'Việt Nam chưa đủ điều kiện để có huy chương Olympic'

18:48 Thứ tư 23/03/2016

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng nếu Việt Nam giành huy chương ở Olympic 2016 một phần là nhờ may mắn hoặc nỗ lực của VĐV chứ quá trình chuẩn bị còn quá nhiều thiếu thốn.

Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng dù đặt chỉ tiêu có huy chương tại Olympic 2016 là đúng nhưng hiện giờ thể thao Việt Nam lại thiếu quá nhiều yếu tố để làm nên một chiếc huy chương chứ chưa nói gì đến HCV Olympic.

Ông Minh phân tích: "Trước hết chúng ta nên nhìn nhận việc vượt qua các cuộc thi đấu vòng loại để giành vé chính thức dự Olympic đã là một bước tiến đáng ghi nhận của thể thao Việt Nam. Nếu so với các cột mốc trước đây, từ Olympic lần đầu tiên thể thao Việt Nam tham dự vào năm 1980 đến vài kỳ Olympic sau đó thì thành tích của chúng ta có thể nói là rất kém và khi đó mới chỉ nên dùng từ hội nhập."

Ông Nguyễn Hồng Minh (phải) được coi là một trong những chuyên gia đầu ngành. Ảnh: TTVH.

Nhưng theo ông Minh, khái niệm hội nhập cũng không nên kéo dài tới 30-40 năm sau đó và rồi lịch sử thể thao Việt Nam đã chứng minh được những bước tiến không ngừng khi giành tới 2 HCB tại Olympic Sydney năm 2000 và Olympic Bắc Kinh năm 2008. Vì thế mục tiêu giành huy chương tại Olympic vào tháng 8 tới là đúng với qui luật phát triển, chứ bây giờ thì không thể đặt ra mục tiêu đơn thuần là đi để hội nhập nữa.

"Đặt ra mục tiêu có huy chương nhưng thực ra thể thao Việt Nam lại thiếu quá nhiều yếu tố để có thể làm nên tấm huy chương ấy. Từ việc thiếu kinh phí đến hệ thống cơ sở vật chất, các trang thiết bị dành cho việc tập luyện và thi đấu rồi các điều kiện về việc áp dụng khoa học kỹ thuật, dinh dưỡng, thuốc men,... vẫn chưa đủ trong khi các nước khác lại có sự đầu tư rất mạnh mẽ," ông Nguyễn Hồng Minh nói.

Thạch Kim Tuấn đang chấn thương nhưng không có bác sĩ theo kèm trong chuyến tập huấn tại Mỹ. Ảnh: Hoàng Hải Thịnh.

Chẳng hạn như ở Anh để đầu tư cho cặp anh em đua xe đạp lòng chảo giành 2-3 HCV Olympic, người ta mất tới 39 triệu bảng Anh cho một VĐV, các nước ở Tây Âu mất 30-34 triệu USD cho 1 tấm HCV. Ở Trung Quốc, VĐV 110 m rào nam Lưu Tường được đầu tư tới 4 triệu USD mỗi năm cho mục tiêu trở thành nhà vô địch Olympic,... Trong khi đó, Ánh Viên cho tới giờ này mới được đầu tư khoảng 7 tỷ đồng trong 4 năm qua. "Vậy thì chúng ta rất khó khăn cho việc đoạt được HCV vì tất cả VĐV ưu tú chưa được đáp ứng đủ điều kiện để bứt phá," cựu trưởng đoàn thể thao Việt Nam khẳng định.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, việc thể thao Việt Nam chưa giành được huy chương là có cơ sở và nếu chúng ta giành được huy chương là do các VĐV đã quá xuất sắc, quá may mắn vượt lên được những khó khăn để tỏa sáng. Ông Minh cũng nêu lên ví dụ rằng người ta sẽ không thể hiểu nổi vì sao một đội tuyển bắn súng với những xạ thủ lừng danh như Hoàng Xuân Vinh, từng giành 2 HCV Cúp thế giới rồi Quốc Cường cũng xuất sắc như thế nhưng cho tới giờ vẫn thiếu đạn để bắn, vẫn thiếu bia di động để tập. Và việc đội tuyển bắn súng cứ phải tập huấn nay đây mai đó chẳng qua cũng là để nhờ vào các điều kiện tập luyện có đạn và bia di động ở các nước khác.

"Bắn súng cũng là đội tuyển trọng điểm có huy chương nhưng cứ thiếu trước, hụt sau như thế thì rất khó cho việc hoàn thành chỉ tiêu. Với đội tuyển cử tạ mà Thạch Kim Tuấn là VĐV số 1 cho mục tiêu có huy chương cũng vậy. Sắp tới đội này sẽ được đưa sang Mỹ tập huấn nhưng Tuấn chấn thương như thế mà không có bác sĩ cùng đi. Thật sự Thạch Kim Tuấn rất cần một bác sĩ chăm sóc riêng cho chấn thương nhưng vì không có tiêu chuẩn, không có kinh phí nên đành chịu," ông Minh đau đáu.

Vị chuyên gia lão làng này của thể thao Việt Nam cũng nói bằng kinh nghiệm mấy chục năm công tác trong ngành thể thao, được tham dự nhiều đấu trường lớn, ông Minh thấy rằng ở các nước khác, việc chăm sóc 1 VĐV ưu tú cần tới 5-7 người, kể cả các bác sĩ, HLV, chuyên gia thể lực, nhà quản lý,... Thế nhưng bây giờ Thạch Kim Tuấn bị chấn thương mà không thể có bác sĩ đi cùng... mới thấy hết cái gian nan mà các VĐV phải vượt qua khi phấn đấu cho mục tiêu cao nhất.

"Vướng thì vướng ở nhiều khâu, từ cơ chế trở đi nhưng vấn đề là các nhà quản lý thể thao phải dám làm, dám chịu trách nhiệm và có máu thể thao thì mới có thể tạo nên đột biến được," ông Minh đúc kết.

Khánh Vy | 17:29 23/03/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục