Cái kết chẳng ai ngờ

15:51 Thứ hai 08/12/2014

(TinTheThao.com.vn) - 2014 có vẻ là năm kỳ lạ nhất của làng quần vợt trong một thập kỷ trở lại đây. Từ việc 2/4 Grand Slam không thuộc về “Big 4” cho tới kết cục đầy bất ngờ nhưng cũng cực kỳ hợp lý tại ATP World Tour Finals.

Djokovic đã hay…
 

Nổi lên trong bức tranh hỗn loạn của làng tennis năm 2014 vẫn là cái tên Novak Djokovic. Thành công mùa này của Djokovic được đo bằng 7 danh hiệu trải dài xuyên suốt từ đầu năm đến cuối năm. Trong đó bao gồm Grand Slam thứ bảy ở Wimbledon, 4 danh hiệu Masters 1.000 (Indian Wells, Miami, Rome, Paris) cùng chức vô địch ATP 500 (Bắc Kinh).

7 danh hiệu có thể vẫn còn là con số khiêm tốn so với 10 danh hiệu ở năm đỉnh cao 2011. Song nếu nhìn lại màn trình diễn của 3 ngôi sao khác của “Big 4” trong 11 tháng vừa qua thì hẳn Nole có quyền để tự hào. Nadal sau khi giành được 4 chiếc cúp mà đỉnh điểm là việc lần thứ 9 lên ngôi Roland Garros đã phải bỏ gần như toàn bộ nửa cuối mùa giải do chấn thương tay rồi bệnh viêm ruột thừa.

Djokovic khép lại một năm thành công bằng đỉnh cao là chức vô địch Wimbledon và ATP World Tour Finals. Ảnh: Internet

Kế đến Federer dù hồi xuân sau một năm tồi tệ nhưng cũng chỉ 1 lần lọt vào chung kết Wimbledon và bị chính Djokovic đánh bại. “Tàu tốc hành” Thụy Sỹ giành 5 danh hiệu, nhưng trong số đó chỉ có 2 Masters 1.000, tức kém một nửa so với Nole.

Thậm chí những gì mà Murray – người được xem là “em út” của nhóm tứ đại gia làm được còn bết bát hơn. Tay vợt 27 tuổi này thậm chí không vào được bất kỳ trận chung kết Grand Slam nào sau khi chia tay Ivan Lendl và mưu toan tìm bước ngoặt nơi Amelie Mauresmo. 3 danh hiệu ở cuối mùa tại Thâm Quyến, Vienna và Valencia chắc chắn chưa thể đủ để vớt vát lại hình ảnh của Murray, bởi chẳng ai đánh giá sự thành công của một ngôi sao lớn bằng những danh hiệu ATP 500 đổ xuống cả.

Quan trọng hơn, những thành công trong mùa giải giúp Nole có một chỗ đứng nhất định trong lịch sử làng tennis. Anh chỉ còn xếp sau Nadal, Federer, Lendl trong danh sách những tay vợt giàu thành tích nhất ở các giải Masters 1.000, xếp trong top 20 tay vợt giành nhiều Grand Slam nhất mọi thời đại.

…Lại còn hên

ATP World Tour Finals năm nay thêm một lần nữa chứng kiến thành công của Djokovic với lần thứ 3 liên tiếp ca khúc khải hoàn, và cũng là lần thứ 4 trong sự nghiệp anh lên ngôi tại O2 Arena. Trong gần ba thập kỷ qua, chỉ có duy nhất một người làm được điều tương tự là Ivan Lendl trong giai đoạn 1985-1987. Xét về số danh hiệu Nole tuy còn kém Federer (6 lần) nhưng anh vẫn khiến đồng nghiệp 33 tuổi phải ngả mũ về khoản duy trì phong độ ổn định sau một mùa giải dài hơi, nhiều biến động.

“Djokovic không chỉ hay mà lại còn hên” – John McEnroe, huyền thoại làng banh nỉ và cũng là bình luận viên có tiếng của kênh ESPN đã nói như thế khi Nole được Federer “biếu không” chức vô địch ATP World Tour Finals. Không hên sao được bởi Federer luôn là đối thủ rất khó chịu với Nole trong năm 2014 khi thắng tay vợt Serbia 3/5 lần và đó đều là những giải đấu theo thể thức 3 set.

Tuy nhiên việc Djokovic “bất chiến tự nhiên thành”, chỉ đánh 4 trận thay vì 5 trận như dự tính vẫn được xem là một kết quả hợp lý. Ông bố trẻ này trước đó đã nắm chắc ngôi số 1 sau khi toàn thắng các trận vòng bảng dù sức nóng của Federer có lúc đã đuổi rất sát phía sau gáy. Thế nên không lý do gì để nói Nole “ăn may” trong một giải đấu mà phong độ và tâm lý của anh cực kỳ thuyết phục, trong khi Federer tuyên bố rút lui vì chấn thương lưng nhưng đâu đó vẫn mưu toan tham vọng đoạt chức vô địch Davis Cup cùng đội tuyển Thụy Sỹ.

Thiếu Nadal là một tổn thất lớn

Nadal ghi dấu ấn trong mùa đất nện và nhiều người vẫn đang mong chờ vào sự trở lại của “Vua đất nện” trong năm 2015. Ảnh: Internet

Vài mùa giải trở lại đây có vẻ như vận rủi luôn thích đeo bám Nadal ở giai đoạn cuối. Tay vợt Tây Ban Nha sau khi lập kỷ lục lần thứ 9 vô địch Roland Garros đã bị loại sốc tại vòng 4 Wimbledon dưới tay Nick Kyrgios, rồi sau đó nghỉ hẳn 3 tháng ròng rã để điều trị chấn thương cổ tay. Anh bỏ luôn series các giải sân cứng tại Bắc Mỹ, tất nhiên cùng với đó là việc thâm hụt đến 4.000 điểm do không bảo vệ được danh hiệu ở Rogers Cup, Cincinnati và US Open.

Đánh dấu sự trở lại ở mùa sân cứng châu Á với căn bệnh viêm ruột thừa, Nadal không thể trình diễn thứ tennis tốt nhất như nhiều người vẫn kỳ vọng. Anh thua sớm ở China Open, Thượng Hải Masters và Basel Open – trong đó trận thua trước “cậu nhóc” 17 tuổi Borna Coric tại Basel như một giọt nước tràn ly khiến “Vua đất nện” tuyên bố nghỉ hết mùa để tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề về sức khỏe.

Nadal với lối chơi tiêu tốn quá nhiều thể lực thường bị “đuối” ở giai đoạn cuối mùa. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến anh chưa bao giờ vô địch ATP World Tour Finals dù đã từng 2 lần vào đến chung kết.

Có một thực tế chỉ ra rằng mặt sân ở những giải cuối năm bóng đi nhanh hơn và đó là lợi thế lớn của những chuyên gia chơi tấn công như Djokovic, Federer nhưng lại là bất lợi lớn với một tay vợt chuộng bóng bền như Nadal. Tuy nhiên khi ATP World Tour Finals khép lại, Djokovic chễm chệ ngôi đầu cũng là lúc nỗi nhớ Rafa dâng cao hơn bao giờ hết trong lòng người hâm mộ nói chung và các Nadalista (từ nôm na để chỉ fan của Nadal) nói riêng.

Federer vẫn thế, uy lực, bền bỉ và dũng mãnh tại các giải đấu theo thể thức 3 set. Nhưng một khi bị đối thủ kéo trận đấu vào set thứ ba (như trận bán kết với Wawrinka) thì y như rằng sau đó anh sẽ gặp vấn đề về sức khỏe mà cụ thể là những cơn đau ở lưng. “Tàu tốc hành” cống hiến cho người hâm mộ màn trình diễn xuất thần, cứu 4 match-point rồi thắng chung cuộc Wawrinka sau 2 giờ 50 phút. Song chưa đầy một ngày sau đó, quyết định bỏ cuộc của anh lại khiến tất cả phải sốc nặng. Với cái lưng đau (và cũng có thể là toan tính cho Davis Cup) như thế Federer khó mà toàn tâm toàn ý chơi một trận chung kết sòng phẳng với Djokovic.

Ở phần còn lại, Murray đánh mất mình trên sân nhà, trong khi các cựu binh lẫn tân binh khác trình diễn một thứ tennis không thể nhạt nhòa hơn. Hai yếu tố đó cộng lại đủ thấy Djokovic vẫn vượt trội so với một Federer đã có tuổi hay hàng chục đàn em tiềm năng nhưng chưa chịu… “lớn”. Thế mới nói chỉ Nadal mới đủ sức cùng Djokovic “cân” phần còn lại của làng banh nỉ.

Kỳ vọng lớn vào “Samurai” Nishikori

Nishikori – ngôi sao chơi tiến bộ nhất năm và hứa hẹn sẽ khuấy động làng quần vợt trong năm 2015. Ảnh: Internet

Chiến tích trở thành tay vợt châu Á đầu tiên giành ngôi á quân ở một giải Grand Slam giúp Nishikori được chào đón như thể một người hùng dân tộc sau khi trở về từ US Open.
Hơn hai tháng sau, kịch bản đó thêm một lần nữa được lặp lại khi anh lọt vào bán kết ATP World Tour Finals. Ở sân chơi xưa nay vốn dành cho những “gã khổng lồ” cao to đến từ châu Âu và châu Mỹ thì sự xuất hiện của một tay vợt chỉ cao 1m78 như Nishikori là một điểm nhấn rất đặc biệt.

Dù vậy “thua thể hình nhưng không yếu kỹ thuật”, Nishikori với khả năng dứt điểm tốt ở cả hai tay cùng bộ chân nhanh hiếm có đã thật sự trở thành hiện tượng ngay trong lần đầu dự giải. Khép lại 3 trận vòng bảng, Nishikori thắng 33 game, tức áp đảo so với hai tân binh khác là Marin Cilic (thắng 18 game) và Milos Raonic (thắng 11 game).

Từ một tay vợt được mệnh danh là “Dự án số 45” của quần vợt Nhật Bản (ngụ ý rằng anh sẽ là mục tiêu mũi nhọn trong việc vượt qua được thứ hạng tốt nhất của các tay vợt nam Nhật Bản trước đây (46). Nishikori tiến vào top 20 sau Wimbledon năm ngoái và rồi thực hiện cuộc “tổng tấn công” thật sự vào top đầu với hạng 5 hiện tại. Mục tiêu tương lai của Nishikori như chính anh chia sẻ là một Grand Slam để đời, và tất nhiên đó không phải là một cái đích quá sức nếu anh tiếp tục trình diễn thứ tennis như 11 tháng vừa qua.

Vấn đề với Nishikori lúc này, có chăng là hạn chế ở khoản thể lực và những cú giao bóng chưa xứng tầm. Cũng dễ hiểu bởi anh là một tay vợt châu Á, mà không ai bắt một tay vợt châu Á phải mạnh đều ở tất cả các kỹ năng cả.

TBK | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục