US GP 2012: Thời khắc quyết định

15:30 Thứ sáu 16/11/2012

Cuối cùng, F1 sẽ chính thức trở lại Mỹ vào cuối tuần này sau 5 năm vắng mặt. Chặng đua áp chót của mùa giải vẫn còn ẩn chứa rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời.

Các kỹ sư chạy xe đạp trên đường đua COTA trong ngày hôm qua

Mặc dù đã từng có lúc người ta nghi ngờ về tiến độ xây dựng đường đua trị giá 400 triệu USD Circuit of the Americas (COTA), nhưng rốt cuộc mọi chuyện đã diễn ra suôn sẻ và thành phố Austin đã sẵn sàng để tổ chức chặng US GP lần đầu tiên kể từ năm 1984 tại tiểu bang Texas. Đây sẽ là địa điểm thứ 10 từng tổ chức một chặng GP tại Mỹ, nhưng là đường đua đầu tiên được xây dựng hoàn toàn mới chỉ để phục vụ cho riêng F1. Điều đó, cộng với một cuộc đua giành danh hiệu cá nhân đang vô cùng nóng, sẽ khiến chặng đua cuối tuần này trở thành một màn trình diễn đáng xem.

Bỡ ngỡ

Là đường đua do Hermann Tilke thiết kế, về cơ bản thì COTA cũng có nhiều đặc điểm tương tự nhiều đường đua khác được xây dựng trong thời gian gần đây: dài hơn 5km, có khoảng 20 khúc cua và sẽ chạy khoảng 50 vòng. Tuy nhiên, ấn tượng đầu tiên về đường đua theo như những hình ảnh được giới thiệu cho thấy nó có thể sẽ thú vị hơn nhiều chứ không đơn thuần là một phép cộng của các con số.

Với cuộc đua cá nhân đang tiến vào giai đoạn nước rút, đây sẽ là thời điểm khó khăn đối với các tay đua khi họ phải thi đấu trên một đường đua hoàn toàn lạ lẫm. Tất nhiên, họ đã được trải nghiệm nó rất nhiều nhờ vào các mô hình giả lập, nhưng còn quá nhiều ẩn số mà các siêu máy tính chưa thể tính toán được, chẳng hạn như độ mài mòn của lốp. Điều đó sẽ khiến các đợt chạy thử ngày thứ Sáu trở nên vô cùng quan trọng. Bởi chưa ai biết lốp xe sẽ hoạt động ra sao tại COTA, nên Pirelli đã quyết định cung cấp thêm cho mỗi đội đua một bộ lốp cứng trong ngày thử nghiệm thứ Sáu, để họ có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn.

Điều đó cũng có nghĩa là COTA rất có thể sẽ trở thành nơi quyết định danh hiệu cá nhân mùa này. Sau một cuộc đua giàu kịch tính tại Abu Dhabi, đương kim vô địch Sebastian Vettel đang dẫn Fernando Alonso với khoảng cách 10 điểm, với số điểm cá nhân tối đa còn lại trong 2 chặng cuối cùng là 50 điểm.

Kimi Raikkonen đã chiến thắng ở Abu Dhabi, nhưng ngay cả với chiến thắng đó, anh cũng đã chính thức nằm ngoài cuộc chiến. Vì vậy, đây sẽ chỉ còn là cuộc đối đầu trực tiếp giữa Vettel và Alonso, giữa Red Bull và Ferrari.

Những thông tin về COTA

Được kết hợp từ 11 khúc cua trái và 9 khúc cua phải, COTA có chiều dài 5.516km và là một trong số 5 đường đua hiện tại của F1 chạy ngược chiều kim đồng hồ, bên cạnh Singapore, Hàn Quốc, Abu Dhabi và Brazil. Tất cả các đường đua này đều nằm trong số 7 chặng đua cuối cùng của mùa giải 2012.

Việc rải nhựa bề mặt đường của COTA phải mất tới 4 tháng mới hoàn thành, bởi nó bao gồm nhiều lớp khác nhau, trong đó lớp cuối cùng chỉ mới được hoàn thành vào cuối tháng Chín. Tỉnh tổng cộng đã có hơn 640.000 mét khối vật liệu đã được sử dụng để xây dựng đường đua.

Nhà tổ chức lựa chọn khúc cua đầu tiên là một đặc điểm nổi bật của đường đua này, bởi đặc tính thiết kế đặc biệt của nó. Từ vạch xuất phát, đường đua được nâng cao cực nhanh thêm 41m tại đỉnh của khúc cua đầu tiên - một khúc cua trái cực hẹp và tay đua hoàn toàn không nhìn thấy đường đua phía trước.

Lần lượt khúc cua số 2 và 3 được thiết kế phỏng theo khúc cua Senna ‘S’ tại đường đua Interlagos của Brazil, trong khi các khúc cua 4, 5 và 6 đã được thiết kế với âm hưởng phức tạp của Silverstone. Các yếu tố khác chịu ảnh hưởng của những đường đua lừng danh khác bao gồm đoạn khúc cua 12, 13 và 14 gợi nhớ tới Hockenheim, và cụm cua 16, 17, 18 gần như lặp lại khúc cua số 8 khét tiếng của Istanbul Park.

Vòng đua khai trương COTA đã được thực hiện bởi huyền thoại người Mỹ Mario Andretti, người mới chỉ một lần giành chiến thắng trên sân nhà ở chặng Long Beach 1977.

Người gần nhất giành chiến thắng tại Mỹ là Lewis Hamilton vào năm 2007. Ngay trong mùa giải đầu tiên đua cho McLaren, tân binh Hamilton đã giành pole ở Indianapolis Motor Speedway và trong cuộc đua ngày hôm sau đã có chiến thắng thứ 2 trong sự nghiệp.

Chặng US GP 2007 còn có một cột mốc khác đáng chú ý. Đó là nơi Sebastian Vettel chính thức được cầm lái lần đầu tiên. Anh thay thế cho Robert Kubica bị chấn thương, khi cả 2 đang đua cho Sauber. Ở tuổi 19 vào thời điểm đó, Vettel được xuất phát ở vị trí thứ 7 và kết thúc thứ 8. Với kết quả đó, anh trở thành tay đua trẻ nhất trong lịch sử F1 từng giành điểm, một kỷ lục vẫn còn đứng vững đến thời điểm này.

Trong thời gian gần đây, Michael Schumacher chính là tay đua thành công nhất tại US GP. Trong 8 chặng đua từ 2000-2007, khi cuộc đua được tổ chức tại Indianapolis, Schumacher giành tới 5 chiến thắng (2000 và 2003-2006).

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục