‘Ánh Viên nên tập trung vào nội dung 400 m hỗn hợp’

10:05 Thứ sáu 14/08/2015

Tiến sĩ Chung Tấn Phong, Giám đốc trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu, TP HCM cho rằng Ánh Viên cần tập đầu tư mạnh vào nội dung 400 m hỗn hợp để có thể tranh huy chương Olympic.

* Ánh Viên vừa đoạt HCB nội dung 400 m hỗn hợp cá nhân tại Cúp bơi lội thế giới với thành tích 4 phút 40 giây 79. Anh nhìn nhận thế nào về thành tích này?

- Tiến sĩ Chung Tấn Phong: Trước tiên, tôi muốn nói rõ về các giải đấu mà Ánh Viên tham dự thời gian qua. Giải VĐTG tại Kazan mới đây được Liên đoàn bơi thế giới (FINA) tổ chức 2 năm một lần và có chuẩn tham dự đàng hoàng. Mức chuẩn của giải này không thấp hơn Olympic là bao. Hầu hết các quốc gia đều cử lực lượng mạnh nhất tham dự Giải VĐTG.

Còn Cúp thế giới ở Moscow là giải đấu tổ chức thường niên. Mỗi năm, FINA tổ chức Cúp thế giới từ tháng 8 đến tháng 11 tại 8 thành phố. Tổng giá trị giải thưởng của giải đấu này lên đến 2 triệu USD. VĐV đạt thành tích tại những vòng đấu của Cúp thế giới được nhận tiền thưởng và điểm thưởng. Ngoài ra, VĐV nào có thành tích cao nhất trong hệ thống Cúp thế giới một năm có thể nhận đến 100.000 USD.

Cúp thế giới nơi Ánh Viên giành 1 HCB, 1 HCĐ không phải là sân chơi đỉnh cao của bơi thế giới, thiếu vắng nhiều tên tuổi lớn. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, Cup thế giới không quy tụ những VĐV hay nhất, cách thức thi đấu cũng khác khi các VĐV chỉ phải thi 2 vòng, hoặc không đấu loại mà thi đấu luôn để tranh chấp huy chương (như nội dung 400 m hỗn hợp của Ánh Viên). Còn ở giải VĐTG, VĐV phải thi đấu vòng loại, bán kết rồi mới đến chung kết tranh huy chương, tính cạnh tranh rất cao.

* Tại Moscow, Ánh Viên bơi rất tốt ở 300 m đầu tiên nội dung 400 m hỗn hợp, các chỉ số chuyên môn tốt hơn giải VĐTG nhưng cô lại hụt hơi ở 100 m cuối cùng. Anh nghĩ sao về điều này?

- Như tôi đã nói ở trên, chúng ta không so sánh thành tích ở Cúp thế giới với giải VĐTG được đâu. Cúp thế giới vắng mặt những đối thủ giỏi nhất, lại tổ chức quá gần so với Giải VĐTG nên khó lòng đánh giá chính xác về mặt chuyên môn. Việc giành HCB hay HCĐ Cúp thế giới cũng không nói lên điều gì cả.

Thành tích của mỗi các VĐV ở mỗi chặng đua là tổng hợp của nhiều yếu tố từ phong độ, tốc độ xuất phát, khả năng tăng tốc… nên thành tích chênh lệch nhau là chuyện bình thường. Tôi thấy Ánh Viên cũng như một số VĐV khác đạt thành tích nhìn chung thấp hơn so với Giải VĐTG. Đó cũng là chuyện dễ hiểu khi họ đã tính toán mọi thứ cho giải đấu ở Kazan.

* Anh đã xem Ánh Viên thi đấu ở Giải VĐTG, vậy anh thấy kỹ thuật của cô ấy từ xuất phát cho đến quay vòng như thế nào?

- VĐV Việt Nam, trong đó có Ánh Viên kỹ thuật không tệ nhưng so với trình độ đỉnh cao của thế giới vẫn thấp hơn. Những điều này liên quan tới nhiều thứ. Chẳng hạn như việc xuất phát liên quan đến sức bật, sự phản xạ - tức từ lúc nghe tín hiệu đến khi rời bục, rồi động tác uốn sóng bướm trước khi ngoi lên vạch 15 m…

Mặc dù nói là động tác xuất phát và quay vòng nhưng nó là tập hợp của nhiều kỹ năng trong đó, bao gồm cả tốc độ, sức mạnh, thể lực, phản xạ, kỹ thuật. Về kỹ thuật quay vòng, tôi nhận thấy hiện nay các VĐV thế giới đã thực hiện kiểu mới là quay vòng vô rồi đạp ra trong tư thế nằm ngửa rồi mới chuyển qua nằm sấp, giúp bơi nhanh hơn, còn VĐV Việt Nam vẫn quay vòng theo kiểu cũ.

Ánh Viên kỹ thuật có thể không thua kém những đối thủ hàng đầu thế giới là mấy, nhưng cô ấy không bằng về thể hình, sức mạnh hay tốc độ xuất phát, uốn sóng bướm, quay vòng không tốt nên ít nhiều ảnh hưởng đến thành tích.

Ánh Viên được khuyên nên đầu tư mạnh vào nội dung 400 m hỗn hợp cá nhân để tranh chấp huy chương Olympic. Ảnh: Internet.

* Nói về thể hình, VĐV Katinka Hosszu, người về nhất nội dung 400 m hỗn hợp cá nhân chỉ có chiều cao 1,7 m, tức thấp hơn Ánh Viên (1,73 m). Tuy nhiên, cô ấy bỏ Ánh Viên khá xa ở lượt bơi chung kết?

- Thể hình chỉ là một trong yếu tố ảnh hưởng đến thành tích. Katinka Hosszu không cao như Ánh Viên nhưng độ dày cơ thể, sức mạnh tốt hơn… Ngoài ra, thành tích của VĐV còn đến từ thâm niên tập luyện, kỹ thuật, sức mạnh tổng hợp, trình độ khởi điểm ban đầu.

HLV Đặng Anh Tuấn cũng nói rằng Ánh Viên tập luyện muộn hơn so với các VĐV khác. Thời điểm cô ấy bắt đầu đi vào tập luyện bài bản là năm 14 tuổi, trong khi VĐV thế giới tập bơi từ rất sớm, có thể 5-6 tuổi và khi đến 14 tuổi, họ đã đạt trình độ khá cao. Ánh Viên không có giai đoạn khởi điểm sớm nên thiệt thòi hơn trong quá trình tiệm cận trình độ thế giới.

- Trong số những nội dung Ánh Viên thi đấu tốt thời gian gần đây, anh nghĩ nội dung nào cô ấy cần tập trung để nhắm đến huy chương Olympic?

- Tôi nghĩ Ánh Viên cần đầu tư mạnh vào nội dung 400 m hỗn hợp cá nhân. Chúng ta cần dựa vào bảng xếp hạng của FINA. Thành tích 400 m hỗn hợp của Ánh Viên có thứ hạng tốt hơn 200 m hỗn hợp. FINA liên tục cập nhật thành tích, thông số xếp hạng ngay sau mỗi giải đấu chính thức. Do đó, khi thấy nội dung nào mình có thứ hạng tốt, rõ ràng có ưu thế tiếp cận hơn.

Thầy cũ Ánh Viên: HLV Võ Thanh Bình của Trung tâm thể thao Quốc phòng 4 cho biết nếu được chọn để đầu tư, ông cũng hướng cho học trò thi đấu nội dung hỗn hợp, bởi Ánh Viên bơi 4 kiểu khá toàn diện. Thành tích khi bơi ếch - nội dung cô yếu nhất cũng cải thiện hơn so với SEA Games. Ngoài ra, ông cũng cho biết Ánh Viên có nhược điểm lớn là kỹ thuật cơ bản không tốt so với các VĐV thế giới, điều này xuất phát từ việc cô ăn tập khá muộn, thiếu thốn nhiều thứ....
Nguyễn Đăng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục