Vào mùa SEA Games - Bài cuối: Bệ phóng huy chương

08:40 Thứ bảy 28/09/2013

Dù cơ sở vật chất chưa xứng tầm một trung tâm huấn luyện thể thao lớn nhất Việt Nam, nhưng Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ đóng góp 60 - 70% tổng số huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 27.

Khổ luyện…

Có đến Trung tâm HLTTQG Hà Nội, mới hiểu được thế nào là “Khổ luyện thành tài”. Gần 3 tháng trước Đại hội thể thao Đông Nam Á 2013, bầu không khí ở đây đã nóng hừng hực. Bảng đồng hồ đếm ngược tới SEA Games 27 đặt ngay gần cổng trung tâm như nhắc nhở các vận động viên phải tập trung hết sức cho giai đoạn chuẩn bị nước rút.

Một buổi tập của đội tuyển pencak silat. Ảnh: Bảo An

 

Tại các nhà tập dành cho các đội tuyển judo, taekwondo (khu A), hay vật, pencak silat, thể dục dụng cụ (khu B), các VĐV miệt mài rèn thể lực và các động tác kỹ thuật. Những chiếc quạt máy chạy hết tốc lực, nhưng không thể ngăn mồ hôi ướt đầm lưng áo VĐV. Tất cả đều rất nghiêm túc và khẩn trương, bởi họ hiểu rằng thành tích tại sân chơi khu vực cuối năm nay phụ thuộc rất nhiều vào những ngày mài dũa kỹ năng tại nơi vẫn được dân trong nghề gọi ngắn gọn là “Nhổn”.

Trưởng phòng quản lý huấn luyện và công tác chính trị của trung tâm, ông Nguyễn Anh Minh cho biết: “Ngày tập của các VĐV bắt đầu lúc 6 giờ sáng. Cường độ tập luyện sẽ ngày càng lên cao trong những tuần sát SEA Games, đặc biệt là trong thời gian ‘cấm trại’ tháng 10 tới đây”.

Cường độ tập luyện của VĐV tăng lên cũng đồng nghĩa với việc khối lượng công việc của cán bộ, công nhân viên tại trung tâm tăng theo với tốc độ chóng mặt. Tuy vậy, điều băn khoăn nhất của các cán bộ tại trung tâm là làm sao có thể phục vụ tốt nhất cho quá trình chuẩn bị của VĐV, trong bối cảnh phần lớn cơ sở vật chất ở đây đã xuống cấp, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc trung tâm, phần lớn cơ sở vật chất của trung tâm đã xuống cấp và lạc hậu, do quá trình nhiều năm sử dụng, cá biệt như nhà tập phục vụ VĐV cử tạ đã được xây dựng từ năm 1974. Tại nhà tập dành cho đội tuyển TDDC, các tấm thảm đã quá cũ kỹ, không đảm bảo yêu cầu chuyên môn và dễ dẫn đến chấn thương của VĐV. Khu trường bắn quốc gia dù đã được nâng cấp một tuyến bắn trong năm 2013, nhưng vẫn chưa đủ tiêu chuẩn tổ chức thi đấu các giải tầm cỡ như Asiad. Trung tâm cũng thiếu bể bơi tập thể lực… Ông Hùng đánh giá, thực trạng của các trung tâm HLTTQG trên cả nước, trong đó có Nhổn, là chưa bằng 1/10 các trung tâm thể thao của Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.

Chính vì cơ sở vật chất chưa xứng tầm với một trung tâm huấn luyện thể thao hàng đầu quốc gia, nên theo ông Nguyễn Anh Minh, trong nhiều năm qua, rất nhiều đội tuyển do trung tâm quản lý (50% số môn tập huấn hằng năm), như bóng đá, wushu, boxing, cầu mây, khiêu vũ thể thao, thể dục nghệ thuật, thể hình, đấu kiếm, đá cầu, bóng rổ, bóng ném, nhảy cầu, cầu lông và nhiều đội tuyển trẻ, đã phải nhờ cơ sở tập luyện của các địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hòa Bình… Thực tế này gây khó khăn cho công tác quản lý huấn luyện và ảnh hưởng không nhỏ tới thành tích thi đấu của VĐV.

“Mỏ” huy chương

Khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng trung tâm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, đào tạo và huấn luyện các đội tuyển quốc gia, mỗi năm đóng góp khoảng 70% số huy chương quốc tế cho thể thao Việt Nam. Từ đầu năm 2013 đến nay, các đội tuyển tập huấn tại trung tâm đã giành được những thành tích đáng chú ý, như: HCV Cúp thế giới môn TDDC, HCV Cúp thế giới môn bắn súng, 4 HCV tại giải vô địch đá cầu thế giới, HCV giải thể hình châu Á, 2 HCV giải cử tạ trẻ châu Á…

Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ do Tổng cục Thể dục thể thao giao, trung tâm đang dồn sức cho SEA Games 27, phấn đấu tiếp tục là “mỏ” huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam. Ông Hùng khẳng định: “Sau khi các bộ môn, HLV đã dự kiến chỉ tiêu huy chương cho SEA Games 27 (khoảng 70 HCV), tôi tin tưởng, với kế hoạch huấn luyện, tập huấn và thi đấu rất cụ thể, các VĐV do Trung tâm quản lý có thể đóng góp 60 - 70% số huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam”.

Nhưng cho dù thế nào, trong thời gian tới, trung tâm cũng đang hy vọng được tăng kinh phí mua trang thiết bị tập luyện và thi đấu đủ tiêu chuẩn cho các ĐTQG, đồng thời được tăng kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất (cải tạo, xây mới), nhằm đảm bảo phục vụ yêu cầu của công tác huấn luyện, thi đấu.

 

Năm 2013, Trung tâm HLTTQG Hà Nội được giao quản lý và đào tạo 28 môn, với 55 đội tuyển và đội tuyển trẻ, tổng cộng quân số lên đến 1.081 người (VĐV, HLV, chuyên gia), hướng tới những mục tiêu là SEA Games 27, Asiad 2014 và những giải đấu quốc tế lớn trong những năm tiếp theo.

Song Long | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục