Việt Nam đăng cai AFF Cup 2014: Hãy nghĩ đến người hâm mộ

15:29 Thứ năm 04/04/2013

“Cầu thủ, HLV, họ cứ nói là buồn hay thất vọng, sau những thất bại. Nhưng, chúng tôi, những CĐV chân chính và không nề hà, lặn lội qua tận đây để cổ vũ đội bóng, mới là những người buồn nhất, đáng thương nhất”, PV vẫn chưa quên những nhắn nhủ của vợ chồng CĐV già Khánh Hồng trên đất Indonesia, ở thời điểm ĐT U23 Việt Nam để thua chủ nhà trong trận bán kết.

Việc làm chủ nhà của vòng bảng AFF Cup 2014 sẽ giúp ĐT Việt Nam có cơ hội lặp lại chiến tích năm 2008. Ảnh: VSI

Thông tin về việc Việt Nam giành quyền đăng cai vòng bảng AFF Cup 2014 thực sự rất đáng mừng. Nhưng, khoan nghĩ tới một suất chơi bán kết nhiều thuận lợi, mà hãy nghĩ đến quyền lợi của CĐV trước nhất, và xa hơn là quyền lợi xã hội.

Được gì?

Với việc làm chủ bảng, lẽ đương nhiên ĐT Việt Nam sẽ nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của CĐV nhà. Sân Mỹ Đình sẽ lại được nhuộm đỏ, hệt như SEA Games 22 hay các trận đấu thuộc vòng bảng Asian Cup 2007… Cho đến thời điểm này, đó vẫn là những mốc son chói lọi của lịch sử nền bóng đá.

Trong khi U23 Việt Nam tiến một mạch đến trận chung kết một kỳ Đại hội được tổ chức lần đầu tiên trên sân nhà, thì ĐT Việt Nam năm 2007 đã lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất châu lục, với sự sát cánh của hàng ngàn, thậm chí hàng triệu, người hâm mộ.

Ngoài những dữ kiện liên quan đến chuyên môn bóng đá, trong ít nhất 2 giải đấu quan trọng mà Việt Nam là đồng chủ nhà, các khía cạnh khác về mặt tâm lý hay cơ sở phát triển nền kinh tế (rất khó đong đếm), chúng ta cũng được hưởng lợi rất nhiều.

Năm 2003, lần đầu tiên Việt Nam giới thiệu với bè bạn quốc tế các hạng mục đầu tư trọng điểm về thể thao, để nhận sự tin tưởng, tiếp tục được giao cơ hội tổ chức Asian Cup 2007, rồi Asian Indoor Games… Và như là một sự phát triển có logic, khi với những lớn mạnh về thể thao, chúng ta sẽ tiếp tục làm chủ nhà Asian Games 2019.

Trở lại với bóng đá, môn thể thao vua và luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm, thậm chí là đặc cách của xã hội. Bóng đá Việt Nam trong cơn khủng hoảng diện rộng, hẳn rất cần một gói kích cầu để xóa tan những u tối. Chúng ta đã từng thất bại ở AFF Cup 2012 và hẳn phải là dịp may hiếm có, khi giải đấu được tổ chức trên sân nhà lần này. Cơ hội để viết một trang sử mới cho nền bóng đá là đây!

Chỉ một điều chắc chắn rằng, người hâm mộ chắc chắn sẽ được xem AFF Cup trên sân nhà, mà không mất tiền mua vé máy bay và thuê khách sạn ở nước ngoài.

Và (có thể) sẽ mất gì?

Vẫn phải nỏi lại, rằng AFF Cup (hay SEA Games) chỉ là đấu trường khu vực, với tiếng vang và cả độ khốc liệt của nó không nhiều. Về mặt chuyên môn, các giải đấu này cũng chưa thể đo năng lực cạnh tranh cho nền bóng đá, với đỉnh cao là các ĐTQG. Bằng chứng là từ Thái Lan, đến Singapore, Malaysia và ngay cả Việt Nam, dù đã lên ngôi số một Đông Nam Á, nhưng khi bước ra đấu trường châu lục, chỉ toàn thua với bại. Duy nhất lần vô địch AFF Cup 2008, chúng ta gần như không mất gì, nhưng cái được là rất khó cân-đo-đong-đếm.

Tại AFF Cup 2014 trên sân nhà, ĐT Việt Nam sẽ chào đón lứa cầu thủ đang vào độ chín, sau SEA Games 2013 vào cuối năm nay. Nó cũng hệt như một ĐT Việt Nam trong năm 2008, với thừa hưởng từ các lứa U23, cũng như ĐT Olympic chơi thành công tại các trận đấu vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008. Tức là về mặt cơ sở, chúng ta có quyền tự tin vào thành công tại giải đấu trên sân nhà, với ít nhất 3 trận đấu vòng bảng được tổ chức tại Mỹ Đình. Nhưng cần lưu ý rằng, với bóng đá Việt Nam tại giải đấu cấp khu vực, cuộc chơi chỉ được tính từ vòng bán kết.

Trên sân nhà, lợi thế (địa lợi) cũng có thể là một bất lợi (sức ép vô hình), nếu ĐT Việt Nam không thể hiện được bản lĩnh, cũng như năng lực chinh phục. Không thiếu những viện dẫn trong quá khứ, khi chúng ta thường chơi như gà mắc tóc trước các đối thủ ngang cơ. Từ Hàng Đẫy, đến Mỹ Đình, hiện vẫn còn ghi dấu tích. Trận thua Singapore ở chung kết Tiger Cup 98 (giải đấu tiền thân của AFF Cup sau này), đến lần thúc thủ trước Philippines (AFF Cup 2010) là những ví dụ!

Nói tóm lại, may hay rủi cũng còn tùy! Điều quan trọng là tiêu chí hướng tới, vì thành tích hay vì khán giả. Nếu chỉ lăm lăm thành tích, e rằng lợi bất cập hại!
Tuỳ Phong | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục