Thể thao Việt Nam và vấn đề đào tạo trẻ - Mối lo thường trực (Bài 2): Những mảng màu sáng tối

18:24 Thứ hai 16/09/2013

Cơ thể nền thể thao Việt Nam (TTVN) đang tồn tại nhiều vấn đề, điều đó để lại hậu quả không tốt cho sự phát triển, trong đó có công tác đào tạo trẻ. Gần đây, sau ĐH Thể thao trẻ Châu Á tại Nam Kinh (Trung Quốc), lãnh đạo Tổng cục TDTT đã phải giật mình về tình trạng mỏng lực lượng, rõ nhất là ở đội tuyển điền kinh.

Chế độ dinh dưỡng cần được nâng cao để VĐV trẻ tích cực tập luyện, giành thành tích cao. Ảnh: Bảo Lâm

Hôm đó, chứng kiến cuộc thi nhảy 3 bước nữ, người trong cuộc không khỏi băn khoăn về cách đầu tư xây dựng lực lượng. Chuyện là VĐV Nguyễn Thị Trúc Mai sau khi bất ngờ giành tấm HCV ở môn nhảy xa, đến hôm sau đã phải thi nhảy 3 bước dù bị chấn thương ở chân. Ra đến hố nhảy, cả lãnh đội lẫn VĐV Việt Nam không khỏi giật mình vì 26 VĐV của các nước bạn đều không tham dự nhảy xa trong ngày hôm trước như Trúc Mai.

Các quốc gia thường cho VĐV chuyên tâm vào một nội dung chuyên biệt chứ không như điền kinh Việt Nam là VĐV có khi cùng lúc theo đuổi nhiều nội dung. Địa phương cũng vậy mà đội tuyển quốc gia cũng làm vậy. Đặc biệt, cấp địa phương coi trọng chuyện này vì cần huy chương ở các giải quốc nội. VĐV có thể tham gia và đoạt huy chương bao nhiêu môn là các nhà quản lý, HLV xếp cho đủ chứ ít người tính đến khả năng chấn thương. Người trong cuộc đều biết nhảy xa và nhảy 3 bước đòi hỏi kỹ năng, kỹ thuật và chu trình huấn luyện khác nhau, cũng như chạy 800m và 1.500m nhất định là không thể giống nhau được. Chẳng hạn VĐV điền kinh nổi tiếng Trương Thanh Hằng chỉ có thể thi đấu tốt nhất ở nội dung 800m, còn nội dung 1.500m với cô chỉ là sở đoản... Các nhà quản lý bộ môn điền kinh cũng muốn được như "người ta", nhưng kẹt nỗi kinh phí phân bổ có hạn. Cả 5 địa điểm huấn luyện thể thao quốc gia chỉ có 60 VĐV trẻ điền kinh được triệu tập, muốn gọi thêm VĐV lên tuyển thì bộ môn phải được phân bổ kinh phí nhiều hơn. Người trong cuộc chỉ hy vọng từ năm sau, nhờ cú hích từ tấm HCV tại ĐH Thể thao trẻ Châu Á của Nguyễn Thị Trúc Mai, kinh phí tập huấn đội tuyển trẻ quốc gia của bộ môn sẽ khá hơn các năm trước, như thế các HLV mới có thể rộng đường tính toán khâu nhân sự cho đội tuyển.

Ngân sách hạn hẹp, trong khi đó, các liên đoàn thể thao chưa đủ sức gánh vác cùng Nhà nước nên cái vòng luẩn quẩn đó vẫn cứ tiếp diễn. Hiện nay, mức dinh dưỡng cho VĐV trẻ thường kém các VĐV đội tuyển quốc gia. Cấp địa phương cũng theo cách làm của trung ương, đại khái là VĐV trẻ thì "ăn ít thôi", khi nào vào đội 1 thì "ăn nhiều cũng không muộn". Tư duy ấy còn được thể hiện ở khâu tập trung tập huấn cho VĐV trước mỗi giải đấu lớn. Từ đầu năm, VĐV được hưởng một loại chế độ, đến lúc chuẩn bị vào giải thì được hưởng một mức khác dù khoa học chỉ ra rằng ở thời kỳ đầu của chu kỳ tập huấn, VĐV cần được hưởng chế độ dinh dưỡng như lúc sắp thi đấu. Sự chăm lo không đúng cách tạo ra hệ lụy, rõ nhất là chuyện VĐV không "ních" nổi khẩu phần bỗng nhiên tăng vọt trong giai đoạn trước các ĐH thể thao lớn. Nhiều HLV khẳng định chuyện nói trên ảnh hưởng nhiều đến thành tích trong tương lai của VĐV. Nhiều lần, các nhà quản lý, HLV các bộ môn đã kiến nghị một chế độ ăn phù hợp với VĐV trẻ - ngang bằng và thậm chí là hơn mức dành cho các VĐV đội tuyển quốc gia, đặc biệt là ở một số môn hao sức như vật, cử tạ, điền kinh - nhưng vẫn không thay đổi được tình hình.

Ngay sau ĐH Thể thao trẻ Châu Á 2013, Tổng cục TDTT đã có những động thái tích cực nhằm đầu tư tốt hơn cho các VĐV trẻ. Điển hình là nâng chế độ dinh dưỡng cho VĐV trẻ xuất sắc tại các trung tâm huấn luyện từ 150.000 đồng/ngày lên 200.000 đồng/ngày, bằng mức ăn của các VĐV đội tuyển quốc gia. Đó có thể coi là sự đổi mới tư duy tích cực của nhà quản lý thể thao.

Tuy nhiên, đó là sự thay đổi dành cho VĐV cấp độ quốc gia, chứ tại các địa phương hiện tại, do ngân sách hạn chế nên chế độ dinh dưỡng cho VĐV trẻ thường không cao, nhất là ở các tỉnh khó khăn. Trong cơn bão giá ập đến, thật khó tin khi biết rằng VĐV trẻ ở nhiều nơi thường chỉ nhận được mức ăn 45.000 đồng - 60.000 đồng/ngày, thậm chí còn ít hơn. Với mức ấy, thật khó đòi hỏi VĐV trẻ có một chân đế tốt khi đang trong tuổi ăn tuổi lớn, lại phải tập những môn thể thao nặng nhọc. Gần đây, một số địa phương đã nâng khẩu phần ăn cho VĐV trẻ lên mức 90.000 đồng/ngày, nhưng không phải địa phương nào cũng làm được điều đó.

Khi không còn chương trình thể thao quốc gia, không còn được trung ương hỗ trợ như trước, các địa phương có muốn đưa VĐV lên đội tuyển quốc gia cũng khó, do các đội tuyển đều đã "kín chỗ". Trong điều kiện ấy, trừ trường hợp địa phương "chịu chơi, chịu chi" (như Hà Nội gửi VĐV trẻ lên đội tuyển trẻ quốc gia và chịu mọi chi phí) thì VĐV trẻ mới có cơ hội tập luyện trong môi trường tốt nhất, còn không đành chịu, đành chấp nhận để VĐV tập ở môi trường ít sự cạnh tranh, có thể khiến tài năng trẻ thui chột lúc nào không hay.

Đó mới chỉ là chuyện ở nhiều môn thể thao phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn kinh phí bao cấp. Những môn khác, đặc biệt là những môn có khả năng tạo nguồn xã hội hóa như bóng đá, bóng chuyền, cờ vua… thì sao?

(Còn nữa)

Mai Hoa - Vũ Quỳnh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục