Đội bóng chuyền Quân đoàn 4 tuyên bố giải thể: Chuyện bình thường

15:57 Thứ tư 26/08/2015

Theo nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu, chuyện CLB bóng chuyền Quân đoàn 4 tuyên bố giải thể sau vòng 2 giải vô địch quốc gia 2015 nên được coi là bình thường của làng thể thao.

Trong những ngày giữa tháng 8, các fan hâm mộ bóng chuyền Việt Nam đã nhận tin dữ khi ban lãnh đạo Quân đoàn 4 xác nhận đội bóng chuyền nam sẽ giải tán sau vòng 2 giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2015. Quyết định giải tán đội bóng chuyền nam Quân đoàn 4 được đưa ra trong cuộc họp mới đây của Ban thường vụ Quân Đoàn 4. Theo tiêu chí của Bộ Tổng Tham Mưu, các đơn vị thể thao của quân đội sẽ tự xã hội hóa để hoạt động. Nếu không tìm được nhà tài trợ, các đội thể thao của ngành sẽ giải tán bởi không còn nguồn ngân sách hỗ trợ.

Văn Thành (14) của Quân đoàn 4 tấn công trước hàng chắn của Vật liệu Xây dựng Bình Dương.

Trong những năm gần đây, để đáp ứng yêu cầu xã hội hóa thể thao của ngành Quân đội, Quân đoàn 4 đã nhận được tài trợ của CTCP Becamex Bình Dương mỗi năm 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này mới chỉ đáp ứng 1/3 ngân sách hoạt động của đội bóng. Theo tìm hiểu, kinh phí hoạt động của 2 đội bóng chuyền trẻ và đội tuyển Quân Đoàn 4 phải hơn 3-4 tỷ đồng nên luôn phải bù đắp ngân sách. Chính vì lí do đó mà Ban thường vụ Quân Đoàn 4 đã ra một quyết định giải thể bóng chuyền Quân Đoàn 4 bắt đầu từ sau Vòng 2 giải VĐQG 2015.

Với các fan hâm mộ bóng chuyền trên cả nước, đây là một quyết định có phần gây sốc. Bởi Quân đoàn 4 là một trong những đội tuyển giàu truyền thống với 40 năm xây dựng và phát triển. Trong 40 năm qua, Quân đoàn 4 cũng đã có 6 lần giành chức vô địch quốc gia, trong đó có chuỗi 3 năm liên tiếp đứng trên bục cao nhất giải đấu quốc nội và giờ Quân đoàn 4 vẫn đang là một trong những tên tuổi đáng nể của làng bóng chuyền nam.

Trao đổi với chúng tôi về quyết định giải tán đội bóng của ban thường vụ Quân đoàn 4, nhà báo Nguyễn Lưu – người am hiểu rất rõ về các đội tuyển của Thể thao Việt Nam cho biết dù trong lòng có một chút tiếc nuối. Nhưng đây là một quyết định bình thường của các đơn vị Thể thao trong quá trình xã hội hóa nguồn ngân sách hoạt động.

Nhà báo Nguyễn Lưu thừa nhận cũng như bao fan hâm mộ bóng chuyền khác ông cũng cảm thấy tiếc nuối với quyết định này. Bởi Quân đoàn 4 từng là nơi quy tụ của những tài năng hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam như Phan Phước Điền, Trần Minh Khang, Nguyễn Thành Lâm, Lương Khương Thượng, Đào Ngọc Chánh, Đặng Đức Xuyên, Lê Văn Thành… Truyền thống ấy đang được tiếp nối bởi những Long Kiếm, Trần Phương, Văn Sanh, Quốc Khánh và nhiều người khác. Từ lâu, Quân đoàn 4 luôn là một trong những đội có đóng góp nhiều VĐV cho đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia.

Nhà báo Nguyễn Lưu là người rất am hiểu về Thể thao Việt Nam.

Tuy nhiên, đây cũng là một chuyện bình thường của các đơn vị Thể thao trong quá trình xã hội hóa bởi cũng giống như doanh nghiệp, họ có quyền thành lập và cũng có quyền được tuyên bố phá sản khi đáp ứng những yêu cầu đặt ra. Trước Quân đoàn 4, đã có rất nhiều đội bóng chuyền mạnh của làng thể thao Việt Nam cũng đã tuyên bố xóa tên như Quân khu 5, Bưu điện Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Dầu khí Thái Bình Dương, Vietsovpetro… Việc các đội thể thao tuyên bố giải thể không chỉ gặp ở môn bóng chuyền. Ngay cả môn thể thao vua là bóng đá trong những năm gần đây cũng đã có một loạt đội bóng của Việt Nam tuyên bố giải tán…

Việc đội tuyển bóng chuyền quân đoàn 4 tuyên bố giải thể cũng gián tiếp giúp nâng cao chất lượng chuyên môn của giải bóng chuyền quốc gia. Hiện ở nội dung của nam chúng ta đang có 11 đội tham dự, trong khi ở nội dung của nữ số đội là 12. Nhưng đang có một khoảng cách rất lớn về trình độ giữa các đội nửa trên và các đội nửa dưới. Từ lâu, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã có kế hoạch rút gọn số đội tham dự giải vô địch quốc gia về chỉ còn 8 đội ở mỗi nội dung để nâng cao chất lượng giải đấu.

Theo nhà báo Nguyễn Lưu, các fan hâm mộ bóng chuyền nói riêng và các fan hâm mộ thể thao Việt Nam nói chung cần làm quen với chuyện các đội tuyên bố giải thể. Theo nhà báo kỳ cựu, đây là một phần tất yếu khi hoạt động thể thao bước sang cơ chế xã hội hóa nguồn ngân sách hoạt động. Để tránh đi vào vết xe đổ của Quân đoàn 4 hay một loạt những đội bóng chuyền khác đã bị xóa tên, các đội bóng chuyền còn lại của Việt Nam cần phải thay đổi tư duy trong hoạt động và tìm kiếm nhà tài trợ gắn bó lâu dài với mình. Có một nền kinh tế ổn định như Thông tin Liên Việt Postbank, VTV Bình Điền Long An, hay Ngân hàng Công thương, Maseco TPHCM… thì chất lượng các đội tham dự các giải đấu của hệ thống bóng chuyền Việt Nam mới có thể được nâng cao.

Hoàng Nam | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục