Chuyên nghiệp từ tư duy

15:33 Chủ nhật 09/02/2014

Liên đoàn Quần vợt Việt Nam dọa sẽ cấm thi đấu 3 năm đối với tay vợt Lý Hoàng Nam nếu không trở về tập trung cùng ĐTQG chuẩn bị cho David Cup 2014. Điều này khiến mối quan hệ giữa giới chức quần vợt quốc gia với đơn vị Becamex Bình Dương vốn đã không tốt đẹp, giờ càng thêm căng thẳng.

Rất thẳng thắn, HLV Trần Đức Quỳnh - người đang trực tiếp huấn luyện và dẫn dắt tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam tập huấn và thi đấu quốc tế - bày tỏ quan điểm rằng Nam đang cố gắng theo đuổi sự nghiệp quần vợt chuyên nghiệp nên cần định hướng riêng, cần được tôi luyện ở các cấp độ thấp đến cao của làng quần vợt thế giới, kiểu như những tay vợt đã thành danh Nadal, Sharapova, Li Na…

Nếu Lý Hoàng Nam không tập trung ĐTQG dự David Cup thì suất đó có thể nhường cho người khác, chứ không nên áp đặt sẽ khiến VĐV rơi vào tình trạng lo sợ, mất tự tin. Ông Quỳnh cũng cho rằng cách làm của Liên đoàn Quần vợt khá lạc hậu và làm chậm sự phát triển của quần vợt Việt Nam.

Lý Hoàng Nam

Về điểm này, ông Quỳnh nói rất đúng. Thứ nhất, với quần vợt Việt Nam, Lý Hoàng Nam không phải là duy nhất, vẫn còn khá nhiều tay vợt khác có trình độ chuyên môn khá đủ đáp ứng yêu cầu thi đấu ở vòng loại David Cup, không nhất thiết phải triệu tập tay vợt này. Thứ hai, tay vợt của Bình Dương còn khá trẻ, cần những sân đấu vừa tầm, vừa tuổi để rèn luyện chuyên môn và tâm lý.

Không nên đặt quá nhiều sức ép thành tích lên vai của tay vợt này, vì điều đó tiếp tục chứng minh căn bệnh thành tích vẫn tồn tại và có thể ảnh hưởng đến giấc mơ chuyên nghiệp của quần vợt nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

Thể thao Việt Nam muốn chuyên nghiệp thì cần một tư duy chiến lược xuyên suốt. Nghĩa là những điển hình được đầu tư mạnh và đến nơi đến chốn như tay vợt Lý Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Thiên… cần được nhân rộng. Tận dụng nguồn lực của xã hội bên cạnh nguồn lực nhà nước là điều rất quan trọng trong chiến lược phát triển thể thao nước nhà.

Trường hợp của Lý Hoàng Nam không phải là duy nhất. Tay vợt này đang trong độ tuổi phát triển, chưa phải là xuất chúng đến độ quần vợt Việt Nam cứ phải trông cậy hết vào anh, trong khi toàn bộ kinh phí tập luyện, thi đấu và sinh hoạt, lương thưởng đều do đơn vị Becamex Bình Dương chi trả, chứ không phải là Liên đoàn Quần vợt quốc gia.

Đồng ý rằng, Hoàng Nam cần thực thi nhiệm vụ quốc gia khi được trao cơ hội, song đối với những diện VĐV tài năng và đang được địa phương đầu tư chuyên biệt và đưa ra lý do xin vắng mặt tạm cho là thuyết phục như HLV Trần Đức Quỳnh đã nêu ở trên thì giới chức quần vợt cũng nên thấu hiểu và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Nam tiến bộ hơn nữa. Gần thì chưa nói, nhưng dứt khoát nếu tiếp tục được đầu tư như thế này, tay vợt của Bình Dương sẽ thoát được cái “ao làng” Đông Nam Á để vươn xa hơn nữa…

Trong trường hợp Lý Hoàng Nam tiếp tục lắc đầu với đội tuyển quần vợt quốc gia, liệu liên đoàn có thật sẽ “xử” tay vợt trẻ và tài năng này như đã nói, hay chỉ lại… nói đùa? Tuy nhiên, diễn tiến của vụ việc này có nghiêng theo chiều nào đi nữa thì người trong giới quần vợt vẫn cho rằng rốt cuộc đấy chỉ là lời dọa suông của giới chức liên đoàn, dọa cho hả cơn giận vì cấp dưới chống lệnh, rồi mọi chuyện sẽ lại mau chóng chìm vào quên lãng.

Ai cũng hiểu, mối quan hệ giữa Liên đoàn Quần vợt quốc gia và đơn vị Becamex Bình Dương thời gian qua không ổn. Khi chưa tìm được tiếng nói chung, không cầu thị đến với nhau, rất khó để cùng chung tay giúp cho Lý Hoàng Nam hiện thực hóa giấc mơ dự sân chơi danh giá của quần vợt thế giới như Grand Slam. Vì vậy, cần lắm một sự đồng thuận, cần lắm một sự chuyên nghiệp từ tư duy từ cả hai phía, giới chức quần vợt Việt Nam và thầy trò HLV Lý Hoàng Nam.

Lê Hùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục