Fara Williams: Từ cô gái vô gia cư cho đến nữ huyền thoại bóng đá Anh

22:16 Thứ ba 11/07/2023

Không chỉ có những pha kiến tạo hay những cú tắc bóng chuẩn xác, Williams là nguồn cảm hứng lớn cho biết bao người phụ nữ về hành trình vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống.

Fara Williams bắt đầu chơi bóng với các cậu bé đồng trang lứa trên sân bê tông nhỏ ngay gần nhà, khu Battersea, phía nam London. “Sau giờ học, tôi nhanh chóng về nhà hoàn thành bài tập để được đi đá bóng. Tôi có thể dành hàng giờ đá bóng cho đến khi trời tối”, cô chia sẻ trong buổi phỏng vấn được thực hiện vào năm ngoái.

Chăm chỉ luyện tập cộng hưởng thêm sự may mắn, Williams chiếm một suất trong đội hình U14 nữ Chelsea khi cô mới tròn 12 tuổi. Kể từ thời điểm này, giấc mơ chơi bóng chuyên nghiệp của tiền vệ sinh năm 1984 bắt đầu chắp cánh. 

Tuy nhiên chỉ 3 năm sau, trong một lần nổ ra tranh cãi lớn với người dì sống cùng nhà, Fara Williams quyết định bỏ nhà ra đi. Một cô gái tuổi teen bỗng chốc trở thành người vô gia cư, ngủ trên đường phố hoặc xin trú tạm trong các ký túc.

Mặc dù bị tách biệt khỏi gia đình và chìm trong nỗi sợ hãi, Williams vẫn tiếp tục phát triển với tư cách một cầu thủ bóng đá tiềm năng. Năm 2001, cùng thời điểm Williams trở thành người vô gia cư, cô có trận ra mắt quốc tế đầu tiên cho đội tuyển trước đối thủ Bồ Đào Nha và chỉ 3 tháng sau đó, cô đã ghi bàn thắng đầu tiên trong màu áo “Tam sư”.

 - Bóng Đá

Fara Williams từng là tiền vệ trung tâm hàng đầu của bóng đá Anh.

Trong mùa giải đầu tiên được Chelsea cho Charlton mượn, Fara Williams chơi cực hay và được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất năm của CLB, đồng thời giành giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất FA 2002.

Cuộc sống của Williams chỉ xoay quanh trái bóng tròn. Ban ngày, cô ấy là một cầu thủ triển vọng nhưng đến tối, sự cô đơn ôm lấy tiền vệ sinh năm 1984. Mọi người trong ký túc xá đều xa lạ với Williams. Cô không muốn bộc lộ cảm xúc và chẳng muốn nói chuyện với bất kỳ ai.

Tại ký túc xá nơi tôi trú, mọi người có quyền phán xét ai nên hay không nên là người vô gia cư. Tôi cảm giác những điều tiêu cực sẽ nhắm vào mình. Tôi thà chọn tận hưởng mọi thứ một mình. Đơn độc nhưng dũng cảm”, Williams nói với BBC vào năm 2014. 

Sau khi Fara Williams chơi một số trận cho U19 nữ Anh, Hope Powell - HLV thời điểm đó - đã đặc biệt chú ý đến Williams khi cô có thái độ miễn cưỡng rời khỏi khách sạn của đội. Powell sau đó đề nghị hỗ trợ, đưa Fara Williams đến một đơn vị dành riêng cho người vô gia cư. Tại đó, cô được cung cấp thức ăn, túi ngủ và cảm thấy thoải mái khi xung quanh đều là những người có hoàn cảnh giống mình. 

 - Bóng Đá

Reading là CLB cuối cùng trong sự nghiệp của Williams.

Đến năm 2004, Fara Williams chuyển tới thành phố Everton. Chính tại vùng Merseyside, Williams không còn mang danh nghĩa một người vô gia cư. Cô đã có cuộc sống ổn định hơn, cơm ăn, áo mặc đều đủ cả. Mọi thứ Williams có được ngoài đời đều xuất phát từ sự nỗ lực trong sân.

Hơn 8 năm chơi cho CLB nữ Everton, “nữ hoàng Fara” (biệt danh người hâm mộ đặt cho Williams) đã chơi 122 trận và ghi 70 bàn thắng. Cô góp công lớn giúp đội bóng áo xanh giành Cúp Ngoại hạng Anh 2008 và FA Cup 2010. Đáng chú ý, vào năm 2009, cô được FA bầu là Cầu thủ hay nhất giải đấu.

Năm 2012, Williams chuyển sang đầu quân cho kình địch của Everton là Liverpool, đội trước đó vừa chìm sâu ở đáy bảng xếp hạng. Nhưng chính nhờ sự có mặt của tiền vệ tài hoa sinh ra tại Battersea, vận mệnh “Lữ đoàn đỏ” ngay lập tức đổi chiều. Trong hai mùa liên tiếp 2013 và 2014, Fara Williams và các đồng đội đều giành ngôi vương FA Women’s Super League - chiếc cúp danh giá nhất dành cho bóng đá nữ Anh Quốc.

Trong những năm tháng cuối sự nghiệp cấp độ CLB, Williams trở lại phía nam London để khoác áo Arsenal trong một mùa, trước khi gia nhập Reading và chơi cho đội bóng áo sọc xanh trắng đến lúc giải nghệ vào năm 2021. Bệnh thận ít nhiều cản trở phong độ thi đấu của Fara Williams và khiến cầu thủ sinh năm 1984 cảm nhận rõ về giới hạn của bản thân.

Trên đội tuyển quốc gia, Williams đã tạo ra di sản khó bị phá vỡ khi chạm mốc 172 lần ra sân cho “Tam sư”, kể từ năm 2001 đến 2019. Trong gần hai thập kỷ cống hiến, cô đã tham gia 7 giải đấu lớn, bao gồm 4 Euro và 3 World Cup. 

Tuy nhiên, cựu cầu thủ Reading lại chưa thể tận hưởng cảm giác đeo huy chương vàng. “Nữ hoàng Fara” và các đồng đội thua chung kết Euro 2009 trước Đức và chỉ giành hạng ba tại World Cup 2015.

Fara Williams có thể không giành được một danh hiệu nào ở cấp độ đội tuyển. Song, cô ấy đã đưa bóng đá nữ tiếp cận hơn với nhiều người tại xứ sở sương mù. Hành trình một cô gái chân trần chơi bóng bất chấp mặt sân tồi tàn, rồi không may phải vật lộn cuộc sống vô gia cư cho đến việc trở thành huyền thoại bóng đá nữ Anh Quốc là quá đủ để Williams tạo nên câu chuyện truyền cảm hứng theo đuổi đam mê cho hàng triệu phái nữ trên thế giới.

(Bạn đọc: Minh Đức)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

BongDa.com.vn | 21:18 11/07/2023
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục