầu thủ trẻ do không có sân chơi SEA Games. Tuy nhiên, không có nghĩa là các cầu thủ trẻ đoạt giải chỉ nhờ thành tích tại SEA Games.

Như đã nói ở trên, ngoài Phạm Văn Quyến ra, những tài năng trẻ từng đoạt các danh hiệu đến nay đều chưa ai gây thất vọng. Phan Văn Tài Em từng đoạt QBB năm 2003 khi mới 21 tuổi, 2 năm sau đoạt danh hiệu cao nhất và đến nay vẫn đang trên đường tìm lại thời đỉnh cao. Cũng ở tuổi 21, Lê Tấn Tài đoạt QBĐ 2005, đến nay anh đã là đội trưởng của tuyển Việt Nam. Chúng ta có thể kể thêm Nguyễn Vũ Phong đoạt QBĐ 2007 ở tuổi 22, cùng độ tuổi này Nguyễn Trọng Hoàng đoạt QBB 2011… họ đều sẽ là những ngôi sao tương lai của bóng đá Việt Nam sau khi đã được tôn vinh trong giải thưởng cao quý dành cho cá nhân này.

Cầu thủ thì có tuổi chứ danh hiệu không hề có tuổi. Những thành công của các cầu thủ trẻ nói trên cho thấy các quyết định của người bầu chọn luôn mang theo trăn trở và tâm huyết dành cho bóng đá nước nhà. Danh hiệu QBV rõ ràng đã tạo nên động lực để các cầu thủ giữ gìn tài năng của mình theo thời gian.

Ngay cả khi nếu giải thưởng năm nay được trao cho Nguyễn Minh Phương, một người “rất già” ở tuổi 33 thì đấy cũng là một lời khẳng định danh hiệu không hề có tuổi.
Đăng Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục