Australia Open 2014: Chiến thắng để đời của Robert

13:34 Chủ nhật 19/01/2014

Với tay vợt Stephane Robert, chiến thắng có điểm số 6/0, 7/6 (7-2), 6/4 trước Martin Klizan (Slovakia, hạng 106) là một chiến thắng của cả cuộc đời. Đây là lần đầu tiên mà tay vợt luôn phải dành phần lớn sự nghiệp của mình để “lặn ngụp” ở các giải đẳng cấp Challenger (không thuộc hệ quản lý của ATP mà của ITF, nhưng vẫn được ATP tính điểm) lọt vào vòng 16 của Australia Open.

Anh cũng là tay vợt đầu tiên bị loại ở vòng loại nhưng vẫn nhận được suất vào vòng đấu chính vì một đối thủ khác bỏ cuộc lọt đến vòng 4 trong lịch sử của Melbourne Park. Người đàn ông 33 tuổi quê ở Montargis (Pháp) đang thưởng thức quãng thời gian tuyệt vời nhất trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của mình, và sau đó, anh có thể… giải nghệ trong hạnh phúc!

Khoản tiền thưởng khổng lồ

Robert sẽ kiếm được ít nhất 135 ngàn đô-la Australia (bằng 118.900 USD) sau chiến thắng trước Klizan (cũng là một tay vợt bị loại ở vòng loại nhưng vẫn nhận được suất vào vòng đấu chính vì một đối thủ khác bỏ cuộc).

Đây là khoản tiền không lớn, nếu so với những thu nhập “khủng” như của những “triệu phú USD” như là Roger Federer, Novak Djokovic, nhưng với Robert, đó là khoản tiền thưởng bằng đến… 1/9 tổng thu nhập của chính anh sau 13 năm lăn lộn ở các giải đẳng cấp Challenger.

Có lẽ Robert (hiện xếp hạng 119 thế giới, từng leo lên vị trí 61 ATP trên bảng xếp hạng hồi năm 2010, sẽ quay trở lại tốp 100 sau khi Australia Open 2014 kết thúc) nên nói lời cám ơn tay vợt Đức Philipp Kohlschreiber. Nếu anh này không bất ngờ rút lui vì chấn thương, Robert khó có cơ hội trời cho này.

Tất nhiên, khoản tiền trên sẽ còn được nhân lên nhiều lần nếu như Robert giành chiến thắng trong trận đấu vòng 4. Tiền vốn không phải là tất cả, nhưng ở đây, nó lại là thước đo sự thành công bất ngờ của tay vợt kém tiếng người Pháp này…

Chính Robert cũng phải lên tiếng thừa nhận: “Năm ngoái là một mùa giải rất khó khăn đối với bản thân tôi, vì tôi tuột xuống tuốt vị trí hạng 280 thế giới. Đó là lý do tôi phải rất kỹ lưỡng và thận trọng với chuyện tiền nong và đôi khi tôi phải di chuyển đến các địa điểm thi đấu theo kiểu khách du lịch tiết kiệm chi tiêu tối đa.

Thậm chí, đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện mình nên giải nghệ. Nhưng tôi vẫn tiếp tục, và tôi vui vì như vậy. Tôi không suy nghĩ nhiều. Tôi không cần bất kỳ thứ gì. Tôi thấy hạnh phúc với những gì mình đang làm. Thỉnh thoảng tôi có thể ngủ vạ ngủ vật ở đâu cũng được, khi tôi không tập luyện, và đôi khi ở một giải đấu cũng vậy, vì điều đó là rất thoải mái và thú vị.

Ở cuối mùa giải năm ngoái, tôi đã nhận thức được rằng nếu tôi còn muốn chơi thật nhiều giải Challenger, tôi phải chơi tốt ở Grand Slam, nơi tôi có thể kiếm được những khoản tiền lớn. Tôi không biết liệu nó có thay đổi động lực của tôi hay không, nhưng chắc chắn là việc đạt được các kết quả tốt ở đấu trường Grand Slam sẽ mang lại điều hay”.

Stephane Robert trên sân đấu.

Khoản hỗ trợ quý báu

Hàng năm, có rất nhiều tay vợt chọn… không bay đến Australia để đánh vòng loại bởi vì chi phí di chuyển, và ăn ở quá đắt đỏ, trong khi khả năng lọt vào vòng chính và kiếm được tiền thưởng để trang trải lại không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên mà BTC Australia Open, trong nỗ lực tạo cơ hội và điều kiện cho tất cả mọi người, đã đưa ra sáng kiến chi thêm 1.500 đô-la Australia cho tất cả các tay vợt đến tham gia. Khoản tiền đó không nhiều, thật ra chỉ là nhỏ xíu so với tiền thưởng dành cho nhà vô địch vốn lên đến 2,65 triệu đô-la Australia, nhưng nó là khoản hỗ trợ cần thiết cho các tay vợt kém tên tuổi quanh năm chỉ quanh quẩn ở các giải đấu có tổng tiền thưởng vỏn vẹn 40 ngàn USD. Ngoài Robert, nhiều tay vợt được hưởng lợi từ khoản tiền này.

Blaz Rola (Slovenia, hạng 185 ATP) nói: “Tôi đang ở New Caledonia để tham dự một giải Challenger ở đây, rồi tôi được chi 1.500 đô-la Australia để bay đến Melbourne. Tôi sẽ không còn lo về chi phí di chuyển và ăn ở. Đó là một sự ngạc nhiên lớn lao. Nhưng cũng phải thú thật, nếu bạn có thứ hạng quá thấp, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính”.

Katarzyna Piter (Ba Lan, hạng 119 ATP) thì nói: “Là một tay vợt nằm ngoài tốp 100, tôi thường phải chi tiền nhiều hơn khả năng kiếm tiền thưởng. Khoản hỗ trợ của BTC Australia giúp tôi rất nhiều. Tôi sẽ dùng nó để chi vào các khoản chi phí máy bay, di chuyển và ăn ở!”.

Đỗ Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục