Chia tay một tượng đài

11:02 Thứ tư 19/08/2015

Chủ trương của Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam đã có từ lâu nhưng khi lãnh đạo Quân đoàn 4 quyết định sẽ giải thể đội bóng chuyền nam của đơn vị kể từ tháng 1-2016, tất cả những ai yêu mến bóng chuyền đều không khỏi hối tiếc.

Số phận mong manh của các đơn vị thể thao, trước tiên là những đội bóng chuyền ngành quân đội, khiến người hâm mộ nhớ lại câu chuyện xảy ra mới năm nào đối với các đội bóng đá ngành công an. Ngày đó, nhiều người than phiền về những cán bộ, chiến sĩ công an ngày ngày bảo đảm công tác chuyên môn với lương bổng, phụ cấp khiêm tốn trong khi các cầu thủ được biệt phái đi đá bóng thì thu nhập ngất trời nhưng lại để xảy ra tiêu cực quá nhiều, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Theo chủ trương, các đơn vị thể thao quân đội sẽ phải hoạt động theo hướng xã hội hóa, chủ động được ngân sách và kinh phí thì tồn tại còn ngược lại thì phải giải thể. Đã có đơn vị “đi đầu” ngưng hoạt động là đội bóng chuyền Quân khu 5 nhưng chuyện xảy đến với Quân đoàn 4 vẫn khiến người ta thấy nao lòng.

Văn Thành (14) của Quân đoàn 4 tấn công trước hàng chắn của Vật liệu Xây dựng Bình Dương. Ảnh: Internet.

Thành lập từ ngày 20-7-1975, quãng thời gian trưởng thành và phát triển của đội Quân đoàn 4 mới đây còn được lãnh đạo đơn vị trân trọng nhắc đến trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập. Họ động viên tập thể này không ngừng phấn đấu để làm tròn trách nhiệm với bóng chuyền nước nhà cũng như gánh vác nhiều nhiệm vụ quan trọng khác của đơn vị. Vậy mà chưa đầy một tháng sau, số phận đội bóng đã được định đoạt!

Là cái nôi sản sinh nhiều thế hệ HLV, VĐV cho phong trào bóng chuyền cả nước như Lương Khương Thượng, Nguyễn Thành Lâm, Phan Phước Điền, Trần Minh Khang, Đào Ngọc Chánh, Lê Văn Thành, Phạm Chiến Thắng, Trần Duy Khánh, Đặng Long Kiếm…, Quân đoàn 4 từng 6 lần vô địch quốc gia nhưng cũng không ít mùa trầy trật tìm suất trụ hạng. Gần nhất, đội kết thúc vòng 1 Giải Vô địch quốc gia 2015 với vị trí 1 trong 3 đội bóng nam mạnh nhất, chưa kể HCĐ Cúp Hùng Vương sau đó.

Để tồn tại theo “quy hoạch” của ngành, đội bóng chuyền Quân đoàn 4 cần kinh phí ít nhất là 3-4 tỉ đồng mỗi năm nhưng hiện tại, đội chỉ bảo đảm 1/3 số tiền này từ một hợp đồng tài trợ dài hạn của Becamex IJC. Cơ sở vật chất của đơn vị chỉ có thể tạo thêm một phần kinh phí và theo ông Lê Văn Thành, Giám đốc Trung tâm TDTT Quân đoàn 4, đó là lý do để lãnh đạo đơn vị quyết định “xóa sổ” đội bóng.

Trao đổi với chúng tôi, bản thân ông Thành và các HLV từng gắn bó với đội cũng như các cầu thủ đều bày tỏ mong muốn lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu cũng như Quân đoàn xem xét lại, tạo điều kiện để đội bóng Quân đoàn 4 và các đội bóng ngành khác được tiếp tục gắn bó, phát triển cùng với bóng chuyền Việt Nam.

Ban chấp hành thờ ơ

Trước Quân đoàn 4 là Quân khu 5, Bưu điện Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Dầu khí Thái Bình Dương, Vietsovpetro… đã bị xóa sổ nhưng không thấy bất cứ phản ứng gì từ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV). Một lãnh đạo của VFV cho biết ngay cả việc ngồi lại cùng với các đơn vị, ngành chủ quản bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đội bóng, Ban Chấp hành VFV cũng thờ ơ, cho qua. Lý do ban đầu là VFV muốn giảm số lượng đội bóng tham dự giải vô địch quốc gia hằng năm còn khoảng 8 đội nam, 8 đội nữ nhưng sau lại ngoảnh mặt luôn trước những cuộc tháo chạy, giải thể hàng loạt như đã nhắc đến ở trên.
Đào Tùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục