Bóng chuyền nam với những thống kê thú vị: Sở hữu một tay đập hoặc chuyền hai xuất sắc, cơ hội sẽ càng lớn!

16:59 Thứ năm 23/10/2014

Theo Thạc sĩ GDTC Huỳnh Thúc Phong – Phó hiệu trưởng Trường Năng khiếu thể thao Olympic (vừa mới thành lập – thuộc Trường Đại học TDTT TPHCM), một thống kê khá thú vị trong nhiều năm giảng dạy và huấn luyện bóng chuyền của ông, là đa số các đội bóng mạnh hoặc đoạt chức vô địch thường có sự đóng góp quan trọng của một VĐV chủ công hoặc một tay chuyền 2 xuất sắc.

Từ những mẩu chuyện ở Việt Nam…

Nguyễn Hữu Hà

Vị chuyên gia này đã nêu dẫn chứng: mới đây, tay chuyền hai kỳ cựu Lê Hồng Huy của TPHCM được Thể Công Binh đoàn 15 mời về và sau đó anh đã góp phần giúp đội bóng ngành quân đội đoạt chức quán quân ở Giải vô địch quốc gia PV Oil năm 2014. Còn nhớ cách đó 2 năm, từng có hiện tượng tương tự khi một tay chuyền hai khác xuất sắc không kém là Phạm Minh Dũng đã được Thể Công “tạm” cho mượn, để rồi sau đó anh cùng Sacombank Biên phòng đoạt chiếc cúp danh giá này của bóng chuyền Việt Nam sau mùa giải 2012.

Theo ông Phong, ngần ấy mới chỉ là phần “ngọn” sau này. Nếu thời trước có không ít cầu thủ chuyền hai xuất sắc thuộc thế hệ “tiền bối” như Đào Hữu Uyển, Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Văn Thư và thời kỳ đỉnh cao của bóng chuyền TPHCM không thể không nhắc đến công sức của Đặng Kim Sơn, Trương Hữu Vinh, Nguyễn Văn Hòa hay các tay đập lừng danh như Trần Minh Khang (Quân đoàn 4), Nguyễn Tuấn Mạnh (Thể Công), Cao Xuân Thái (Công nhân Hóa chất TPHCM), Lê Hồng Hảo (Seaprodex), Trần Văn Sơn (Vĩnh Long, đoạt chức VĐQG năm 1996) v.v. thì gần đây bóng chuyền nam Việt Nam lại xuất hiện thêm các tên tuổi lớn, như Nguyễn Hữu Hà của Tràng An Ninh Bình – VĐQG 2006 và của Đức Long Gia Lai – VĐQG 2013, Ngô Văn Kiều của Sanest Khánh Hòa – VĐQG 2008 v.v. gắn liền với thành tích lẫy lừng của những CLB họ đã khoác áo và đội tuyển Quốc gia.

… và “rộng” ra sân chơi cấp khu vực

Ông Phong cho biết, xét góc độ đấu trường của bóng chuyền nam Đông Nam Á trước năm 1995, thì Indonesia đoạt chức vô địch nhiều lần vì trong đội hình có tay chuyền 2 danh tiếng cả khu vực là Lourry. Sau nhiều năm nghỉ hưu, anh đã quay trở lại và tiếp tục giúp đội tuyển bóng chuyền nam của quốc gia “Vạn đảo” này thêm một lần lên ngôi cao nhất tại SEA Games 22 năm 2003 tổ chức ở Việt Nam.

Tuy nhiên, những tay đập xuất sắc của họ như Agip, Afan, Adam (từng có mặt tại Việt Nam, thi đấu cho đội Sanest Khánh Hòa) lại không thể giúp chiếm ngôi cao nhất tại Đông Nam Á những năm sau đó, vì trong đội hình đội nam Thái Lan đã có một ngôi sao rực sáng – chủ công Wangchai (từng thi đấu cho một số quốc gia vùng Tây Á, rồi các CLB Thép Việt TPHCM, Đức Long Quân khu 5, Đức Long Gia Lai của VN).

Và ông cũng nhắc lại chi tiết, ở SEA Games 24 năm 2007 tại Thái Lan, nhờ có tay đập lừng danh Ngô Văn Kiều làm nòng cốt, đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam đã lần đầu tiên giành HCB (sau Indonesia), với kỳ tích vượt qua đội bóng chủ nhà bằng chiến thắng thuyết phục, tỷ số 3 – 0. Rồi khi tay đập người Thái Lan được đánh giá hay nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay là J.Jirayu (từng sang chơi cho Tràng An Ninh Bình ở Giải VĐQG PV Oil và Sanest Khánh Hòa ở Siêu cúp Đạm Phú Mỹ – ĐăkNông 2013) xuất hiện để giúp đội nhà đoạt chức vô địch SEA Games 27 năm 2013 (tại Myanmar), giờ đây Thái Lan lại giới thiệu thêm một VĐV chuyền hai vô cùng “quái” nhưng chơi rất toàn diện là C. Saranchit.

Cho đến những ví dụ khác ở tầm vóc quốc tế

Chuyên gia Huỳnh Thúc Phong cung cấp thông tin: đội tuyển bóng chuyền nam của Liên bang Nga lên ngôi vô địch Olympic 2012 (London), VĐTG – World League 2013 (Argentina), vô địch châu Âu 2013 (Men Europe Champion, Denmark – Poland) v.v…, không thể thiếu tay đập được xem là “hiện tượng” của năm 2013 – Dimiity Musersky, cao 2,18m, tầm đập trên lưới 3,75m. Ngoài vai trò chính là một cầu thủ phụ công, anh còn có thể chuyển sang tấn công đa năng ở ngoài biên như một VĐV chủ công thực thụ.

Dimiity Musersky, VĐV có tầm chắn bóng cao nhất thế giới năm 2013

Còn trong 3 đội bóng hàng đầu thế giới năm 2013, nếu kể đội Brazil – với thành tích từng 9 lần VĐTG, 2 lần vô địch Olympic và nhiều danh hiệu trước đó, chẳng thể không nhắc đến Giba – tay đập toàn diện và vô cùng nhanh nhẹn.

Và điều tuyệt vời hơn ở chỗ, khi không còn Giba trong đội hình vào cuối năm 2013, thì tay chuyền hai Bruno Rezende (SN 1986, con trai HLV Bernardo Rezende) đã điều phối lối chơi để giúp dàn VĐV trẻ chưa tên tuổi như Wallace De Souza (1987), Lucas Saatkamp (1986) v.v… vẫn giữ vững vị trí số 1 thế giới.

Chưa hết, theo chuyên gia Huỳnh Thúc Phong, đối với đội hạng 3 thế giới Italy, việc họ đánh bại cả Brazil và Nga trong năm 2013 có sự đóng góp quan trọng của tay đập số 1 châu Âu 2014 Ivan Zaytsev (1988). Ông Phong tiết lộ thêm một chi tiết thú vị, VĐV xuất sắc này của Italy chính là con trai của tay chuyền hai huyền thoại Vyacheslav Zaitsev trước đây, từng góp phần đưa đội Liên Xô (cũ) đoạt chức vô địch Olympic và VĐTG nhiều lần.

Và để kết thúc phần giới thiệu về những sự kiện thú vị này, ông Huỳnh Thúc Phong đã đưa ra nhận định: Việc xây dựng chiến thuật thi đấu dựa trên năng lực, trình độ kỹ – chiến thuật cá nhân của các VĐV xuất sắc trong đội hình cũng là một trong những xu thế thi đấu của bóng chuyền hiện đại.

Thu Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục