Chuyện của “nữ hoàng”

15:05 Chủ nhật 05/10/2014

Ở đây, “nữ hoàng” tức là môn điền kinh. Tại Asiad 17, điền kinh Việt Nam tiếp tục để lại dấu ấn đậm nét trong mắt của bạn bè. Vẫn chưa có tấm HCV đầu tiên, nhưng bù lại các VĐV trẻ tài năng đã lên tiếng, là tấm HCB 400m nữ của VĐV Quách Thị Lan, là HCB nhảy xa nữ của Bùi Thị Thu Thảo.

Quách Thị Lan là gương mặt được kỳ vọng lớn nhất của đội tuyển điền kinh trước vạch xuất phát, nhưng cô gái xứ Thanh đã chiến thắng sức ép cực lớn để bùng nổ trên đường đua 400m nữ. Còn nhớ, 2 năm nay, Lan là tâm điểm của những vụ rắc rối mà điền kinh Việt Nam dính phải.

Năm ngoái, trong giai đoạn chuẩn bị cho SEA Games 27 ở Myanmar, cô được đưa sang Bulgaria tập huấn cự ly 400m, dù đấy là xứ sở mạnh về… ném lao, đẩy tạ. Sau khi giới làm nghề phát hiện ra sai lầm nghiêm trọng của lãnh đạo bộ môn điền kinh trong việc chọn địa điểm và chuyên gia cho VĐV trẻ triển vọng này, sau đó cô được đưa về Malaysia tập huấn, song không đạt thành tích như mong đợi ở Myanmar 2013, dù lỗi đó không xuất phát từ cô.

Quách Thị Lan.

Đầu năm 2014, vẫn lại có tên Quách Thị Lan trong vụ ông trưởng bộ môn điền kinh tiếp tục “chọn nhầm” địa điểm và HLV cho chuyến “luyện vàng” của cô trên đất Mỹ với 3 đồng đội Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Thúy. Lại đổi chỗ, đổi thầy, nhưng dù muộn vẫn còn hơn không. Thành quả là Lan đã giành HCB cự ly 400m sở trường.

Giới làm nghề nuối tiếc vì lẽ ra nếu tổ chạy tiếp sức 4x400m được gửi đúng nơi tập huấn hiện đại ngay từ đầu, có thể họ đã không thất bại ở đường chạy chung kết vừa rồi. Nội dung này, điền kinh Việt Nam đã hy vọng có được tấm HCV.

Nhưng dù sao, Quách Thị Lan cũng lần đầu tiên giúp môn thể thao nữ hoàng đoạt được tấm huy chương 400m ở đấu trường Asiad. Nối tiếp là chiến tích HCB của Thu Thảo ở nội dung nhảy xa nữ. Đây là điều thú vị thực sự, vì trước lúc lên đường, VĐV của Hà Nội không nằm trong diện có thể tranh chấp thành tích với các VĐV mạnh châu Á. Thế nhưng, Thảo đã chứng minh, nếu có khát vọng và tận lực vì nó, thành công rồi sẽ tìm đến.

So với kỳ Á vận hội trước, điền kinh “hụt” 1 HCB và 2 HCĐ. Đáng tiếc nhất là trường hợp Vũ Thị Hương không thể tái lập thành tích của 4 năm trước tại các cự ly 100m và 200m nữ, Nguyễn Văn Hùng không thể hiện được phong độ ấn tượng như ở Đại hội thể thao Đông Nam Á năm ngoái, 2 VĐV cự ly trung bình Dương Văn Thái và Đỗ Thị Thảo tỏ ra lép vế trước các đối thủ, nhà vô địch đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc dính lỗi kỹ thuật…

Nhưng tất cả đều có lý do của nó và người trong giới điền kinh đều biết tường tận. Tức là dù mang trên vai trọng trách tìm kiếm huy chương, song các VĐV thuộc tổ, nhóm trọng điểm đều phải… tập chay trong nước từ đầu năm đến lúc lên đường sang Hàn Quốc, không có quân xanh, không có thử thách và đương nhiên cũng thiếu luôn động lực thi đấu.

Nguồn kinh phí dành cho điền kinh đã đổ dồn cho tổ 4x400m sang Mỹ tập huấn (theo lời của lãnh đạo bộ môn) nên không thể trách cứ hoặc quy lỗi cho Hương, Thái, Thảo, Hùng, Phúc vì đã thất bại trong nỗ lực tranh chấp huy chương. Trên thực tế, họ đã cố gắng hết mình nhưng “lực bất tòng tâm”.

Theo giới chuyên môn, họ rất đáng trân trọng, nhất là sau những đóng góp không biết mệt mỏi cho sự thịnh vượng của điền kinh Việt Nam suốt những năm tháng qua. Hãy tôn trọng họ thay vì chỉ trích, biểu lộ sự chán chường.

Lê Hùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục